Việt Nam Thời Báo

VNTB- Tiền đền bù của Formosa chính là ngòi nổ biểu tình

Trúc Giang – Văn Hùng

(VNTB) – Ông Nguyễn Xuân Phúc xem ra đang đánh cược cái ghế thủ tướng trong canh bạc thu xếp vụ Formosa xả thải hủy diệt môi trường, khi ông đặt bút chấp thuận cho kẻ thủ ác tiếp tục công nghệ xử lý cốc ướt – nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua. 



Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ…

Hơn một năm đi qua, 4 tỉnh nằm trong danh sách nhận đền bù thiệt hại từ vụ xả thải hủy diệt môi trường của Formosa Hà Tĩnh, vẫn thực hiện ở mức nhỏ giọt. Tỉnh Nghệ An cũng chịu thiệt hại, song vẫn chưa được chính phủ đồng ý đền bù. Các tổ chức hội nghề nghiệp chịu sự thiệt hại từ việc thất thu nguồn thủy sản ở vùng biển chịu sự hủy diệt của Formosa, cũng không nằm trong danh sách nhận đền bù.
Ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị, hàng loạt câu hỏi đã đặt ra từ sau khi có thông báo Chính phủ Việt Nam sẽ “thay mặt” Formosa Hà Tĩnh để đền bù cho những thiệt hại ở vụ xả thải hủy diệt môi trường. Thứ nhất, vì sao những người kinh doanh dịch vụ, du lịch, thương mại ven biển, các cơ sở kinh doanh, chế biến đã phải ngưng tổ chức hoạt động sản xuất, lại không được hưởng đền bù?.
Thứ hai, chủ tàu là lao động chính trên tàu có được tính là một lao động trên tàu được bồi thường hay không? Lao động làm nghề khai thác thủy sản có tính chất giản đơn và thu nhập chính dựa vào nguồn lợi từ biển, đầm phá, cửa sông… có tàu/thuyền phụ vụ cho nghề này thì kê khai bồi thường theo lao động giản đơn và có được kê khai tàu thuyền không?
Thứ ba, những diện tích nuôi trồng thủy sản trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 không được bổ sung nguồn nước biển (do môi trường nước biển chưa được công bố an toàn) làm môi trường nuôi bị ô nhiễm, thủy sản bị dịch bệnh chết từ 70% trở lên, vì sao chưa được tính thiệt hại do sự cố môi trường biển?…
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, cũng ghi nhận những thắc mắc tương tự. Như ở huyện Phú Vang của tỉnh, có rất nhiều nhà hàng ăn uống ven biển phục vụ du khách, do sự cố môi trường biển đã bị ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh. Những cơ sở này phải chịu tiền thuê mặt bằng khá cao, nhưng theo công văn hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) không được kê khai, nên gặp rất nhiều khó khăn.
Một báo cáo của ông Hồ Sỹ Nguyên, giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết những ngư dân khai thác thủy sản đại trà tại vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh gồm khoảng 6.000 tàu thuyền không lắp máy và lắp máy công suất nhỏ, với 10.000 lao động vẫn chưa thuộc diện được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại. Các cơ sở chế biến vùng cửa sông, đầm phá; lao động trong các cơ sở kinh doanh ven biển; chủ các cơ sở thu mua tạm trữ…, cũng không nằm trong danh sách được nhận đền bù.
Thực tế, người dân nuôi trồng thủy hải sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai bị rớt giá trầm trọng sau vụ Formosa xả thải. Ngay sau đó rất nhiều thủy sản của người dân nơi đây không tiêu thụ được, mặc dù đã quá thời kỳ thu hoạch, trong khi ngư dân thuộc diện này lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ, bồi thường thiệt hại nên cuộc sống hết sức khó khăn.

Ai đền cho chuyện phá sản “Nông thôn mới”?
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Bình, trong số 18 xã biển của tỉnh, trước khi xảy ra vụ xả thải của Formosa Hà Tĩnh, đã có 9 xã cán đích, các xã còn lại dù còn nhiều khó khăn nhưng đều đặt mục tiêu đạt chuẩn vào năm 2020. Tuy nhiên, từ khi xảy ra xả thải hủy diệt môi trường biển do Formosa gây ra, lộ trình cán đích NTM của các xã gần như bị phá sản. Năm 2013, xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới là xã sớm nhất của tỉnh Quảng Bình về đích NTM. Tuy nhiên sau vụ xả thải hủy diệt môi trường biển của Formosa, Quang Phú đã không còn giữ được các tiêu chí NTM.
UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá mức thiệt hại về môi trường và nguồn lợi thủy sản hết sức lớn, trong đó môi trường sống của các loài thủy hải sản bị phá hủy, có một số loài thủy sản gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm 40-60%. Lẽ ấy nên chuyện phá sản chương trình NTM là dễ hiểu. Tình cảnh này còn bắt gặp ở tất cả những xã nông thôn khác trong vùng biển chịu thiệt hại từ kẻ thủ ác Formosa đã xả thải hủy diệt môi trường.

Hậu quả về xã hội, an ninh chính trị
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên – Môi trường, sau khi cam kết bồi thường 500 triệu USD khắc phục sự cố môi trường ở 4 miền Trung, Formosa đã cam kết chuyển tiền bồi thường làm 2 lần. Lần 1, ngày 28-7-2016, Formosa đã chuyển 250 triệu USD. Lần 2, sáng ngày 30-8-2016, Formosa đã chuyển 250 triệu USD còn lại, hoàn thành việc chuyển 500 triệu USD bồi thường như cam kết đã ký.
Tuy nhiên đến nay, vẫn còn rất nhiều người dân chịu thiệt hại do Formosa xả thải chưa nhận được đền bù, mặc dù có tên trong danh sách được Chính phủ Việt Nam chấp thuận đền bù. Bên cạnh đó, Chính quyền tìm mọi cách cản trở, bao gồm cả việc tòa án trả lại đơn đề nghị khởi kiện dân sự Formosa về đền bù thiệt hại. Điều bất thường đó từ Chính phủ Việt Nam đã đưa đến hệ lụy người dân buộc phải biểu tình để kêu gọi sự minh bạch trong thảm họa xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
Hàng loạt biểu tình phản đối sự tồn tại Formosa Hà Tĩnh của người dân Nghệ An và Hà Tĩnh là lẽ tất yếu, nằm trong tiên liệu trước đó. Ngày 11-7-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt hàng loạt câu hỏi mà đến nay Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc vẫn im lặng. Phó chủ tịch Quốc hội, Đỗ Bá Tỵ cảnh báo vụ Formosa còn là vấn đề tiềm ẩn lâu dài. Nếu không lường trước, tình hình sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp, không chỉ đơn giản về kinh tế mà còn gắn với quốc phòng – an ninh. Tướng Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng vụ việc Formosa mới chỉ giải quyết bước đầu. “Câu hỏi đặt ra là môi trường khi nào được khắc phục, nghề cá của ngư dân đến khi nào khôi phục được? Nếu không trả lời được những câu hỏi, không có dự kiến, giải pháp đủ mạnh sẽ rất khó lường, không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn nhiều vấn đề khác” – ông Tỵ phân tích.

Chờ hết tháng 6
Trong một văn bản mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, phải hoàn tất chi trả trong tháng 6-2017. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NNPTNT chủ trì giám sát, vận động ngư dân tiếp tục ngưng đánh cá và hải sản tầng đáy ở vùng biển 20 hải lý trở vào, cho tới khi Bộ Y tế có công bố cá tầng đáy đánh bắt tại khu vực này an toàn.
Cái lạ nhất ở đây là Phó Thủ tướng yêu cầu “UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ động làm việc với Formosa, khuyến cáo Formosa thực hiện trách nhiệm xã hội để làm thay đổi hình ảnh Formosa”.
Liệu Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc có há miệng mắc quai ở chỗ nào hay chăng, khi ai cũng dễ dàng thấy rằng 500 triệu USD chia cho 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) thì mỗi tỉnh chỉ nhận được trên 100 triệu USD, không phải là lớn. Trong khi chúng ta đã thấy cá chết hàng loạt, trải dài trên vùng biển hàng trăm cây số như thế. Rồi chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu tiền của, thời gian, công sức để khắc phục cho được sự cố môi trường này. Đến nay mọi việc đều chưa rõ ràng, dù Formosa có hứa hẹn này kia.

Ông Nguyễn Xuân Phúc xem ra đang đánh cược cái ghế thủ tướng trong canh bạc thu xếp vụ Formosa xả thải hủy diệt môi trường, khi ông đặt bút chấp thuận cho kẻ thủ ác tiếp tục công nghệ xử lý cốc ướt – nguyên nhân gây nên thảm họa môi trường biển miền Trung vừa qua. 

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo