Việt Nam Thời Báo

VNTB – Luận Về Khoa Bảng

Trần Xuân Thời

 

(VNTB) – “Đại học chi đạo, tại minh minh đức”

 

“Sơn hạ hồng trần Nam Thoán lộ Bất tri quan đái kỷ nhân hồi” *** Dưới núi, bụi hồng, đường Nam Thoán Không biết có bao nhiêu người lãnh áo mão cân đai trở về.

Hai câu thơ này thể hiện sự cam go của sĩ tử phải phấn đấu, thi thố tài năng qua trường thi trận bút hầu mong đỗ đạt để được tiến cử ra làm quan từ thời nhà Hán, cách đây hơn hai ngàn năm về trước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời đại nào vẫn có vấn đề “Học tài thi phận”. Thế nên, mặc dầu vào thời nhà Hán một số người Việt khoa bảng như (*) Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng đã đỗ đạt, vinh quy bái tổ và được Hán triều bổ nhiệm ra làm quan, mãi đến đầu thế kỷ thứ 20, Tú Xương than thở vì thi mãi vẫn chưa hết phạm trường quy, hoặc dù có khoa bảng nhưng không được đãi ngộ tương xứng.

“Đau quá đòn hằn Rát hơn lửa bỏng Hổ bút hổ nghiên Hổ lều hổ chõng” Thi hỏng liên tiếp, Tú Xương đã thất vọng. “Phen này tớ hỏng tớ đi ngay

Cúng giỗ từ đây nhớ tới ngày Học đã sôi cơm nhưng chửa chín Thi không ăn ớt thế mà cay!” Cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã trải qua những âu lo khắc khoải của cuộc đời khoa hoạn, mãi đến tứ tuần mới đỗ Cử Nhân và được đề cử ra làm quan. Đối với Nguyễn Tiên sinh đỗ đạt ví như: “Bẻ cành đơn quế cho rồi liền tay” chẳng những để khỏi: “Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ. Nay thét mai gầm rát cổ cha” mà còn đạt đến ước nguyện (self- actualization) của cuộc đời. Đắc chí, hay đạt được lý tưởng vì được liệt vào hàng “Kẻ sĩ”. Theo triết gia Maslow, nhân thế có 5 nhu cầu chính yếu: 1) Nhu cầu về sinh vật lý (physiological needs) như đói ăn, khát uống… 2) Nhu cầu được sống an toàn (security needs) không bị đe doạ, áp bức, kỳ thị; 3) Nhu cầu hội nhập (belonging needs), nhu cầu kết hợp, nhóm họp, thân hữu; 4) Nhu cầu được tôn trọng (respect needs) và 5) Nhu cầu thực hiện được lý tưởng của mình (self-actualization needs).

“Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt Dân hữu tứ sĩ vi chỉ tiên Có giang sơn thì sĩ đã có tên Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý”. Với danh tước Nho sĩ, thì tiến vi quan thối vi sư. Trước hết, phải tích cực tiến theo tấc bóng của mặt trời. “Nhật tân chi vị thịnh đức” mỗi ngày một mới và mỗi ngày một thêm mới mới là đức thịnh. Đem lời hay ý đẹp phụng sự xã hội lúc chưa gặp thời:

“Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn Xe bồ luân dầu chứa gặp Thang, Văn

Phù thế giáo một vài câu thanh nghị”. Và khi gặp thời thì: “Rồng mây khi gặp hội ưa duyên Đem tất cả sở tồn làm sở dụng

Trong lăng miếu ra tài lương đống Ngoài biên thùy rạch mũi Can tương Làm cho bách thế lưu phương Trước là Sĩ sau là Khanh, Tướng” Sau khi đem tài kinh bang tế thế để giúp nước trị dân, kẻ sĩ mới được thung dung thụ hưởng cảnh an nhàn.

“Nhà nước yên sĩ mới được thung dung Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn

Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn Đồ thích chí chất đầy một túi Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi đến Ngẫm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh Này này sĩ mới hoàn danh”.

Tuy vậy, cũng có nhiều vị khoa bảng thối vi sư, chuyên nghề dạy học và không màng danh lợi như cụ Chu Văn An, có thể vì:

“Gót danh lợi bùn pha sắc xám Mặt phong trần nắng rám mùi dâu. Nghĩ thân phù thế mà đau Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê”! Cũng có thể vì không muốn dấn thân vào vòng tục lụy xích xiềng để rồi phải ân hận:

“Về đi sao chẳng về đi, Ruộng hoang vườn rộng còn chi không về Đem thân để hình bia sai khiến, Còn ngậm ngùi than vãn với ai”.

Vấn đề thi thố tài năng qua trường thi trận bút đã bắt đầu từ thế kỷ thứ 11, đời nhà Lý. Vua Lý Nhân Tôn đã mở khoa thi đầu tiên vào năm 1075 để chọn Minh Tinh Bác Học, ra giúp nước trị dân. Năm 1195 lại mở khoa thi Tam Giáo, khảo sát kiến thức về triết học Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo. Qua đời nhà Trần, chế độ thi cử được cải tiến quy cũ hơn. Vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái Học Sinh năm 1232. Năm 1247, nhà Trần đặt ra Tam Khôi: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.

Các khoa thi, cứ 7 năm thi một kỳ. Đến đời nhà Hồ đổi thành 3 năm, nhưng mãi đến đời vua Lê Thánh Tôn (1463) lệ thi 3 năm một lần mới được thông dụng. Các kỳ thi để tuyển dụng nhân tài được tổ chức cho đến thời mạt diệp nhà Nguyễn với kỳ thi Hương cuối cùng năm Mậu Ngọ 1918.

Về nội dung các khoa thi, tuy có gia giảm tùy thời đại, nhưng đại để các khoa thi chia thành 4 phần chính: – Trường Nhất: Thi Kinh – Nghĩa: Luận về ý nghĩa của kinh truyện, còn gọi là tinh nghĩa, hiểu rõ ý nghĩa của triết lý thánh hiền. – Trường Nhì: Thi thơ, phú theo quy luật và đề tài do ban giám khảo định. – Trường Ba: Thi Chiếu, Chế, Biểu: Soạn thảo các loại công văn dùng trong triều đình. Chiếu là lệnh của Vua, như sắc lệnh của Quốc trưởng. Chế là lệnh thưởng, phạt cho quân thần và Biểu là sớ dâng lên nhà Vua để tán tụng hoặc xin thỉnh nguyện, một hình thức kiến nghị. – Trường Tư: Thi Văn sách: Thi Văn sách nhằm trắc nghiệm óc suy luận và kiến thức về một đề án. Đã gọi là học tài thi phận, sĩ tử, ngoài việc thuộc làu kinh sử, còn phải có biệt tài suy luận, văn hay và chữ thật đẹp mới có nhiều hy vọng trúng tuyển. Nếu không có biệt tài, thì dù có thi cả chục lần, cũng chưa chắc đạt được bảng vàng, bia đá. Cụ Nguyễn Khuyến đã đỗ đầu 3 kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình được lừng danh là Tam Nguyên Yên Đỗ, thật là một nhân tài. Đọc lại một số bài Kinh Nghĩa, Thơ, Phú, Văn sách còn truyền lại với cách hành văn và ý nghĩa thật khúc chiết, mới thấy dù là từ chương trích cú, chế độ thi cử thật là khó khăn, đúng là: “Thi không ăn ớt thế mà cay”. Tú Xương đã thể hiện được tâm trạng của người thi hỏng:

“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông Nó đỗ khoa này có sướng không? Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng”.

Định chế giáo dục Về định chế giáo dục, Việt Nam đã thành lập Đại Học từ thế kỷ thứ 11. Văn Miếu đã được lập từ năm 1070 để thờ Khổng Tử và làm cơ sở diễn giảng triết lý thánh hiền. Vua Lý Nhân Tông lập Quốc Tử Giám năm 1076. Vào đời nhà Trần, Quốc Học Viện được thành lập để diễn giảng Tứ Thư và Ngũ Kinh. Các định chế giáo dục này, tồn tại cho đến thế kỷ thứ 20. Ngày nay trong thành nội Huế, Quốc Tử Giám vẫn là nơi trang nghiêm biểu tượng cho nền quốc học. Đến năm 1917, các định chế mới về giáo dục do Dụ Cải cách Học chánh năm 1908 và năm 1917 ra đời thay đổi cả phần danh xưng lẫn nội dung các môn học. Kỳ thi Mậu Ngọ năm 1918 là kỳ thi cuối cùng của chế độ thi cử theo Hán học.

Viện Đại Học Đông Dương được thiết lập năm 1906 tại Hà Nội. Sau đó vì sinh viên bãi khóa nên bị đóng cửa đến năm 1917 mới được mở lại và đổi danh thành Đại học Hà Nội. Viện Đại học Hà Nội có chi nhánh tại Sài Gòn. Năm 1955 được đổi thành Viện Đại học Quốc gia Việt Nam và đến năm 1957 đổi thành Viện Đại học Sài Gòn.

Ngoài các đại học chuyên khoa về các ngành nhân văn và khoa học, chính quyền còn lập thêm trường chuyên nghiệp về ngành quản trị công quyền như trường Hậu Bổ lập năm 1903 tại Hà nội và tại Huế năm 1911. Đến năm 1912, trường Hậu Bổ được đổi thành Trường Sĩ Hoạn (École des Mandarins) và đến năm 1917 được đổi thành Trường Pháp Chính (École de Droit et d’Administration) hay Trường Luật và Hành chính (School of Law and Administration) để đào tạo các viên chức cai trị cho chính quyền trung ương và địa phương, các cấp Tri Huyện, Tri Phủ, Tổng Đốc, Thượng Thư… cho Triều Đình Huế. Hậu thân của trường uyên bác là Học viện Quốc gia Hành chánh được tái lập năm 1952 và sau đó được sự bảo trợ của Đại học Michigan State University của Hoa Kỳ với chương trình huấn luyện về quản trị tân tiến cho đến 1975.

Một số đại học công khác cũng được thành lập vào thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa như Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, Đại học Cần Thơ (1966), Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (1974) và các Đại học Cộng đồng (Community Colleges) như Đại học Tiền Giang – Mỹ Tho (1971), Đại học Duyên Hải-Nha Trang (1974), Đại học Đà Nẵng (1974).

Các đại học tư được thành lập như Đại học Đà Lạt (1957), Đại học Vạn Hạnh (1964), Đại học Phương Nam (1967), Đại học An Giang (1970) Đại học Cao Đài-Tây Ninh (1972), Đại học Regina Pacis (1973).

Vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20, một số cơ sở giáo dục cấp trung học được thành lập. Tại Sài Gòn, như trường Taberd lập năm 1890, trường Gia Long năm 1915, trường Petrus Ký năm 1928. Tại Huế, trường Quốc học năm 1896, trường Pellerin năm 1904, Đồng Khánh năm 1917. Tại Hà Nội, Trường Puginier năm 1897 và Trường Bảo Hộ năm 1908. Sau 1945, trường Bảo Hộ được đổi thành Trường Chu Văn An (Trường Bưởi). Trường Đồng Khánh Hà Nội mở năm 1917, sau đổi thành Trường Trưng Vương… là những trường trung học nổi tiếng trong thời Pháp thuộc và Đệ nhất, Đệ nhị Công hòa sau trước năm 1975.

Việt Nam đã chú trọng đến nền giáo dục quốc gia từ năm 1070 là một đặc nét của nền văn minh Việt Nam. Từ ngàn xưa, ý nghĩa danh từ đại học dành cho sinh đồ được minh định trong sách Đại học, một trong 9 cuốn sách giáo khoa của nền cổ học Trung Hoa, gồm Tứ Thư (Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử) và Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu) hợp lại thành chín bộ sách giáo khoa của Nho học làm nền tảng cho nền giáo dục Việt Nam gần một ngàn năm lịch sử qua các triều đại cho đến khoa thi Hương cuối cùng năm Mậu Ngọ 1918.

Triết lý giáo dục Nho học chú trọng đến luân thường đạo lý, biến hóa tùy thời, thực tiễn từ cách vật trí tri, thành ý, chánh tâm đến tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… Giáo dục ngành đại học cốt để: 1) Làm sáng cái đức tính của mình; “Đại học chi đạo, tại minh minh đức.

2) Để thân dân, cải tiến dân sinh, giúp dân bỏ cái xấu, theo cái tốt “tại thân dân và 3) An trụ ở nơi chí thiện, “tại chỉ ư chí thiện”.

“Ba cương lĩnh này được cụ thể hóa bằng sách lược đào luyện qua tám phương cách để giúp con người trở thành đại trượng phu, mẫu người quân tử theo quan niệm của Nho học:

1) Cách vật: tiếp cận và tìm hiểu sự vật; 2) Trí tri: đạt sự hiểu biết thấu đáo; 3) Thành ý: làm cho ý của mình được thành thực; 4) Chánh tâm: làm cho tâm được trung chính; 5) Tu thân: tu sửa chính mình; 6) Tề gia: xếp đặt mọi sự cho gia đạo hài hoà; 7) Trị quốc: khiến cho nước được an trị; 8) Bình Thiên hạ: khiến cho thiên hạ được thái bình.

(Còn tiếp)


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Luận Về Khoa Bảng ( phần 2)

Trương Thế Tử

VNTB – “Lương Tâm Chính Trị của người Công Giáo” (Kỳ 1)

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Học bạ, coi vậy mà không phải vậy

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo