Tử Long
(VNTB) – Đối tượng phục vụ chủ yếu của cửa hàng tiện lợi là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m
“Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m”.
Hai cửa hàng tiện lợi không được phép nằm đối diện nhau?
“Điều 5. Tiêu chí cửa hàng tiện lợi
1. Có vị trí đặt tại khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người.
2. Diện tích kinh doanh: Từ 30 m2 đến dưới 200 m2 .
3. Hàng hoá chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh; số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng;
4. Chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân;
5. Thời gian kinh doanh: có thể hoạt động tối đa 24 tiếng/ngày;
6. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500m;
7. Chủ yếu hoạt động theo chuỗi, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán” – trích dự thảo lần 2, Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, Bộ Công thương.
Vụ Thị trường trong nước là cơ quan soạn thảo toàn bộ nội dung thông tư kể trên.
“Tiêu chí này nhằm thể hiện tính tiện lợi về khoảng cách cho người mua hàng, và là cơ sở để các địa phương tham khảo trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại”, Vụ Thị trường trong nước, giải thích.
Ngoài ra, các tiêu chí về cửa hàng tiện lợi hay trung tâm outlet được ban soạn thảo đưa ra trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm, tài liệu của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. “Tất nhiên, có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương giải thích.
Các chủ doanh nghiệp phản ứng gì?
Trong góp ý gửi Bộ Công Thương ngày 13/7, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị cơ quan này bỏ các đề xuất không khả thi, thiếu minh bạch và dễ gây hiểu lầm, như cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách trong bán kính 500m.
Ngoài ra, VCCI cũng đề nghị bỏ một số quy định bất hợp lý khác tại dự thảo thông tư, mà theo họ là sẽ can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng chi phí không cần thiết. Chẳng hạn, dự thảo yêu cầu tất cả siêu thị, siêu thị mini, trung tâm thương mại, cửa hàng outlet, trung tâm outlet phải có nơi trông xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng. Điều này sẽ làm tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và giảm sự linh hoạt của các mô hình kinh doanh.
Hoặc như dự thảo yêu cầu siêu thị hạng I và II phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; trung tâm thương mại phải có khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, cho thuê văn phòng, khu vực dành cho hoạt động tài chính, ngân hàng.
VCCI cho rằng các quy định này cũng can thiệp quá mức vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bố trí không gian kinh doanh phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng và khả năng cung cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tự điều chỉnh theo diễn biến của thị trường mà không cần Nhà nước can thiệp.
Cạnh đó, VCCI cũng đánh giá dự thảo đưa ra nhiều quy định thiếu tính minh bạch. Các quy định này có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Điều này gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước diễn giải tuỳ tiện để xử phạt hoặc đe doạ xử phạt doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh chi phí không chính thức.
“Thượng đế” nói gì?
Góc độ người tiêu dùng, tiếp theo đây là một số ghi nhận:
“Đã là cửa hàng tiện lợi, thì ai thấy tiện lợi thì ghé mua. Tự nhiên ra cái đề xuất hết sức bất tiện. Theo đề xuất, vậy khách du lịch đến cửa hàng thì khỏi bán à? Đề xuất này để làm gì?”;
“500m là để quy hoạch xây dựng các cửa hàng tiện lợi. Ông Bộ Công thương nghĩ có nhân viên bán hàng nào biết được hết những người trong 500m không?”;
“Quy hoạch để làm gì? Hai cửa hàng tiện lợi không được mở cạnh nhau à? Cửa hàng tiện lợi xây dựng san sát cạnh nhau để cạnh tranh cũng được, nếu chủ đầu tư muốn thế. Ngoài chợ bán cá 1 dãy, thịt 1 dãy, rau 1 dãy san sát nhau thì sao? Đã ban hành luật thì phải rõ ràng, không được gây hiểu nhầm!”;
“Vấn đề các cửa hàng cùng thương hiệu mở gần hay xa nhau là việc riêng của họ, lời ăn lỗ chịu, can thiệp làm gì vậy? Luật là phải rõ ràng, đừng có chung chung theo kiểu hiểu sao cũng được. Làm ăn kinh doanh sợ cái ranh giới mong manh đó lắm”;
“Họ kinh doanh, mở gần hay xa là việc của họ, lỗ họ chịu chứ sao phải ra như vậy? Tôi ở Nhật đây, 3 – 4 cái cửa hàng tiện lợi chung 1 khu cách nhau vài bước chân thôi, ai thích bên nào mua bên đấy. Còn nếu đã đề xuất tiêu chí 500m như Bộ Công thương thì phải nói rõ ràng, vì không rõ ràng mạch lạc nên gây hiểu lầm như khuyến cáo của VCCI là đúng”;
“Mở cửa hàng tiện lợi là hình thức kinh doanh nhượng quyền, lời ăn lỗ chịu và ăn nhau ở cái vị trí thuê mặt bằng của người ta. Nó cũng giống như bạn mở quán cafe, nhà hàng nhượng quyền thôi. Cửa hàng tiện lợi lợi là cách nói sang hơn của cửa hàng tạp hóa, khác cái là hộ kinh doanh.
Ở Nhật, chuyện 2 cửa hàng đặt đối diện nhau là chuyện rất bình thường. Ở khu sầm uất cách nhau mấy bước chân là có 1 cái nhiều lúc còn phải mất mấy giây phân vân nên vào chỗ nào nữa…”.