Tử Long
(VNTB) – Bà quyền bộ trưởng y tế hiện tại từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động, thương binh và xã hội.
Lý lịch trích ngang của quyền bộ trưởng y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ tháng 8/1995 đến 3/2006, bà là chuyên viên Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, thương binh và xã hội. Từ tháng 4/2006 đến 10/2006, bà Đào Hồng Lan là Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội. Sau đó bà Đào Hồng Lan giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội trong thời gian 3 năm 99 ngày.
Ngày 15/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 839/QĐ-TTg, về việc giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế. Ghi nhận từ năm 1945 đến nay, bà Đào Hồng Lan là người đầu tiên đứng đầu Bộ Y tế nhưng không xuất thân từ ngành Y.
Là dân chuyên ngành bảo hiểm, nên ngay từ khi bà Đào Hồng Lan được Đảng ‘đặt’ vào ‘ghế nóng’, không ít viên chức ngành y tế tin rằng bà quyền bộ trưởng sớm thể hiện được ‘mặt mạnh’ cá nhân.
Tuy nhiên tính cho đến lúc này, khi mà sắp tới đây Quốc hội khả năng phê duyệt bà Đào Hồng Lan là bộ trưởng y tế, giới chuyên môn nhận ra dường như bà cũng không khả năng luôn cả về vấn đề bảo hiểm y tế.
Ghi nhận ý kiến tiếp sau đây từ một bác sĩ từng chuyên trách truyền thông cấp hàm vụ trưởng ở bộ y tế dưới thời bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Rộng đường dư luận, và đây cũng coi như góp tiếng nói cử tri cho lá phiếu về bà Đào Hồng Lan, xin được trích đăng ý kiến của vị bác sĩ kể trên:
“Dân thì đang thiếu thuốc và vật tư y tế để chữa bệnh, ngành y tế thì đang loay hoay tháo gỡ mà chưa thấy kết quả. Các bệnh viện tự chủ đều là những bệnh viện có thương hiệu đang trên bờ vực phá sản vì thu không bù chi. Nguyên nhân chính là do bảng giá khám chữa bệnh đã quá lạc hậu, bao nhiêu năm không thay đổi và bao nhiêu thứ ràng buộc bất hợp lý khác.
Nếu chúng ta không tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này để chữa tận gốc, mà cứ loay hoay chữa ngọn thì càng chữa bệnh càng nặng, càng đi vào ngõ cụt.
Theo quan điểm cá nhân tôi, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do ngành y tế quá bị phụ thuộc vào bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế của chúng ta thu đã thu thấp, vì mức lương của ta thấp. Bảo hiểm y tế lại luôn sợ vỡ quỹ, muốn kết toán dư thì giá khám chữa bệnh thấp, thu không bù chi, thuốc phải dùng giá rẻ và tắc thầu dẫn đến khan hiếm chỉ là hậu quả.
Bảo hiểm y tế là nỗi ám ảnh của các bác sĩ, trong khi nhiệm vụ của các bác sĩ là toàn tâm toàn ý chữa bệnh cứu người mà cứ lo bảo hiểm y tế không thanh toán thì rất mệt. Bác sĩ mệt thì sao bệnh nhân mau bình phục được.
Để giải quyết tận gốc, để thoát khỏi tình trạng bất hợp lý, khiến ngành y tế cứ như con tàu đi giữa đại dương mà không có la bàn, theo tôi phải giải quyết được mâu thuẫn giữa bảo hiểm y tế và ngành y tế, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa y tế thị trường và bao cấp xã hội chủ nghĩa. Còn nếu không thì ngành y tế ngày càng xuống cấp về mọi mặt, và hậu quả là nhân dân gánh chịu.
Trước hết là không nên để cơ quan bảo hiểm xã hội đứng độc lập như hiện nay, mà nhập vào Bộ Lao động, thương binh và xã hội, sẽ giảm được rất nhiều biên chế và đúng hơn.
Bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm y tế phải coi là trụ cột của an sinh, từ đó giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh phù hợp, tính đúng tính đủ. Thuốc và vật tư y tế là thuốc tốt giá cả hợp lý chứ không phải thuốc được coi là “giá rẻ” như hiện nay. Thuốc tốt, thầy thuốc toàn tâm phục vụ bệnh nhân, người bệnh sẽ mau bình phục, rút ngắn thời gian nằm viện, thì đây chính là tiền vô hình đấy.
Còn như tình trạng hiện nay , thuốc và vật tư y tế thiếu bắt buộc bệnh nhân phải mua ở ngoài với giá trên trời, chất lượng chưa chắc đã đảm bảo, biến bệnh viện thành cái chợ, góp phần làm hỏng thầy thuốc. Mà tiền của dân thì cũng là tiền, trong trường hợp này không nên phân biệt tiền của dân và tiền nhà nước. Tiền ngân sách cũng là của dân, dân có giàu thì nước mới mạnh.
Vậy tiền lấy ở đâu, dĩ nhiên nếu bảo hiểm y tế bội chi thì tiền ngân sách bù vào. Nếu tính kỹ so với cứ để như hiện nay thì kể cả về mặt kinh tế, ta vẫn thấy có lợi hơn. Ngay cả những nước có mức lương và bảo hiểm y tế cao như Pháp thì mỗi năm nhà nước vẫn phải bù vào 18 tỷ euro mới đủ chi.
Chỉ có thể giải quyết được vấn nạn thiếu thuốc và vật tư y tế hiện nay bằng bước đi đầu tiên là giải quyết được vấn đề bảo hiểm y tế. Ngoài ra còn giải quyết được vấn đề bệnh viện tự chủ, và các vấn đề sống còn khác. Còn cứ để như hiện nay thì tất cả cùng chìm…”.
_____________________