Huỳnh Lê Nhật Tấn
Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ TP.HCM
Xem tranh Bùi Chát, hàng trăm bức, từ bút pháp và màu sắc, bố cục đều có sự tương tác khác nhau. Vì thế, Chát chọn cho mình cách đi riêng, anh nhấn mạnh hành động tự phát trong khi vẽ thực hành, gọi là Hội họa Tình huống, tương đồng Ứng biến (Improvisation).
Trong cách nhìn tính hiện thực trong tranh, Bùi Chát ý thức rõ việc bám sâu thời điểm dừng, thỏa mãn cảm xúc tâm linh, vẽ liên tiếp tránh xa tính lặp lại, giống nhau, vẽ bằng hơi thở trống không.
Xem kỹ tranh Chát, thấy anh đã có nghiên cứu, thực nghiệm lối vẽ rỗng không áp cái đẹp vào tranh, bằng nhiều cách thể hiện từng tác phẩm trong mọi tình huống. Anh luôn ý niệm rành mạch việc chính bản thân mình vẽ, cảm giác tâm hồn trạng thái tâm lý hội họa, bày biện hoàn tất nên bức họa. Nên hội họa Bùi Chát thuần túy, toát lên đúng tinh thần, gợi nhớ trường phái biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism).
Với 29 bức tranh chọn lọc, trưng bày tại Alpha Art Station, do Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyên Hưng giám tuyển.
Tôi nhìn đã bị hun hút khởi lòng, tự động gọi tên từng bức tranh, cái bí ẩn riêng biệt mỗi người, càng soi mói mỗi bức họa của Chát, từng lớp màu vùng vẫy xoáy tròn, chúng tựa cơn gió thổi lan tỏa vệt màu hài hòa đa sắc.
Bùi Chát thích dùng chất màu nguyên thủy, làm hiện lên tính dã thú, pha lẫn sắc độ nhạt, tương phản, đối xứng, đôi khi kết thúc bức tranh điểm xuyến vài đường nét tăm tối, chuyển biến rơi chạm tự do lên bề mặt tranh. Nhìn tổng thể tranh Chát, chúng ấn tượng rất trầm lắng, đôi khi buồn rầu, thân thể co giật múa máy, ý nghĩ vô thức về cơn sóng, ngọn núi, vòng cong nhấp nhô mang tính hài hước, cứ hối thúc tuôn ra ý chí mạnh mẽ, toát lên từng nét cọ sinh lực. Tôi ngờ vực cảm giác ra từng bày cá Chép đủ màu, tự nhiên gợn sóng, hàm chứa ý niệm gom lại, tạo lên mặt nước thành bức tranh.
Trong tranh trừu tượng Bùi Chát không bị chật chội, u ám bởi các gam màu đen, nét tự do bất biến lên xuống, tạo ra muôn hình thể tự nhiên, ngắm nghía thấy đâu đó, bầy người trong phố, ngôi nhà nghiêng ngã múa vũ điệu, những cánh tay dơ cao, cành cây khô bay muôn nơi, lóe lên từng đốm lửa, câu chuyện cổ tích huyền thoại, bao vòng khối hình ngây ngô, hình thể người hiền triết xuất hiện trong không gian, pha lẫn vài chi tiết âm bản màu.
Tôi tự trả lời, vì sao Bùi Chát chọn hướng đi này, lý do đơn thuần Chát muốn vẽ bằng sự thuần khiết, đúng nghĩa tinh thần tự do, không bị ràng buột bất cứ điều gì, mặc kệ nó tung tăng, thích tính tự nhiên cho tranh, để chuyển tải tâm trạng mình muốn nói. Ngạc nhiên, tôi thấy tranh Chát đôi khi bị rời rạc, tốc độ rất chậm, sự nghĩ ngợi bào mòn từng cung bậc khác nhau, màu và đường nét, hòa sắc thay đổi liên tục.
Riêng về không gian tạo hình tranh Chát, luôn mềm mại bằng cách xoa các mảnh ghép màu nhẹ, mờ nhạt dần như không, nhịp điệu chuyển động muôn phía, nét ngắn dứt khoát ít ngoằn ngoèo, tốc độ chậm tạo vũng màu rộng, nét mảnh đậm tạo góc cạnh loé sáng. Và đó là cách tạo hình rất riêng của Chát, tĩnh lặng pha ảo ảnh cho khung hình tràn ngập ý niệm.
Mở Miệng và nghệ thuật vi niệm
Nhìn về bản năng danh tính, Bùi Chát, tên thật Bùi Quang Viễn, là thành viên chủ chốt nhóm Mở Miệng, tính cách người nội tâm, tố chất thích tự do, song hành làm thơ xuất bản, thực hành nghệ thuật vi niệm (Conceptual art). Đã xuất bản bảy tập thơ, mang tính đương đại Việt Nam, dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Vì thế, Bùi Chát vẽ trở thành câu chuyện hội họa khác biệt, mang ý thức hành động, ý nghĩ thoát ly, giải mã giấc mơ vô thức, lý giải va chạm cõi tâm linh, suy ngẫm xã hội bằng tính thực trạng bất công, bao điều trái khoáy lệch lạc của thế gian. Nên người thưởng ngoạn cũng phải tò mò, tìm hiểu coi nội tại người vẽ tương tác trong tranh ra sao, chê bai hay khen ngợi, cảm tính ý nghĩ cho riêng, luôn có mặt trong thế giới trừu tượng.
Với tôi, Chát tìm tới hội họa từ lâu, lúc bắt đầu làm thơ đi tìm nghệ thuật cái đẹp, gần gũi từ hình tính trong thi ca, đã theo đuổi ước mơ đó, được vẽ cái ý muốn cho riêng mình. Bỗng nhiên, mùa dịch Covid 19, hơn 3 năm Chát giam mình, cuồng say, ra đời vô số tranh khổ lớn, cốt là giải thoát chính mình, thực hiện trọn vẹn điều mong muốn bấy lâu.
Đứng trước phòng tranh của Chát, tôi im lặng cảm xúc, hình như xem tranh trừu tượng, tự nhiên nhớ lại ngày đầu gặp với cái tên Bùi Quang Viễn, trong một chuyến đi biên giới, thời đi học tại trường, hai thằng gặp nhau trên xe, nói chuyện thơ ca, rồi giao lưu rượu say mềm, cả hai lạc vào rừng sâu theo lối ánh trăng.
Viễn cười trong rừng chỉ tay lên trời: “Trăng đẹp nên làm thơ đi”. Tôi cười khà: “Vẽ thì hay hơn làm thơ”. Đó là chuyện của mấy chục năm trước, nghĩ lại thấy vui.
Thời gian là dấu ấn ghi nhớ, càng xem tranh Bùi Chát, cứ mọc lên đủ thứ chuyện trong đầu, trên trời dưới biển, những lối đi giang hồ văn nghệ về miền đất đỏ, đi lang thang đâu đó, lá cây um tùm, hình ảnh ngây ngô, huyễn hoặc những kỷ niệm đọc thơ bí hiểm, nghịch trò vui thi vị, lại nhớ mấy bài thơ mang tên Bùi Chát đọc cười vui: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ bay cao thì nắng bay vừa thì thôi/ không liên quan gì đến tôi!”
Hay bài thơ mà hồi đó anh em rất thích: “Tôi lém lước bọt nên tường/ tôi yêu những người đàn bà đang nà chuột jưới cống/ tôi thấy em mặc cuần nót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè”.
Bước ra khỏi phòng tranh mang tên nghệ thuật Improvisation của Búi Chát tôi vẫn bị ám ảnh sắc màu nồng nàn, ấm áp, khung hình bí hiểm chưa giải mã được, biến hóa liên tục, hy vọng thế giới trừu tượng Tình huống của Chát sẽ liên tục ra đời, mỗi lúc hấp dẫn hơn.