Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam tiếp tục tăng ca nhiễm Covid

Mai Lan

 

(VNTB) – Số lượng ca mắc và bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam liên tục tăng trong thời gian gần đây

 

Thông tin từ cuộc họp của Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19, nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng.

Trước số lượng ca mắc và bệnh nhân Covid-19 nặng liên tục tăng trong thời gian gần đây, chiều 19-8-2022, Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh Covid-19 đã có cuộc họp.

Theo thống kê, từ 8 đến 14-8-2022 có hơn 13.800 ca, trung bình gần 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên từ 16-8 đến nay Việt Nam ghi nhận tới xấp xỉ 3.000 ca/ngày. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, đây là tín hiệu phải nâng cao tinh thần cảnh giác với y tế các tuyến, nhất là tuyến tỉnh, huyện. Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong một tháng qua, đã có hơn 45.000 ca mắc mới được báo cáo, ghi nhận trong nước.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tại Việt Nam đã ghi nhận xuất hiện hàng loạt biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh, nhất là thời gian gần đây đang khiến số ca mắc Covid-19 mới đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Riêng ở Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo tỷ lệ bệnh nhân tử vong không tiêm vắc-xin là 50%. Tương tự, gần 1/3 ca nặng điều trị khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19.

Nhận định “đây là tín hiệu báo động với cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương cần rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vắc-xin cho người cao tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vắc-xin.

Tuy nhiên lý do gọi là 50% tử vong do không tiêm vắc-xin được đưa ra cho báo chí không rõ ở việc có phải đây là tử vong ở người chưa tiêm bất kỳ mũi vắc-xin nào, hay từng tiêm đủ hai mũi vắc-xin của Trung Quốc, hay đã 3 mũi vắc-xin của Cuba?

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.103 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49, xếp thứ 3 ASEAN, tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á, xếp thứ 5 ASEAN.

Hiện tại, Bộ Y tế chưa yêu cầu các địa phương thành lập bệnh viện dã chiến, mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp.

Liên quan vấn đề cảnh báo về sự đe dọa trở lại của Covid-19, có ý kiến là suốt thời gian qua dường như Việt Nam chăm chăm vào “thanh trừng nội bộ” với lý do “chống tham nhũng”, và đã “lãng quên” những lỗ thủng rất lớn trong ngành y tế xuất phát từ các chính sách, quyết sách.

Mới nhất về vấn đề quản lý y tế có lẽ là Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành.

Theo đó, Quyết định quy định về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công hoặc phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn y tế: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; điều dưỡng và phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; kiểm nghiệm dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; an toàn vệ sinh thực phẩm; dân số – kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản; truyền thông giáo dục sức khỏe.

Quyết định nêu đối tượng áp dụng gồm: Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao quyền tự chủ tài chính năm 2021 theo quy định có tổng nguồn thu, bao gồm nguồn thu sự nghiệp và dự toán chi thường xuyên năm 2021 được ngân sách nhà nước cấp (nếu có) không đủ bảo đảm chi hoạt động thường xuyên do ảnh hưởng của dịch Covid-19;

Các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19.

Đã một tháng đi qua kể từ quyết định ở trên, tính tới hiện tại thì mọi chuyện vẫn chưa thấy biến chuyển gì thay đổi cho lời kêu gọi “Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở” mà TP.HCM đã rất nhiều lần “kiến nghị” với trung ương.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đi tu muốn “ăn mặn”

Trương Thế Tử

VNTB – Kinh tế có thể vượt qua cơn bão Covid-19?

Phan Thanh Hung

VNTB – Năm mới sẽ học ‘online’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.