Việt Nam Thời Báo

VNTB – Putin có bị cáo buộc tội phạm chiến tranh không?

Khánh An dịch

 

(VNTB) – Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với các cáo buộc và điều tra liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine.

 

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, chìm trong khói lửa. Ảnh: Los Angeles Times

Việc Nga xâm lược Ukraine đã dẫn đến hệ quả Tổng thống Vladimir Putin và quân đội Nga đối mặt với nhiều cáo buộc về tội ác chiến tranh, trong đó có cáo buộc từ phía Mỹ. Từ đó, dư luận thắc mắc liệu cuối cùng Putin hoặc các tướng lĩnh của ông ta có bị buộc tội hay không.

Đây là một vấn đề pháp lý phức tạp, một phần do Nga – giống như Mỹ và Trung Quốc – không tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi thường xét xử các vụ án tội phạm chiến tranh tại trụ sở chính ở Hà Lan.

Bốn ngày sau khi Nga khởi sự cuộc xâm lược, công tố viên ICC Karim Khan cho biết ông sẽ bắt đầu điều tra các vi phạm, dựa trên cơ sở Ukraine trước đó đã chấp nhận quyền tài phán của tòa án này. Ông Khan đã đến miền tây Ukraine và Ba Lan và trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky qua mạng internet. Ông cho biết ông cũng đang tìm cách gặp gỡ các quan chức Nga.

Ông Khan cho biết ông đang làm việc “để xác định sự thật và bảo đảm rằng các cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác quốc tế phải nhận lãnh trách nhiệm tại tòa án”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 16/3 tuyên bố rằng Putin là tội phạm chiến tranh. Một tuần sau, chính phủ Mỹ cáo buộc các lực lượng Nga ở Ukraine phạm tội ác chiến tranh, động thái chính thức nhằm lưu giữ thông tin và bằng chứng để xem xét trong tương lai.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trích dẫn các báo cáo về các cuộc tấn công vào các trung tâm dân sự bao gồm các tòa nhà chung cư, trường học, bệnh viện, phương tiện giao thông dân sự và nhiều cơ sở khác nữa, đồng thời cho biết thêm các địa điểm này được xác định rõ ràng là do thường dân sử dụng.

Nhưng xét xử các vị chỉ huy quân đội vì bị cáo buộc tội ác chiến tranh sẽ dễ dàng hơn so với lãnh đạo chính trị đã ra lệnh cho họ tiến vào thực địa. Nếu Putin bị buộc tội, trước tiên sẽ phải bị bắt tại một quốc gia chấp nhận quyền tài phán của tòa án – điều này có thể dễ dàng tránh được.

Moscow đã bác bỏ các cáo buộc tội ác chiến tranh, bao gồm cả cáo buộc Nga nhắm vào dân thường.

Điều gì cấu thành tội ác chiến tranh?

Tội phạm chiến tranh được định nghĩa rộng rãi và bao gồm hành vi cố ý giết người hoặc gây ra đau khổ, phá hủy trên diện rộng và chiếm đoạt tài sản, cố ý nhắm vào các nhóm dân thường, cùng với các hành vi vi phạm luật nghiêm trọng khác áp dụng trong xung đột vũ trang.

ICC cũng truy tố ba tội danh khác: tội ác chống lại loài người, tội diệt chủng và tội xâm lược. Công tố viên Khan cho biết đã có cơ sở hợp lý để tin rằng ở Ukraine đã diễn ra cả tội ác chiến tranh lẫn tội ác chống lại loài người.

Nga đã bị cáo buộc những tội gì?

Tổng thống Zelensky lâu nay vẫn tập trung vào chi tiết Nga quyết định nhắm vào dân thường sau khi các lực lượng Ukraine ngăn chặn được bước tiến công ban đầu của tiểu đoàn Nga vào thủ đô Kyiv. Zelensky gọi một cuộc tấn công vào Quảng trường Tự do ở thành phố Kharkiv là một tội ác chiến tranh và kêu gọi phương Tây giúp ngăn chặn “tội ác Nga đang gây ra” ở Ukraine.

Tàn bạo! Thế giới sẽ còn là kẻ đồng lõa phớt lờ hành động khủng bố trong bao lâu nữa?” Zelensky đã đăng lời cảm thán như vậy trên Twitter sau khi Nga tấn công một bệnh viện phụ sản ở Mariupol vào ngày 9/3.

Tôi nghĩ ông ta là tội phạm chiến tranh” – Tổng thống Biden nói về Putin tại Nhà Trắng ngày 16/3.

Biden đã “nói qua những gì ông thấy trên truyền hình, đó là hành động man rợ của một nhà độc tài tàn bạo khi xâm lược nước khác ” – Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Trong cáo buộc sau đó đối với quân Nga ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đặc biệt lưu ý đến các cuộc bắn phá của Nga vào một bệnh viện phụ sản và một nhà hát tại thành phố Mariupol ở miền duyên hải phía nam.

