Cát Tường
(VNTB) – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhận hối lộ liên quan “tiếp nhận” công dân Việt Nam ở nước ngoài về để cách ly, cầm chắc ông còn phải chia chác cấp cao hơn…
Hồ sơ công khai về vụ án ông Trần Văn Tân được cho là bắt nguồn từ chuyện vào ngày 19-10-2022, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công văn của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an yêu cầu rà soát, kiểm tra và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly; việc xin chủ trương cách ly; việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly.
Theo một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đón khoảng 40.000 người trên các “chuyến bay giải cứu” về cách ly.
Trong hai năm 2021 – 2022, ở cương vị phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, ông Trần Văn Tân đã ký nhiều quyết định thành lập các khu cách ly có thu phí đối với người nhập cảnh. Hầu hết quyết định được ký căn cứ theo đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Giải trình về vấn đề này, ở nội dung lựa chọn khách sạn, resort làm địa điểm cách ly, tháng 10-2022, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, cho biết thời điểm đó, tỉnh thành lập đoàn gồm đại diện Sở Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh cùng đại diện chính quyền địa phương đi kiểm tra.
Nếu khách sạn nào đảm bảo đủ điều kiện tiếp nhận, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định thì mới thống nhất cho phép tiếp nhận công dân Việt Nam ở nước ngoài về để cách ly. Theo ông Hồng, có tất cả 36 cơ sở lưu trú đăng ký nhưng chỉ có 31 đơn vị đủ điều kiện được cấp phép. Trong 31 đơn vị được duyệt thì có 3 đơn vị xin thôi vì các điều kiện yêu cầu nghiêm ngặt, nhất là phải đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Liên quan nội dung của “chuyến bay giải cứu”, ngày 31-12-2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Tân về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Chưa có thêm tin tức cụ thể về việc ông Tân đã nhận hối lộ của ai, nhưng với diễn biến sự việc, ở đây rất có khả năng là phía cơ sở lưu trú được cấp phép tiếp nhận có tính phí đối với yêu cầu bắt buộc cách ly của công dân Việt Nam từ nước ngoài về, họ đã thực hiện với hiếu hỉ quen thuộc là trích một khoản phần trăm lợi nhuận để “thưởng” cho phía đã giúp đơn vị có được doanh số tốt.
Chuyện này là rất đỗi bình thường của “bánh ít đi thì bánh quy lại” trong làm ăn. Bởi số tiền trích này đa số là nằm trong khoản hạch toán gói cung cấp dịch vụ, do vậy không làm “đội giá” hay gì đó nhuốm sắc màu tiêu cực ở đây.
Dĩ nhiên nếu như không có gì mờ ám của “lobby chính sách” được hiểu theo nghĩa – giả dụ như cơ sở lưu trú ở thành phố Đà Nẵng đáp ứng tốt hơn, có giá cả đa dạng hơn cho những lựa chọn, thế nhưng vì lẽ nào đó, phía Chính phủ lại “ưu ái” có các quyết định về việc “công dân Việt Nam từ nước ngoài về cần phải được cách ly tại tỉnh Quảng Nam” chẳng hạn…
Nghi vấn trên khi có thật cho thấy chắc chắn phần “bánh quy lại” khó thể dừng ở mỗi chức danh phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam như sự việc đang diễn ra.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, từ tháng 4-2021 đến tháng 12-2021, tỉnh này đã đón gần 30.000 công dân về nước cách ly trên các chuyến bay. Đây là địa phương có số lượng người nước ngoài, công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài về cách ly nhiều nhất cả nước.
Thời gian trên cũng là lúc ông Nguyễn Xuân Phúc, một người ‘Quảng Nam chính hiệu’ đang giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ.