Vô Thường
Ổng bả cứ đi ghe miết, cứ sợ làm phiền con miết… nên giờ như vậy đó!
Bốn tuần trước, bác sĩ Lệ nói với bác sĩ Trung.
– Anh Trung ơi, anh xem có giúp được bệnh nhân H không. Cổ nghèo và thấy thương lắm anh.
Lúc đó bác sĩ Trung đã đứng lên cùng bác sĩ Lệ và điều dưỡng trưởng của khoa đến thăm bệnh nhân H. Cổ nằm một chỗ, người gầy yếu xanh xao. Vết thương ở chân trên bệnh nền đái tháo đường, bệnh thận mạn, tăng huyết áp vẫn không lành dù điều trị qua 2 bệnh viện lớn.
7 tháng trời ròng rã. Bác sĩ Lệ định cho cô H về nhà chăm sóc tiếp nhưng người chồng năn nỉ, xin ở lại.
– Điều trị lành hẳn hãy về. Vì hai bệnh viện lớn kia cũng cho về nhà do quá tải người bệnh, tự chăm sóc nhưng rồi lại nhiễm trùng rồi lại quay lên nhập viện. Vợ chồng tôi sợ lắm, bác sĩ.
Hai người họ ở Cà Mau. Suốt cuộc đời lênh đênh trên ghe bán trái cây. Lần vào đất liền ở lâu nhất là lần đi bệnh viện này, 7 tháng trời đằng đẵng.
Bác sĩ Trung chặc lưỡi nói: Vậy thôi, cho cô chú ở lại. Mùa dịch ở lại bệnh viện cũng căng thẳng. Nếu có khó khăn gì thì nói với con nghe. Con là trưởng khoa ở đây. Để con giúp cô chú một ít. Chứ tiền viện phí nằm ở khoa con cũng đắt đỏ lắm không thua gì bệnh viện tư đâu.
– Đúng là vợ chồng tôi khó khăn thiệt nhưng bây giờ vẫn chịu được bác sĩ. Bác sĩ gắng giúp dùm vợ tôi lành vết thương. Đừng cho bả xuất viện sớm.
– Chú với cô biết rồi đó, vết thương trên bệnh đái tháo đường lâu lành lắm.
– Tôi biết mà. Có nhiều người nhiễm trùng đến chết. Có nhiều người phải cưa chân cưa tay. Vợ tôi được như bây giờ tôi biết ơn nhiều bác sĩ và y tá ở đây nhiều lắm. Nói thiệt mấy bác sĩ, y tá ở đây, ai cũng dễ thương hết bác sĩ à.
Bẵng đi… một thời gian.
Bác sĩ Trung không nhớ mình đã đề nghị giúp đỡ bệnh nhân bao nhiêu lần, nhưng lần nào chú cũng từ chối.
Bác sĩ Trung cũng chẳng nhớ đã nghiền ngẫm bệnh án bao nhiêu lần để xem bác sĩ trong khoa đã điều trị tối ưu cho cô H chưa.
Cho đến một hôm, bác sĩ Trung gặp được con gái chú dưới quê lên đón cô H và chú về, khi vết thương đã lành.
– Gia đình dưới quê chắc cũng khá giả hả em?
– Dạ, không. Ba em đã vay nợ gần 270 triệu để đi chữa bệnh cho mẹ rồi.
Bác sĩ Trung ngỡ ngàng, xót xa.
Bác sĩ Trung nói: Vậy mà bác sĩ đòi giúp chút đỉnh, cũng ít thôi à, em biết đó lương bác sĩ chẳng bao nhiêu nhưng của ít lòng nhiều, mà ba mẹ em nhất định không chịu nhận. Ba em nói xoay trở được.
Cô con gái lại nói: Không sao đâu bác sĩ. Mang ơn bác sĩ không hết. Gia đình còn lo được! Lần này về bán cái ghe đi, bán miếng đất của ba mẹ để dành, rồi ba mẹ về sống với em.
– Trời. Nghe thương vậy?!
– Dù bán hết mọi thứ mà còn ba mẹ là vui rồi bác sĩ. Từ đây em được chăm sóc mẹ rồi. Bác sĩ biết, ổng bả cứ đi ghe miết, cứ sợ làm phiền con miết… nên giờ như vậy đó…
Bác sĩ Trung tiễn họ về với lòng kính trọng vô cùng. Bởi đó là những con người tự trọng! Người miền Tây.
Đang đứng bần thần suy nghĩ thì cô con gái quay lại: Em quên. Gia đình em gửi khoa và bác sĩ mỗi người hai chục trứng gà so. Em mang từ quê lên. Bác sĩ và mọi người ăn lấy thảo.
Vậy đó….
Cớ gì người ta hay chia sẻ rằng: Con người bây giờ sống tham lam, lạnh lùng và hời hợt với nhau lắm. Văn hoá đọc xuống cấp, hài nhảm, clip chửi lên ngôi, từ thiện lừa đảo… Và bằng mọi giá đạp đổ nhau. Niềm tin tôn giáo bị xoáy mòn. Báo chí tụng ca những người giàu vật chất….
Trung không tin điều đó.
Trung vẫn tin cuộc đời còn những điều dễ thương tốt đẹp.
Trung vẫn tin tình người còn ấm áp, bao dung.
Trung vẫn tin trong mỗi trái tim còn đầy ắp những dịu dàng, đằm thắm.
Như cô chú bệnh nhân chân chất đôn hậu. Nói ra câu trước câu sau đều cảm ơn tử tế.
Có thể chúng ta được trả công khi làm nghề, nhưng sự đối đãi chân tình và tận tâm với nhau chẳng ai trả công được nên thành ra phải học biết ơn!
Bác sĩ Trung và mấy y tá nhận 20 trứng gà so không phải nhận quà cáp gì mà là nhận cái tình ấy, sự biết ơn và cúi đầu trước nhau!