Ông Blinken nói: “Số lượng dân thường vô tội thương vong, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, sẽ tăng lên hằng ngày khi các lực lượng Nga tiếp tục các cuộc tấn công tàn bạo của họ. Dựa trên thông tin hiện có, chính phủ Mỹ đánh giá rằng các lực lượng Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine”.

Trong khi đó, các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh rằng cần phải chứng minh các lực lượng Nga đã lựa chọn các mục tiêu dân sự một cách có hệ thống.

Ai có thẩm quyền hành động?

Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague xét xử các vụ án tội phạm chiến tranh và các vấn đề liên quan như tội diệt chủng.

Ukraine không phải là thành viên của quy chế Rome 1998 thành lập tòa án, nhưng trước đây nước này đã chấp nhận thẩm quyền của tòa án này. Điều đó có nghĩa là mặc dù Ukraine không thể đưa ra tòa án bất kỳ tội danh nào bị cáo buộc, ICC có thể tự điều tra và buộc tội Putin hoặc các lãnh đạo Nga khác, mặc dù không thể xét xử vắng mặt họ.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cuộc điều tra của ICC, đồng thời lưu ý rằng Nga không tham gia tòa án này sau khi đã rút lui vào năm 2016.

Thực ra, ICC đã thực hiện một cuộc điều tra kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea. Công tố viên của tòa án vào năm 2018 cho biết ICC tìm thấy cơ sở hợp lý cho thấy rằng tội ác chiến tranh – như tra tấn, hãm hiếp và cố ý nhắm vào mục tiêu dân thường – đã xảy ra ở các khu vực phía đông Ukraine, nơi quân ly khai do Nga hậu thuẫn đang chống lại chính quyền trung ương.

Tuy nhiên, cuộc điều tra đã bị tạm dừng vì đại dịch Covid-19 và các trường hợp khác.

Các Công ước Geneva là gì?

Công ước Geneva ban đầu được thông qua vào năm 1864, và bốn hiệp ước bổ sung được đưa ra vào năm 1949 sau Thế chiến thứ II. Các nghị định thư khác đã được thông qua vào năm 1977 và 2005.

Các công ước quy định: bảo vệ người bệnh và bị thương cùng với nhân viên y tế và tôn giáo; chăm sóc người bị thương và bị đắm tàu trên biển; đối xử nhân đạo với tù nhân chiến tranh; và bảo vệ tất cả mọi thường dân.

Ngoài ra, hơn 100 quốc gia đã ký một hiệp ước quốc tế được gọi là Công ước về Bom chùm cấm sử dụng loại vũ khí này vốn có thể được rải ra trên một khu vực rộng lớn.

Ukraine đã cáo buộc Nga sử dụng bom chùm.

Putin sẽ bị truy tố về tội ác chiến tranh không?

Câu trả lời ngắn gọn: Không có khả năng, hoặc ít nhất là không khi Putin vẫn còn nắm quyền trong tay.

Các vụ án tại Tòa án Hình sự Quốc tế có xu hướng xoay quanh các hành động cá nhân của chỉ huy tại chiến trường, chứ không phải các nhà lãnh đạo chính trị của họ.

Ngoài ra, Putin chỉ bị xét xử khi bị bắt và giao nộp cho tòa án. Điều đó dường như không thể xảy ra khi ông ta đang “ngự” ở Điện Kremlin. Hơn nữa, Moscow chính thức rút lui vào năm 2016 sau khi ICC công bố một tài liệu mô tả việc sáp nhập Crimea như một hành vi chiếm đóng, mặc dù đây là một động thái chủ yếu mang tính làm màu: họ chưa bao giờ phê chuẩn tư cách thành viên ngay từ đầu.

Nga cũng có thể phủ quyết bất kỳ động thái nào của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm chuyển một vụ án tội phạm chiến tranh – cụ thể là tội xâm lược – lên ICC.

Động lực này có thể thay đổi hoàn toàn nếu Putin không còn nắm quyền và một ban lãnh đạo mới của Nga quyết định giao nộp ông ta.

Trong khi đó, một số tòa án quốc gia có thể chuyển sang truy tố Putin nếu họ có luật thẩm quyền chung. Nước Đức đã làm điều này hồi tháng 1 khi một tòa án nước này kết án tù một cựu sĩ quan tình báo người Syria liên quan đến tội ác chống lại loài người trong cuộc nội chiến ở Syria .

Một lần nữa, vấn đề là làm thế nào để bắt giữ và xét xử Putin.

Nguồn: WSJ – What Are War Crimes? What We Know as U.S. Accuses Russia


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Năm 2022 thế giới đang đi về đâu?

Do Van Tien

VNTB – Đồng rúp tăng giá sẽ ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam?

Phan Thanh Hung

VNTB – Động cơ đòi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển sâu trên Biển Đông

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo