Việt Nam Thời Báo

VNTB – Quyền uy của Sở Y tế cấp tỉnh: Cho biết tay!

Thới Bình

(VNTB) – Bộ Luật lao động hiện hành không có điều khoản nào về việc ‘cơ sở y tế toàn quốc’ không nhận bác sĩ bỏ việc sau khi được cử đi đào tạo.

 

Gần đây, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có công văn đề nghị các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên toàn quốc… không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng đối với bác sĩ y đa khoa T.C.K. (27 tuổi, thường trú tại thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Giải thích lý do ban hành công văn trên, ngày 29-9, ông Nguyễn Văn Dũng – giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau – cho biết do bác sĩ K. được UBND tỉnh Cà Mau cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhưng không thực hiện đúng cam kết. Theo ông Dũng, đây không phải lần đầu tiên bác sĩ được UBND tỉnh Cà Mau cử đào tạo theo địa chỉ sử dụng nghỉ việc, mà thỉnh thoảng đã có xảy ra. Đối với những trường hợp như vậy, Sở Y tế tỉnh Cà Mau có gửi công văn đến các cơ sở y tế trong và ngoài công lập các tỉnh, thành “không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng”.

Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết cũng nhận được các công văn từ sở y tế các tỉnh, thành trong cả nước với nội dung tương tự: “Không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng đối với bác sĩ được cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng tự ý bỏ việc”.

Về nguyên tắc thỏa thuận dân sự thì nếu được đào tạo theo địa chỉ (cử tuyển), người vi phạm phải bồi thường theo hợp đồng.

Thông thường, các tỉnh gửi danh sách người học, tất cả các trường hợp đào tạo theo địa chỉ sử dụng đều được đưa đi học bằng ngân sách địa phương, đơn vị nơi người học đang công tác, các trường hợp sinh viên được đưa vào danh sách này ngoài việc được ưu tiên điểm xét tuyển, phải có cam kết trở về địa phương công tác theo thời hạn do địa phương đề xuất.

Tuy nhiên ở tỉnh Cà Mau, sinh viên cử tuyển phải tự đóng học phí.

Giải thích với báo chí, bác sĩ T.C.K. (khoa ngoại tổng hợp) cho biết ông không được nhận hỗ trợ từ ngân sách mà phải bỏ tiền túi trả học phí. Ông phải vay tiền ngân hàng để đi học và đến nay vẫn còn nợ hơn 200 triệu đồng. Lương của ông ở bệnh viện chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, gần đây bệnh viện cũng thường xuyên chậm lương nên ngày 1-8 vừa qua, ông đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do thu nhập không đủ sống.

“Bản thân cũng ý thức và cố gắng đi làm thêm ở phòng mạch cách nơi làm việc hơn 30 cây số để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng vẫn không ổn. Hiện tại tôi còn một em nhỏ đang đi học phải ở với bà ngoại, cha tôi phải đi làm bảo vệ ở TP.HCM để kiếm tiền trả nợ ngân hàng cho tôi”, bác sĩ K. nói.

Tin tức cho biết, quá thời hạn báo trước 45 ngày theo như quy định của Bộ Luật lao động, bác sĩ K. thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, và bệnh viện đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

“Mặc dù ý thức được nghỉ việc không theo cam kết sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này nhưng không ngờ bị ảnh hưởng lớn đến vậy. Tôi có làm đơn xin nghỉ nộp lãnh đạo và được bệnh viện Trần Văn Thời giải quyết cho nghỉ tôi mới nghỉ chớ đâu có nghỉ ngang không thông báo”, bác sĩ K. nói và mong muốn Sở Y tế Cà Mau thu hồi văn bản “chặn đường làm việc” của anh.

Trước vụ việc này, luật sư Tr.T. – một thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo, cho rằng phía sử dụng lao động và người lao động ở đây đã tuân thủ các quy định về luật lao động.

Với Sở Y tế tỉnh Cà Mau, lúc ban đầu trong ràng buộc của thủ tục được đào tạo theo địa chỉ, tức cử tuyển, đã không nêu việc ở thì tương lai khi ấy, là nếu đối tượng cử tuyển sau khi trở về làm việc ở địa phương mà không theo đúng thời gian thỏa thuận, thì các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên toàn quốc… không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng đối với cá nhân đối tượng cử tuyển đó.

“Tôi cho rằng trong vụ việc kể trên, Sở Y tế Cà Mau đã ban hành văn bản có nội dung vi hiến. Theo đó, Hiến pháp 2013 tại Điều 34 ghi rằng “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, Điều 35.1 “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”.

Như vậy cần thiết xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở đây là Sở Y tế Cà Mau, vì đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vai trò lãnh đạo, quản lý hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước địa phương” – luật sư Tr.T., ý kiến.

[ads_color_box color_background=”#f5ebeb” color_text=”#444″]

Sở Y tế Cà Mau ra văn bản đề nghị các cơ sở y tế không tiếp nhận 1 bác sĩ tự ý bỏ việc

Sở Y tế Cà Mau phát hành văn bản đề nghị các cơ sở y tế trong, ngoài công lập không tuyển dụng đối với bác sĩ từng công tác tại một bệnh viện thuộc Sở này.

Ngày 28.9, ông Trần Quang Khóa, Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau, xác nhận cơ quan này đã phát hành văn bản đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài công lập không tuyển dụng đối với một bác sĩ từng công tác tại một bệnh viện thuộc Sở này.

Theo đó, ngày 27.9, Sở Y tế Cà Mau có công văn số 3574/SYT-TCHC đề nghị các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh thành, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên toàn quốc… không tiếp nhận, hợp đồng, tuyển dụng đối với bác sĩ y đa khoa T.C.K. (27 tuổi, ngụ TT.Trần Văn Thời, H.Trần Văn Thời, Cà Mau). Lý do là bác sĩ T.C.K được UBND tỉnh Cà Mau cử đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhưng không thực hiện đúng cam kết.

Ông Khóa giải thích thêm, bác sĩ T.C.K được UBND tỉnh Cà Mau cử đi học theo địa chỉ sử dụng năm 2013; cam kết sau khi ra trường trở về địa phương phục vụ ít nhất 5 năm. 

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ T.C.K về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời được 3 năm 1 tháng thì nghỉ việc, chưa đủ thời gian phục vụ theo cam kết. Bác sĩ T.C.K tự ý nghỉ việc khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

“Thời gian qua, có nhiều bác sĩ, dược sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Cà Mau nghỉ việc hoặc điều chuyển công tác được giải quyết theo nguyện vọng vì có khi có lý do chính đáng và không vướng trường hợp đào tạo theo địa chỉ nhưng chưa hết thời gian cam kết. Không riêng Cà Mau mà các tỉnh khác cũng ra công văn thông báo như vậy. Ra thông báo như thế nhưng việc đơn vị nào nhận, Sở không can thiệp”, ông Khóa nói.

Ông Khóa cũng cho rằng, văn bản Sở ra như thế không sai luật và trường hợp bác sĩ T.C.K không thuộc diện bồi thường kinh phí đào tạo do tỉnh không bỏ kinh phí đào tạo mà bác sĩ T.C.K tự đóng học phí.

[/ads_color_box]


Tin bài liên quan:

VNTB – “Rút bảo hiểm xã hội một lần”: rối hơn canh hẹ

Do Van Tien

VNTB – Nhu cầu sống tối thiểu

Phan Thanh Hung

VNTB – Bộ luật Lao động của Việt Nam chưa tương thích về quyền tự do liên kết

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Công Tâm 01.10.2022 9:35 at 09:35

Đông Lào

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo