Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Tôi có biết gì đâu”

Mẫn Nhi (VNTB) Tôi đồng tình với quan điểm của nhà văn Phạm Thị Hoài, “tôi có biết gì đâu” là câu cửa miệng, và là câu thần chú mở cửa “một tài nguyên mênh mông cho sự vô lương khai thác”.

Trong cuộc sống thường nhật của giới hoạt động, tôi gặp rất nhiều người, ở mọi tầng lớp, với nhiều vị trí trong các nhóm hội đoàn dân sự. Hầu như họ đều “biết” những gì đã và đang diễn ra tại Việt Nam, và họ tìm kiếm các giải pháp để nhóm lại với nhau và khắc phục những gì mà họ cho là “bất công, không bình đẳng”.

Phong trào “Tôi muốn biết” diễn ra tại Việt Nam, phá bỏ “tôi có biết gì đâu”
Có nhà thơ Bùi Minh Quốc, người từng phục vụ trong lòng chế độ như một người lính, nhà thơ, nay tuổi cao, lại đứng vào hàng ngũ những người đấu tranh cho dân quyền. Có một chị nhà báo trẻ, tên Đoan Trang – với dáng đi hơi khập khiễng vì những đòn trả thù của chính quyền nhắm vào chị, cũng đang ngày đêm tìm mọi cách để đấu tranh chống lại bè lũ vô nhân, bạo tàn. Tôi cũng biết cả anh họa sĩ, người đã ở gần ngưỡng 50 vẫn trong tinh thần lạc quan, anh tất bật với những dự án tác động xã hội của mình, và ở khía cạnh nào đó, anh truyền cảm hứng “muốn biết” cho vô số người về thực trạng chính trị – xã hội Việt Nam…

Những nhà đấu tranh, dù ở tự do báo chí, phong trào dân oan hay đơn thuần là tìm kiếm sự minh bạch ở đại sứ quán đều là những người đã thức tỉnh. Nhưng trước khi họ “thức tỉnh”, họ đều là những người “có biết gì đâu”. Bạo lực và sự nghênh ngang của chế độ đã từng bước rèn luyện họ, cho họ kiến thức, nhãn quan chính trị – xã hội sinh động hơn. Họ thức tỉnh ngay trong lòng một chế độ tìm cách ru ngủ bằng quyền lực và sự mị dân. Họ “biết”, và họ làm phá sản “tài nguyên mênh mông cho sự vô lương khai thác”. Vậy là, từ những cá nhân xuống­­­ đường, thành những nhóm nhỏ xuống đường, rồi hàng ngàn người xuống đường đòi lại cái “quyền” mà họ đã biết. Tất nhiên, không ít người dè bỉu và mạt sát họ với những ngôn từ thô thiển nhất từ trong khẩu miệng cho đến hệ thống báo chí, thậm chí còn sử dụng cả bạo lực nhằm dập tắt điều mà họ đã biết.

Ấy thế mà mọi thứ đã trở nên khó kiểm soát hơn. Dường như càng cố công dập tắt, thì xu hướng “tôi muốn biết”, “tôi đòi quyền” trong giới dân Việt Nam càng cao. Họ hiểu ra rằng, nếu họ cứ mãi “tôi không biết”, rồi sẽ đến một ngày, họ bị chính sự tự nhốt mình trong khuôn khổ đó tước đoạt quyền lợi của mình. Từ xuống đường chống Trung Quốc năm 2007 đến phong trào cây xanh HaNoi 2015, rồi Formosa 2017 chính là điển hình cho sự “diễn biến” trong dân ấy.

Xưa có mấy ai biết 1979, 1988, Hội nghị Thành Đô là gì đâu? Ai biết Gạc Ma là gì? Ai biết được thể chế chính trị Việt Nam vận hành ra sao? Quốc Hội và Đảng vai trò như thế nào? Vậy mà nay, sự hiểu biết đối với các sự kiện, nhân vật trong lịch sử – chính trị Việt Nam càng nhiều. Người dân bàn tán, liên kết mối quan tâm thời sự để tìm ra cốt lõi của vấn đề. Một hiện tượng mà họ từng một thời bị cướp giật bởi “báo Nhân Dân”, “Đài truyền hình Việt Nam”, “Đài phát thanh Việt Nam”, và “Đảng”.

Đi tù vì điều 258, 79, 88 ngày xưa là kinh khủng, nay trở thành điều bình thường. Xưa là điều khiến “gia đình ô nhục”, nay trở thành biểu tượng cho sự “thức tỉnh” lương tri trong xã hội. Và cũng vì lý do đó, mà ngày nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng ra tù, bà đã cười, con người sống hơn nửa đời người đó đã khẳng định đầy tự hào rằng: Tôi tốt nghiệp loại ưu trường đào tạo những người đấu tranh!”.

Hộ khẩu cùng với công an dày đặc, kiểm soát tới tận cơ sở, cứ tưởng như rằng, sẽ là một tấm chắn thép cho sự suy đồi quyền lực khai thác triệt để dân đen mãi mãi. Nhưng internet xuất hiện, tạo điều kiện cho sự mở rộng hiểu biết người dân, và chính từ đây, “hiểu biết” đã khiến cho tiếng nói trong dân cất cánh, sự “trói buộc” trở thành “ràng buộc”, sự “ràng buộc” trở thành “tự cởi trói” trong ý thức.

Tôi đồng tình với quan điểm của nhà văn Phạm Thị Hoài, “tôi có biết gì đâu” là câu cửa miệng, và là câu thần chú mở cửa “một tài nguyên mênh mông cho sự vô lương khai thác”. Do đó, ý thức “tôi muốn biết, tôi cần biết” càng nhiều, thì nó càng gây áp lực mạnh cho hệ thống chính trị, buộc nó phải công khai dần những sự thật, hoặc sử dụng quyền lực để phục vụ cho sự thật, buộc phải trả lại quyền “giám sát” nhà nước cho dân.
Quyền con người, quyền dân, từ đó trở thành một điểm nối để cải thiện sự sống, sinh tồn lẫn phát triển của quốc gia Việt Nam. Từ đó, “Tôi có biết gì đâu” trở nên hiếm hoi dần…

Tin bài liên quan:

VNTB- Chính quyền Quảng Bình tiền hậu bất nhất trong dự án Sơn-Đoong

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhân ngày 4/7: nghĩ về một trang báo quốc dân

Phan Thanh Hung

VNTB – “Anh Ba sàm”

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo