Hà Nguyên – Cát Tường
(VNTB) – Họ chủ yếu không vì động cơ chính trị mà chỉ vì tiền, vì miếng cơm manh áo, mong có thêm khoản tiền bạc nào đó để xoay sở cuộc sống túng bẫn
Việc ghi danh tánh công khai tham gia vào một tổ chức được Bộ Công an Việt Nam liệt vào tổ chức khủng bố là bằng chứng vi phạm hình sự rất rõ ràng, thế nhưng…
“Tôi cho rằng phần lớn những người công khai ghi danh ở đây chủ yếu không vì động cơ chính trị mà chỉ vì tiền, vì miếng cơm manh áo, mong có thêm khoản tiền bạc nào đó để xoay sở cuộc sống túng bẫn” – một luật sư nhận xét.
Đây là một thực tế đối với nhiều người bị cáo buộc là thành viên của tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Tổ chức này được cho là thông qua mạng xã hội đã lôi kéo nhiều đối tượng trong nước thành lập các “nhóm hành động” với những tên gọi như: Biệt động quân, Vệ binh quốc gia, Phượng hoàng, Đại Việt, Mãng xà, Biệt đội Black Tiger… để thực hiện những hành vi được cho là khủng bố, phá hoại tại Việt Nam.
Đơn cử, trong tháng 4-2017 xảy ra vụ khủng bố ở sân bay Tân Sơn Nhất. Hồ sơ vụ việc cho biết, ngày 8-4, Nguyễn Đức Sinh, Vũ Mộng Phong (cùng ngụ tỉnh Bình Định), Đặng Hoàng Thiện (hộ khẩu quận 3, TP.HCM), Thái Hàn Phong (hộ khẩu huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Ngọc Tiền, Nguyễn Thị Chung (cùng ngụ tỉnh Bình Dương), Hoàng Văn Dương (thường trú thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), đã thực hiện hành vi đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) bằng bom xăng.
Ngày 22-4, Đặng Hoàng Thiện, Ngô Thụy Tường Vy và Trương Tấn Phát (cùng thường trú TP.HCM) và Nguyễn Thị Chung đã đặt 2 quả bom xăng ở nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó một quả bom đã kích nổ.
Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Thiện – người chế tạo 2 trái bom để Vy mang đến kích nổ tại cột số 9, sảnh chờ ga đến quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết mục đích đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22-4-2017 vì lúc này sắp tới lễ 30-4 nên có nhiều lãnh đạo cấp cao sẽ bay từ Hà Nội vào TP.HCM. Như vậy, việc đặt bom sẽ tạo được tiếng vang cho tổ chức.
Thiện thừa nhận để thực hiện việc đặt bom sân bay được một người trong tổ chức ở nước ngoài đã chuyển hơn 8 triệu đồng vào tài khoản của Lê Thị Thu Phương – bạn gái Thiện. Thiện không nhận tiền từ Nguyễn Thị Chung như nhận định của bản án sơ thẩm.
Còn bị cáo Ngô Thụy Tường Vy – người đã bấm nút kích nổ trái bom tự chế ở sân bay Tân Sơn Nhất thừa nhận đã có hành vi bấm nút kích nổ, nhưng bị cáo không tham gia tổ chức phản động, không có động cơ chính trị mà chỉ cùng Thiện gây rối trật tự công cộng. Vy khai do bị sốc trong công việc, tâm lý không ổn định nên tham gia đặt bom khói để gây tiếng vang. Vy khai bị cáo nói với Thiện nếu việc đặt bom không nguy hiểm, không gây chết người thì bị cáo mới tham gia.
Vy cho rằng tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 11 năm tù là quá nặng.
Cùng tham gia vụ đặt bom xăng sân bay, bị cáo Trương Tấn Phát xin giảm nhẹ hình phạt vì chỉ là người chở Vy ra sân bay, ngoài ra bị cáo lo sợ nên đã tháo pin điều khiển từ xa không kích nổ bom xăng.
Trong vụ án, nhiều bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng tại tòa lại trình bày mình không tham gia các tổ chức phản động, không có động cơ chính trị, không thực hiện hành vi khủng bố…
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Chung được xác định là hậu cần của tổ chức phản động, cung cấp tiền cho các bị cáo khác thực hiện hành vi khủng bố, kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Vũ Mộng Phong khai không tham gia vào việc đốt kho xe số 1 mặc dù bị cáo này thừa nhận cho các bị cáo khác mượn nhà mình để chế tạo bom xăng. Mộng Phong khai 2g ngày 8-4-2017 Phong đi khám bệnh chứ không phải làm nhiệm vụ cảnh giới. Bị cáo này cũng cho biết do hoang mang, lo sợ, bị ép cung nên bị cáo mới thừa nhận hành vi phạm tội.
Bị cáo Trần Văn No cũng kháng cáo kêu oan vì No khai rằng mình không chơi facebook, không biết gì về chính trị, chỉ nghe lời điều tra viên nói nhận tội sẽ được giảm nhẹ. Nhưng sau đó tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 6 năm tù làm bị cáo bất ngờ vì bị cáo “không làm gì cả”.
Còn bị cáo Đoàn Văn Thế thì thừa nhận mình có tư tưởng bất mãn chính quyền nên mới gia nhập các nhóm nhưng chưa hành động gì nên bị cáo Thế cho rằng mình không phạm tội khủng bố…
Một vụ án khác mang tính đơn lẻ
Trung tuần tháng 8 năm ngoái, tại bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án tỉnh Nghệ An cho biết bị cáo Trần Hữu Đức (57 tuổi, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) có tình tiết phạm tội tóm tắt như sau: ông Đức đã viết đơn gửi qua tài khoản Facebook “Tôi Quê Hương” để xin tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Sau đó, Đức chụp ảnh gửi để đăng ký tham gia tổ chức “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”. Tổ chức này công khai mục đích lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
Không chỉ vậy, theo yêu cầu của tổ chức, ông Đức đã thu thập thông tin cá nhân của 36 công dân trú tại các xã Nam Lĩnh, Xuân Lâm, Kim Liên thuộc huyện Nam Đàn gửi cho Hương để đăng ký tham gia “trưng cầu dân ý” bầu ông Đào Minh Quân làm tổng thống “Đệ tam Việt Nam cộng hòa”.
Tòa tuyên ông Đức ba năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Điểm chung của các vụ án liên quan đến tổ chức nói trên là những thành viên sinh sống tại Việt Nam đều tham gia bằng ghi danh tính thật, email liên lạc, và nếu đồng ý về yêu cầu hành động từ tổ chức, thì họ sẽ nhận được một khoản tiền bằng ngoại tệ. Đây chính là những tình tiết được gọi là bằng chứng và động cơ phạm tội lúc đối mặt cáo buộc hình sự.
Từ một số cụ thể ở trên cho thấy cần có góc nhìn nhân bản khác về những người được cho là phạm tội, bởi ở đây về hình thức có thể là động cơ chính trị, thế nhưng thực chất chỉ đơn giản là vì tiền bạc. Do đó cần thiết xem xét trước tiên bằng giải pháp xử lý hành chính, hạn chế hình sự hóa bằng những bản án tội danh nặng nề ảnh hưởng không chỉ nhân thân người đó về sau, mà còn cả gia đình của người ấy.
1 comment
Phân tích rất có lý . Vì tiền mà làm/nói bậy vẫn nhẹ tội hơn những người làm/nói bậy vì lương tâm thôi thúc hay vì tiếng gọi của con tim .