Việt Nam Thời Báo

VNTB- Chốt thí Võ Kim Cự không cứu vãn được bộ mặt chính phủ

Phương Thảo

(VNTB) – Một con chốt thí Võ Kim Cự cũng không cứu vãn được bộ mặt của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng…



Những ngày tháng Tư này cách đây một năm, những con cá chết lần lượt trôi dạt vào bờ biển miền Trung. Sự việc 70 tấn cá chết trắng 200km bờ biển và làm tổn hại nặng nề đến cuộc sống của ngư dân đã làm dấy lên các cuộc biểu tình của mọi tầng lớp dân chúng trong cả nước. Tiếp theo đó là việc bắt giữ hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến hoặc bloggers lên tiếng bảo vệ môi trường và phản đối sự tồn tại của Formosa ở Việt nam. Một năm đã trôi qua, dân chúng các giáo xứ miền Trung vẫn tiếp tục bền bỉ biểu tình trong một cuộc chiến không cân sức với nhà cầm quyền Việt nam.

Formosa đã chấp nhận chịu bồi thường với giá rẻ mạt – 500 triệu đô la Mỹ và sau đó lại được hoàn 14.600 tỷ đồng tiền thuế tức còn nhiều hơn sô 500 triệu đô la mà họ chịu bỏ ra để bồi thường cho Hà nội sau khi các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp cả nước. Nhà cầm quyền Việt nam và chính quyền các tỉnh miền Trung ra sức tuyên truyền biển đã sạch, thuỷ hải sản đã an toàn nhưng thực tế lại trái ngược.


Thép chưa có …  mà đã thế đấy

Với 200 km bờ biển bị nhiễm phenol, xyanua không biết bao giờ biển mới có thể lại hồi sinh. 40 nghìn người trong ngành du lịch và đánh bắt cá đã bị thất nghiệp theo thống kê của Bộ Lao động và Xã hội, kèm theo đó là 3.000 thuyền đánh bắt cá đang nằm bất động. Hàng ngàn ngư dân bỏ xứ đi kiếm việc làm, các bãi biển vắng bóng du khách do ô nhiễm … Giáo dân quanh vùng vẫn kiên trì biểu tình đòi quyền lợi liên tục và chính quyền vẫn luôn kiên định trong chính sách đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình vì phản đối Formosa.

Các cuộc biểu tình giờ đây không còn chỉ để biểu lộ sự giận dữ với Formosa khi đã huỷ hoại môi trường, mà sự phẫn nộ đã chuyển về hướng chính quyền Hà nội đã chọn đứng về phía nhà đầu tư nước ngoài vốn từng ngạo mạn cho rằng Việt nam phải “chọn cá hay chọn thép, ” để giờ đây biển Việt nam đã gần như không còn cá, hoặc có cá nhưng không ăn được.

Reuters đã dẫn lời một ngư dân ở miền Trung cho hay thay vì mười con cá như trước đây, giờ họ chỉ bắt được một hai con hay “ đi bắt cá cả buổi không được đầy một xô”. Nhà cầm quyền Việt nam từ trung ương đến địa phương đã bất lực hoàn toàn trong việc giải quyết hậu quả ô nhiễm và có các phản ứng đi ngược lại lợi ích dân tộc.

Báo Quân đội Nhân dân cho biết “Các địa phương trong diện được đền bù đã thành lập ban quản lý, điều hành cấp phát cho bà con theo các nhóm đối tượng; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được phát huy; những nơi làm chưa đúng được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời. Đến nay, hầu hết những người bị thiệt hại đã được đền bù và đều hài lòng, phấn khởi trước sự quan tâm hỗ trợ thỏa đáng của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, tạo niềm tin vững chắc để họ tiếp tục yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản, cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.”

Trong thực tế, một người dân cho hay họ nhận được 17,4 triệu đồng tiền bồi thường. Với số tiền đó, liệu họ đủ sống trong bao lâu? Cứ cho là nửa năm đi! Vậy hết tiền rồi thì họ phải làm sao? Cá có đánh bắt được cũng không ai dám ăn, bán không ai mua, dân vẫn không có được thu nhập. Chính quyền các cấp sẽ làm gì khi chia hết só tiền 500 triệu đô la đó? Họ lấy đâu ra ngân sách để hỗ trợ người dân có được mức thu nhâp tối thiểu cho đến khi người dân có thể tự tạo ra thu nhập?


Vì 6% tăng trưởng GDP?

Formosa đã hứa đầu tư hệ thống làm nguội ít gây ô nhiễm hơn nhưng chỉ có thể sử dụng vào năm 2019. Formosa đang cố chạy để đưa nhà máy thép đi vào hoạt động cuối năm nay – trễ đi một năm so với dự kiến. Nếu như Formosa chính thức đi vào hoạt động, thì biển miền Trung lại oằn oại hứng chịu chất thải ít nhất trong vòng một năm trước khi hệ thống làm nguội “khô” được đưa vào hoạt động. 

Thế nhưng, Hà nội vẫn muốn Formosa đi vào vận hành với danh hiệu nhà máy thép lớn nhất Đông nam Á để “giữ” cho được mức tăng trưởng GDP 6% theo như kế hoạch. Điều nghịch lý là ngay tại Trung quốc, chính quyền đã cho cắt giảm lượng thép sản xuất hàng năm. Cụ thể là 45 triệu tấn thép trong năm 2016 và năm 2017 là 50 triệu tấn. 

Nếu Formosa chạy hết công suất trong giai đoạn hai sẽ sản xuất được 20 triệu tấn, chưa bằng một nửa số thép mà Trung quốc cắt giảm trong năm nay và Trung quốc đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng thép tiếp tục cho tới năm 2020. 

Lý do Trung quốc cắt giảm lượng thép cũng như đóng cửa các nhà máy nhiệt điện chạy than vì ô nhiễm môi trường trầm trọng và các nhà đầu tư rút ra khỏi Trung quốc cũng do môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Các nhà đầu tư cũng không chọn Việt nam mà quay sang các nước châu Á khác vì họ đã nhìn thấy viễn cảnh tương tự ở Việt nam một khi các nhà máy thép, nhà máy nhiệt điện … đã được lên kế hoạch xây dựng nằm ken nhau ở khắp bờ biển và trên các sông ngòi chính ở Việt nam. 

Việt nam giờ muốn tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài chỉ còn biết trông chờ vào Trung quốc vì các nhà đầu tư phương tây nếu có muốn đầu tư lại hay có các đòi hỏi về nhân quyền, tôn giáo và môi trường linh tinh đi kèm theo. 

Việt nam sẽ vẫn theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Mục tiêu 6% tăng trưởng của GDP của Hà nội được đánh đổi bằng việc hèn với giặc, ác với dân cho đến tận diệt nguồn sống cho thế hệ con cháu trong tương lai với “sự giúp đỡ tận tình” của người hàng xóm vốn đã và đang thấm nặng bài học tăng trưởng bất chấp tất cả. 


Vì Formosa?

Chính phủ Hoa kỳ đã lên tiếng chịu giúp đỡ điều tra ô nhiễm, chính khách Đài loan lên tiếng trực tiếp phản đối tập đoàn Formosa. Thế nhưng nhà cầm quyền Việt nam lại ra sức bảo vệ Formosa khi họ làm ra vẻ “ngây thơ” khi tin vào lời hứa Formosa sẽ không tái phạm và ông thủ tướng “kiến tạo” Nguyễn Xuân Phúc còn mạnh miệng tuyên bố “ nếu còn vi phạm sẽ cho đóng cửa Formosa” chỉ để tiếp tục duy trì hoạt động của Formosa tại miền Trung. 

Nhưng không như phong trào cây xanh ở Hà nội, khi chính quyền thành phố Hà nội đã phần nào lắng nghe ý kiến người dân và tìm cách thoả hiệp những yêu cầu chính đáng của người yêu cây xanh Hà Nội, nhà cầm quyền Việt nam lại có một cách hành xử hèn nhát bất thường với nhà đầu tư khi đụng chạm đến Formosa.

Họ đã không chùn tay đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà của giáo dân, ngăn chận giáo dân đi nộp đơn kiện bằng mọi biện pháp và buộc tội người dân lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và được các thế lực phản động bên ngoài tiếp tay của gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Người xuống tay ký cho Formosa đầu tư tại Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự mới đây đã bị cách chức nhằm an dân. Nhưng một con chốt thí Võ Kim Cự cũng không cứu vãn được bộ mặt của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và của người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng khi hết chủ nhật này đến chủ nhật khác giáo dân vẫn tiếp tục biểu tình phản đối Formosa, thỉnh nguyện thư yêu cầu xử lý Formosa cũng đã thu thập được non 100.000 chữ ký. 

Nếu chính quyền vẫn cứ cù nhầy không chịu giải quyết thoả đáng thì không biết lực lượng an ninh, cơ động và các dư luận viên còn phải đi đấu với dân ở trên mạng lẫn ngoài đời đến bao giờ vì người dân sẽ không chịu nhường bước chừng nào quyền lợi của họ chưa được đáp ứng theo như lời cha Nam đã trả lời hãng Reuters.

Tin bài liên quan:

Lá thư Cuba: Cấm vận hay không? (Phần 1)

Phan Thanh Hung

VNTB- Những lãnh đạo tuyên thệ có giữ được sống lưng thẳng hay không?

Phan Thanh Hung

Vì sao Đức Giáo Hoàng hướng về phía Châu Á?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo