Mai Lan
(VNTB) – Từ đề xuất của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, ngày 3-4-2021, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo đó, từ ngày 25-5-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam độc quyền sản xuất vàng miếng, nhưng thuê SJC gia công, và vàng cũng đóng luôn thương hiệu SJC.
Độc quyền nhập khẩu
Ngoài ra việc thanh toán bằng vàng là 1 trong 7 hành vi vi phạm pháp luật được Chính phủ quy định tại điều 19 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP. Theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng. Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện không cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Mặt khác, hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Nghị định này cũng quy định, người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế được mang theo vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp thì cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Đến lúc “hoàn thành sứ mệnh” của một nghị định từ chục năm trước?
Ngần ấy thời gian đến nay đã cho thấy giải pháp tình thế về thị trường vàng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP bộc lộ nhiều nghi vấn về lợi ích nhóm quyền lực. Một lưu ý khác, ông Nguyễn Văn Bình về sau này đã bị “hồi tố” kỷ luật về nhiều sai phạm trong chuyện đưa ra các quyết sách điều hành trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tháng 8 năm 2012, ông Nguyễn Văn Bình bị tạp chí Global Finance liệt vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất trên thế giới (https://www.gfmag.com/awards-rankings/best-banks-and-financial-rankings/worlds-top-central-bankers2012). Cũng trong tháng 8 năm 2012, tạp chí Global Finance đánh giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nằm trong 10 Ngân hàng trung ương kém nhất trên thế giới (https://www.businessinsider.com/the-10-worst-central-bankers-in-the-world-2012-8).
Tuy nhiên vào đầu năm 2016, Reuters đã đánh giá cao ông Nguyễn Văn Bình. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của ông, đã giúp ngành ngân hàng Việt Nam tránh được cảnh sụp đổ sau khi 20 tỷ USD nợ xấu ảnh hưởng toàn hệ thống, khiến thị trường bất động sản chao đảo và khiến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản. Reuters cho rằng Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã góp phần giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2015, đồng thời những biện pháp can thiệp vào tỷ giá giúp bảo vệ nền kinh tế (vốn hướng về xuất khẩu) trước các cú sốc từ bên ngoài. (https://www.reuters.com/article/us-vietnam-congress-economy/top-technocrat-seen-as-safe-hands-in-vietnams-new-leadership-idUSKCN0V617M).
Thực tế sau đó cho thấy mọi chuyện không như đánh giá của Reuters.
Những chính sách của “bàn tay nhúng chàm”?
Ngày 8-11-2020, thông cáo của Văn phòng Trung ương Đảng cho biết, hai hôm trước, cuộc họp Bộ Chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, thì ông Nguyễn Văn Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm sau: Chịu trách nhiệm người đứng đầu về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản quy định có nội dung không đầy đủ, không đúng nguyên tắc theo quy định của Chính phủ, dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong xử lý nợ xấu, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Vi phạm trong việc ký ban hành nghị quyết đồng ý cho Ngân hàng Xây dựng vay đặc biệt với lãi suất 0% và không có tài sản bảo đảm.
Chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chấp thuận cho nhóm Thiên Thanh được mua lại cổ phần của Ngân hàng Đại Tín; chấp thuận cho Phạm Công Danh là nhân sự dự kiến thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; không kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng Xây dựng.
Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc khi không báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương đối với những vấn đề lớn, hệ trọng. Không báo cáo đầy đủ và thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc mua bắt buộc 3 ngân hàng với giá không đồng là vi phạm nguyên tắc thẩm quyền. Để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Như vậy, trong thời gian giữ cương vị ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Ban cán sự đảng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trách nhiệm cá nhân của ông trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục; nhiều cán bộ, đảng viên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo chủ chốt một số tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự.
Xét bối cảnh tình hình, nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm và quá trình công tác, đóng góp của ông Nguyễn Văn Bình đối với Đảng, Nhà nước; căn cứ quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Bình bằng hình thức cảnh cáo.