Việt Nam Thời Báo

VNTB – Người Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu

 

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với nước Nga, người Nga cũng sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa.

 

“Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải dừng hành động gây hấn vô nghĩa này. Ngày hôm nay, những suy nghĩ của chúng tôi được gửi đến người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ đứng bên họ” – trích thông cáo báo chí của Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Josep Borrell.

Không dân chủ thì rút lui thôi

Hội đồng châu Âu thành lập năm 1949. Nga gia nhập năm 1996 và là quốc gia thứ hai rời khỏi cơ quan này. Hy Lạp từng làm điều tương tự năm 1969 để tránh bị trục xuất sau khi một nhóm sĩ quan quân đội giành chính quyền trong cuộc đảo chính. Hy Lạp gia nhập lại sau khi khôi phục nền dân chủ sau 5 năm.

Nga thông báo quyết định rút khỏi Hội đồng châu Âu hôm 15-3 với lý do các nước phương Tây đã phá hoại cơ quan giám sát nhân quyền châu Âu.

Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga, cáo buộc các nước thuộc NATO và Liên minh châu Âu coi Hội đồng châu Âu là “phương tiện hỗ trợ ý thức hệ cho mục đích mở rộng chính trị, quân sự và kinh tế sang phía đông”.

Như vậy Công ước châu Âu về nhân quyền sẽ không còn áp dụng với Nga, còn người Nga sẽ không thể khiếu nại chính phủ lên Tòa án Nhân quyền châu Âu nữa.

Tòa án Nhân quyền châu Âu (tiếng Anh: European Court of Human Rights, tiếng Pháp: Cour européenne des droits de l’homme) trụ sở tại Strasbourg, (Pháp) là một tòa án siêu quốc gia, được lập ra bởi Công ước châu Âu về Nhân quyền, một cấp tòa cuối cùng mà một người có thể cầu cứu khi cảm thấy nhân quyền của mình bị một nước ký kết Công ước châu Âu về Nhân quyền vi phạm.

Châu Âu là nơi hình thành đầu tiên cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp độ khu vực; được tổ chức và hoạt động một cách hiệu quả và hiệu lực hơn cả trong các khu vực có cơ chế tương tự này.

Cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở châu Âu được cấu thành từ hệ thống các văn kiện khu vực về quyền con người cùng các bộ máy thực thi, bao gồm: Công ước châu Âu về Bảo vệ quyền con người và Tự do cơ bản được Hội đồng châu Âu thông qua năm 1950, có hiệu lực năm 1953; Ủy ban Quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu (thành lập năm 1954); Tòa án Quyền con người châu Âu (1959); Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (gồm ngoại trưởng hoặc đại diện của các quốc gia thành viên).

Cơ chế châu Âu bao gồm 3 cấp độ và hình thức: Hội đồng châu Âu, Liên minh châu Âu, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Một trong những cơ quan thiết chế quan trọng của cơ chế châu Âu đó chính là Ủy ban châu Âu về Nhân quyền, Tòa án Nhân quyền châu Âu…

Cơ chế giải quyết các khiếu kiện về tình trạng vi phạm quyền con người ở châu Âu được thực hiện thông qua cơ chế giải quyết trực tiếp theo thẩm quyền của Công ước châu Âu về quyền con người (ECHR), hoặc trực tiếp tại Tòa án Nhân quyền châu Âu được thành lập theo Nghị định thư số 11 của Công ước.

Tòa án Nhân quyền chẳng là gì trong mắt lãnh đạo Nga

Trong quá khứ phía liên bang Nga từng công khai từ chối thực hiện phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Số là tháng 4-2014, Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration) tại Hague (La Haye, Hà Lan), tuyên chính phủ Nga phải trả gần một nửa số tiền bồi thường 103 tỷ USD đề nghị bởi nhóm cổ đông lớn của hãng dầu khí Yukos Oil.

Tòa án nhận định chiến dịch chống lại Yukos “là vì mục đích chính trị”, chứ không đơn thuần là trốn thuế, Tim Osborne – Chủ tịch GML (Group Menatep Limited) – công ty mẹ trước đây của Yukos cho biết như vậy.

Chính phủ của ông Putin đã giải thể Yukos trong khoảng thời gian 2004 – 2007 sau khi truy thu của hãng này 27 tỷ USD thuế. Phần lớn tài sản của Yukos đều bị hãng dầu mỏ quốc doanh Rosneft mua lại trong các phiên đấu giá.

Vấn đề nhân quyền được đặt ra trong vụ án này

Theo hồ sơ lưu trữ trên trang https://www.acerislaw.com/, thì vào  ngày 19-1-2017, Tòa án Hiến pháp Nga phán quyết rằng Nhà nước Nga không có nghĩa vụ tuân thủ Tòa án Nhân quyền Châu Âu trong phán quyết trong vụ án Yukos, rằng Nga đã vi phạm Công ước châu Âu về quyền con người.

Trong một bài viết trên trang Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn nhận trên bình diện quốc gia, trên cơ sở cơ chế chung của khu vực, các quốc gia châu Âu đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề nhân quyền.

“Đây là tiền đề pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, là cơ sở, căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía nhà nước và các thành viên trong xã hội. Như vậy, pháp luật không chỉ là công cụ, phương tiện của nhà nước mà còn là công cụ, vũ khí của mọi công dân để thực hiện, bảo vệ quyền con người” – bài viết nhấn mạnh như vậy.

Lâu nay, bản án tuyên của Tòa án Nhân quyền Châu Âu còn đồng nghĩa về việc nếu một công dân châu Âu sau khi đã thất bại trước cơ quan tư pháp trong nước, vẫn còn một “cửa” để đòi công lý và nhân quyền cho mình… Giờ em ra điều này với người Nga sẽ không còn nữa kể từ ngày 15-3-2022.


Tin bài liên quan:

VNTB – Trận chiến vô hình: Nga bắt đầu chiếm ưu thế về tác chiến điện tử

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Việt Nam kêu gọi thực thi luật nhân đạo quốc tế với Ukraine

Phan Thanh Hung

VNTB – Bắt đầu vào mùa… chạy ghế ‘trung ủy’

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo