Hiền Vương
(VNTB) – “Tôn chỉ, mục đích” chính là “vòng kim cô” của báo chí.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố kết quả xử lý giai đoạn 1 đối với tình trạng “báo hóa” tạp chí, biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.
Theo đó, kết thúc giai đoạn 1, đến hết tháng 9-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành làm việc, thanh tra, kiểm tra đối với 16 cơ quan báo chí. Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, bộ ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng đối với các cơ quan báo chí có vi phạm.
Các cơ quan báo chí bị xử lý cũng đã bị buộc gỡ bỏ hàng ngàn tin, bài có nội dung không đúng tôn chỉ, mục đích do cơ quan chức năng chỉ ra; cam kết tự rà soát, chủ động gỡ bỏ những tin, bài có nội dung ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích.
Sở dĩ có thể mượn hình ảnh Tôn Hành Giả trong tiểu thuyết Tây du ký để ví von “tôn chỉ, mục đích” chính là vòng kim cô của báo chí, vì dường như nhân danh là cơ quan quản lý nhà nước, các quan chức đảng viên đã cố tình hiểu lệch lạc những gì mà họ hay nhắc đến về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.
Người viết xin tiếp mạch văn quen thuộc của tuyên giáo cho câu chuyện ví von trên.
Xuất phát từ quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Người chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam đó là: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.
Theo Người, tư tưởng và nội dung xuyên suốt của báo chí là khai thác, tiếp nhận và tuyên truyền: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được.
Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng.
Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì theo Người thì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”…
Như vậy, theo cách hiểu và huấn dụ lúc sinh thời của người đứng đầu đảng, thì muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.
Như vậy, “tôn chỉ mục đích” của chủ tịch Hồ Chí Minh, nôm na là, “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân” (*).
Với cách hiểu trên cho thấy việc phân định “Tôn chỉ, mục đích” của các cơ quan báo chí, là cơ quan quản lý về báo chí mong muốn cơ quan báo chí tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực hoạt động của mình (Chủ quản của cơ quan báo), nhằm phát huy những khả năng vốn có để thúc đẩy tích cực hơn vai trò báo chí trong thời kỳ đổi mới.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng phóng viên nhà báo của một cơ quan báo chí nào đó khi không đúng “tôn chỉ, mục đích” thì không được tác nghiệp ngoài lĩnh vực thuộc phạm vi “tôn chỉ, mục đích” của mình, đặc biệt là vấn đề chống tiêu cực.
Điều quan trọng là việc phản ánh của báo chí đảm bảo đúng đắn, trung thực, với động cơ mang tính xây dựng để hoạt động thực tiễn ngày một tốt hơn, việc chấp hành chính sách, pháp luật nghiêm minh hơn.
Từ những gì đang diễn ra cho thấy chỉ có thể một giải thích: tự do báo chí ở Việt Nam vẫn là mỹ từ của văn bản dùng để đối ngoại.
___________
Chú thích:
(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011.
1 comment
Hai hàng dọc nhìn trước…thẳng! thôi! Nghỉ! Nghiêm!