Trần Thành (VNTB) “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” (Trích điều 4.3, dự thảo Nghị định quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị).
Ảnh chụp dự thảo Nghị định gây tranh cãi. |
Vẫn lắm kẻ hở
Dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo, định nghĩa như sau: “Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Thiết bị ngụy trang dùng để định vị là thiết bị có tính năng xác định vị trí, mục tiêu được giấu trong thiết bị, đồ vật thông thường hoặc giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường”.
Như vậy, nếu thiết bị ghi âm, ghi hình ấy có kiểu dáng mẫu mã sản phẩm giống như đồ vật thông thường,mẫu mã ấy được sản xuất hợp pháp, thậm chí được cả bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thì xem ra không thuộc nội dung chịu sự điều chỉnh của dự thảo nghị định mà Bộ Công an đưa ra. Nghĩa là các cửa hàng điện máy, tiệm tạp hóa cứ việc bán công khai những thiết bị ghi âm, ghi hình ấy mà không ngại bị đối mặt với tội danh hình sự “xâm hại đến an ninh, trật tự” như dự thảo nêu.
Phương tiện công nghệ dân dụng thì không thể cấm
Các phương tiện tiến bộ về công nghệ được con người sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, trong đó, việc ghi chép (hình ảnh và tiếng nói), thiết bị định vị phục vụ rất nhiều công việc trong đời sống của con người ở thời hiện đại, chứ đâu chỉ dùng để phạm tội. Nếu việc sử dụng những thiết bị này trái với các quy định pháp luật, thì bản thân người có hành vi đó phải chịu trách nhiệm chứ không phải các thiết bị này… có sẵn tội để rồi đi tới chỗ cấm đoán sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Đơn cử, hầu hết các thiết bị điện thoại thông minh hiện nay đều được thiết kế, hoặc cài đặt sẵn tính năng ghi âm, ghi hình… Như vậy, khi cầm điện thoại ấy trên tay, hay đặt trên bàn, trong túi xách… cùng với thao tác ghi âm, ghi hình… mà phía được ghi âm, ghi hình không biết, thì liệu đó có được coi là “thiết bị ngụy trang”? Rõ ràng là đối với những thiết bị phục vụ cho cuộc sống của người dân, không được phép cấm, chỉ cấm sử dụng trong những phạm vi là mục tiêu bảo vệ an ninh, bí mật quốc gia, bí mật quân sự, bí mật kinh tế.
Bó tay báo chí?
Tại điều 4.3 của dự thảo quy định: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Đa phần nhà báo tác nghiệp hàng ngày, đều có sử dụng thiết bị ghi âm, chụp ảnh, nhiều trường hợp phóng viên điều tra còn phải “nhập vai” sử dụng thiết bị camera giấu kín để ghi lại hình ảnh, nhằm thu thập thông tin phục vụ cho bài viết. Đối với người làm báo thiết bị ghi âm, ghi hình là “vật bất ly thân”; không chỉ giúp nhà báo ghi lại thông tin, mà trong một số trường hợp, nó còn là vũ khí bảo vệ nhà báo, khi có những ý kiến, quan điểm bất lợi cho nhà báo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, nếu quy định này được đưa vào áp dụng, thì khó có thể có những phóng sự hay, những thông tin xác đáng để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng…
Thiết bị công nghệ ghi âm, ghi hình, định vị trở nên phổ thông hơn cũng là một công cụ để người dân yếu thế có thể tự bảo vệ mình trước những tiêu cực được tạo ra bởi người có quyền thế trong xã hội, và là kênh giám sát quyền lực hữu hiệu trong rất nhiều trường hợp. Thật phi lý và độc đoán khi cơ quan chuyên trách an ninh một mặt nói rằng họ hướng đến trong sạch, lành mạnh, hiệu quả, nhưng lại sợ phải đối diện với những giám sát tích cực để giúp mình hoàn thiện.
Nhìn giác độ của quyền dân sự, nếu căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có hiệu lực, tại điều 94, điều 95 quy định nguồn chứng cứ là các dữ liệu điện tử được thu thập; tổ chức cá nhân có quyền thu thập tài liệu chứng cứ bằng những biện pháp như thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử.
Như vậy việc dự thảo cấm người dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị định vị có hình dáng mẫu mã khác với những mẫu mã được cho là quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, có thể nói là những nội dung soạn thảo trình thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đó của Bộ Công an, đã vượt phạm vi và thẩm quyền của Chính phủ trong ban hành văn bản thể loại nghị định. Hơn nữa, Hiến pháp 2013 đã có các điều khoản cho phép hạn chế quyền công dân, quyền con người nhằm mục đích an ninh quốc gia an toàn xã hội, nhưng phải đảm bảo bằng những đạo luật chứ không thể bằng một nghị định như thế này.