Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ý kiến: Cần chích ngừa bằng vắc-xin thích hợp

Cát Tường

 

(VNTB) – BA.5 có khả năng kháng vắc-xin ngừa Covid-19 gấp 4 lần biến thể khác.

 

Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch Covid-19 trỗi dậy ở một số nước châu Âu. Nghiên cứu khẳng định biến thể này có khả năng kháng lại các loại vắc-xin RNA bao gồm cả vắc-xin của Pfizer và Moderna.

Siêu lây nhiễm nhưng không chết chóc?

Theo Trung tâm y tế Mayo Clinic của Mỹ, BA.5 là biến thể siêu lây nhiễm, đang làm gia tăng số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị và cần chăm sóc đặc biệt. Báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cũng cho thấy, trong tuần kết thúc ngày 9-7, BA.5 chiếm 65% số ca mắc mới tại nước này.

Nếu tin tức nêu trên là đúng thì rất cần điều chỉnh  văn bản số 4114 ngày 2-7 mà Văn phòng Chính phủ phát hành về việc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo văn bản này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, hoàn thành theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ.

Trước đó, tại họp báo ngày 30-6, bà Lê Thiện Quỳnh Như – phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM – cho hay biến chủng BA.5 là biến chủng mới của Omicron, có khả năng lây nhiễm đột phá dù đã tiêm 2 mũi vắc-xin. Do đó, có nguy cơ bùng phát dịch trở lại khi tình trạng miễn dịch không được thường xuyên củng cố bằng cách tiêm nhắc lại vắc-xin định kỳ mỗi 6 tháng.

Số liệu phân tích từ khoa y tế công cộng, Trưởng đại học Y Dược TP.HCM cho biết ở Việt Nam, chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron mang “đặc sản” của Omicron là lây lan nhanh, tuy nhiên số nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với nhóm nhiễm biến chủng Delta.

Né vắc-xin, nhưng vẫn nên chích nhắc lại?

“Cũng tương tự như các biến chủng phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vắc-xin một phần. Nhưng vắc-xin vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với BA.5. Vì vậy người dân cần đi tiêm chủng khi có chỉ định tiêm chủng. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 tức mũi nhắc lại lần 2 khi đã qua 4 tháng kể từ lúc tiêm mũi 3” – phó giáo sư Đỗ Văn Dũng, trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM, tham vấn.

Băn khoăn đặt ra là một khi vắc-xin phòng Covid hiện tại có khả năng phòng dịch kém hơn 4 lần khi so biến chủng Delta với biến chủng phụ Omicron hiện tại, thì việc tiêm ngừa liệu có ích lợi thật sự, hay chỉ là một thứ giả dược?

Vấn đề khác, cụ thể như ở TP.HCM có tỷ lệ chích ngừa phòng Covid gần như tỷ lệ 100% “đủ mũi”, và tỷ lệ mắc mới Covid giảm rất mạnh, thương vong đã lui về 0 từ hai tháng nay, vậy có thể coi đã có miễn dịch cộng đồng?

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) định nghĩa miễn dịch cộng đồng (tên tiếng Anh là Community immunity) là tình trạng trong đó có một tỷ lệ nhất định người dân có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng và/ hoặc đã mắc bệnh này trước đó) nhằm phòng tránh các bệnh lây từ người sang người.

Hiểu nôm na càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm vắc-xin thì càng ít người dễ nhiễm bệnh. Ngay cả những đối tượng không hoặc chưa được tiêm phòng như trẻ sơ sinh và những người mắc bệnh mãn tính cũng sẽ được bảo vệ do các bệnh này có khả năng lây lan trong cộng đồng.

Ở đây, miễn dịch tế bào tuy chậm hơn nên có hiệu quả kém hơn trong phòng ngừa nhiễm Covid-19 có triệu chứng so với hiệu quả của kháng thể. Thế nhưng miễn dịch tế bào lại có đặc tính là vẫn có hiệu quả với biến chủng mới, do khả năng tế bào có thể tự thay đổi một chút ít để thích ứng với biến chủng mới, hiệu quả ngày càng tăng lên sau khi bị nhiễm/tiêm vắc-xin, vì tế bào có khả năng sinh sản.

Cái băn khoăn là tình trạng pháp lý của vắc-xin

Có ý kiến là kháng thể sản sinh từ các loại vắc-xin hoặc từ lần nhiễm bệnh trước đó sẽ giảm dần. Dù vắc-xin có khả năng mạnh mẽ trong ngăn ngừa ca bệnh nặng và tử vong, nhưng khi kháng thể suy yếu, cơ thể vẫn có thể nhiễm bệnh, ngay cả với những người đã được tiêm mũi tăng cường.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng trên thế giới đang chênh lệch lớn. Ở các quốc gia thu nhập thấp, đến nay mới chỉ có gần 5% dân số được tiêm chủng, còn các nước giàu có vẫn đang phải chật vật khi người dân ngần ngại tiêm vắc-xin vì các loại vắc-xin này vẫn trong tình trạng gọi là “sử dụng khẩn cấp”. Hơn nữa, ở một số khu vực, trẻ em vẫn chưa đủ điều kiện tiêm chủng.

Khi virus có cơ hội lây lan, nó sẽ tiếp tục đột biến và hình thành các biến thể mới. Những đột biến này – chẳng hạn như Omicron – có thể lẩn tránh miễn dịch tốt hơn.

“Đề kháng cộng đồng”, tức là lây nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng mọi người đã có đủ khả năng bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 và các đợt bùng dịch trong tương lai không còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Nhiều nhà khoa học tin rằng Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành bệnh đặc hữu, giống như bệnh cúm và gây ra các đợt bùng phát theo mùa nhưng không phải là những đợt bùng phát lớn.

Và nếu như các vắc-xin phòng Covid ở hiện tại vẫn trong tình trạng pháp lý là “sử dụng trong trường hợp khẩn cấp”, nó rất cần củng cố thêm về các kết luận y khoa để người dân yên tâm hơn trong việc chích nhắc lại, hay tiêm ngừa theo định kỳ nào đó mà tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.


Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam sẽ lại đi xin viện trợ vắc-xin phòng biến chủng mới của Covid?

Trương Thế Tử

VNTB – Chống Covid-19: thận trọng như Sài Gòn, quyết liệt như Đà Nẵng

Phan Thanh Hung

VNTB – Sài Gòn tiếp tục ‘phong thành’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo