Hoài Nguyễn
(VNTB) – Trích lục báo chí nhà nước cho thấy Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) thật sự có ‘dây nhợ’ với bà Trương Mỹ Lan.
Kỳ 4: Nhóm cổ đông của SCB đến từ Vạn Thịnh Phát
Ở mảng tài chính, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) có mối liên hệ khá mật thiết với Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn (SCB).
Nhờ thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu thông qua hợp nhất 3 ngân hàng gồm Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB vào cuối năm 2011 mà đến nay, SCB sở hữu khối tài sản hơn 761 ngàn tỷ đồng (tính đến cuối tháng 06-2022), trở thành ngân hàng tư nhân có khối tài sản lớn nhất, hệ thống chỉ sau 4 ngân hàng quốc doanh là Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Khi hợp nhất, SCB có sự thay đổi lớn trong Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban điều hành. Phần lớn vị trí chủ chốt đều do đại diện nhóm cổ đông lớn từ Công ty cồ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú nắm giữ.
Cụ thể, trước thời điểm hợp nhất, năm 2010, Hội đồng quản trị SCB có thành viên liên quan đến VTPGroup như ông Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT). Ông Tồn từng là Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Saigon Peninsula).
Trong năm 2010, giữa SCB và VTPGroup còn phát sinh khoản tạm ứng mua sắm và xây tài sản cố định gồm khoản tiền 150 tỷ đồng là giá trị tòa nhà số 193 – 203 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM. Trong giao dịch này, SCB phải trả thêm khoản thuê văn phòng tòa nhà cho VTPGroup, đồng thời VTP Group cũng trả một khoản lãi cho SCB dựa trên số tiền 150 tỷ đồng mà ngân hàng thanh toán cho Tập đoàn từ năm 2008 – 2010.
Sang năm 2012, khi SCB bắt đầu nhiệm kỳ mới sau hợp nhất, 2 vị trí đứng đầu ngân hàng là Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐQT lần lượt do bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Trầm Thích Tồn đảm nhận. Bên cạnh ông Tồn, bà Sương cũng từng nắm những vị trí quan trọng tại Công ty cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần Đại Trường Sơn.
Đến năm 2014, hai cá nhân này bất ngờ rút khỏi HĐQT SCB, dấy lên đồn đoán về việc liệu VTPGroup có rút khỏi SCB hay không. Cũng trong năm này, SCB có chủ trương tăng vốn và tiến hành thủ tục mời gọi nhà đầu tư, nhưng chỉ có 1 cá nhân là bà Trương Mỹ Lan thực hiện góp thêm 100 tỷ đồng nên kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thất bại.
Sau đó, ngoài nhận 100 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu, SCB nhận thêm 1,900 tỷ đồng từ việc chào bán lần lượt 142,5 triệu cổ phiếu, ứng với 9,9% vốn cho Noble Capital Group Limited và 47,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 3,3% cho Glory Capital Investment Limited Place of Incorporation. Cả hai đối tác ngoại này đều được ngân hàng giới thiệu đến từ nước Anh.
Theo báo cáo thường niên gần nhất được công bố, tính đến cuối năm 2020, SCB có 3,955 cổ đông. Trong đó, 5 cổ đông nước ngoài sở hữu 27,87% vốn điều lệ, 11 cổ đông tổ chức trong nước nắm 15,705% vốn, còn lại là cổ đông cá nhân sở hữu 56,137% vốn. Thông tin cũng cho biết SCB có 2 cổ đông lớn là tổ chức nước ngoài Noble Capital Group Limited (sở hữu 9,355% vốn điều lệ) và tổ chức trong nước là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (sở hữu 12,828% vốn điều lệ).
Về Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú, hiện ông Tạ Chiêu Trung làm Giám đốc. Công ty có trụ sở tại tầng 8, số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM – nơi đặt một trong những tòa nhà của VTP Group. Năm 2014, cổ đông lớn này có 1 chân trong HĐQT SCB do ông Trung đảm nhiệm.
Với Noble Capital Group Limited, đại diện cổ đông lớn này trong SCB là ông Henry Sun Ka Ziang đang nắm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Henry được Ngân hàng giới thiệu có hơn 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị tài chính, ngân hàng. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó Chủ tịch Thứ nhất Ngân hàng Bank of America Ltd. (Châu Á); Giám đốc Tài chính Công ty Dickson Construction Int’l Ltd.; Giám đốc Điều hành Công ty SMELOAN Ltd., Công ty Egana International Technology Ltd.; Thành viên HĐQT độc lập, không điều hành Công ty Zhongda International Holdings Ltd., Công ty Get Nice Holdings Ltd.; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Noble Capital Group Ltd.
Noble Capital Group Limited có 2 trụ sở đặt tại London (Anh) và Mauritius – một đảo quốc ở Đông Phi, thuộc quần đảo Mascarene.
Về Glory Capital Investment Limited Place of Incorporation, dù được SCB giới thiệu đến từ Anh, nhưng theo tìm hiểu của báo chí, đây là quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Ngoài VTP Group, SCB còn có mối liên hệ với Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). SCB được TVSI giới thiệu là đối tác hợp tác toàn diện, hai bên ký thỏa thuận từ năm 2016 nhằm có những chính sách hiệp trợ nhau trong việc phát triển dịch vụ. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Thành, cố Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TVSI, còn là Thành viên HĐQT độc lập tại SCB từ năm 2017.
Tháng 03-2022, SCB và TVSI ký thoả thuận hợp tác với Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Tân Việt (TVFM), mục đích “nhằm khai thác tối ưu mọi tiềm năng, tạo hiệu quả kinh doanh, tăng vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường liên quan của các bên”. TVFM tiền thân là Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư An Phát, hiện công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng.
Năm 2016, TVSI cùng SCB ký kết đối tác chiến lược với Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Theo đó, SCB sẽ cung cấp cho nhà đầu tư của TVSI và người của Bảo hiểm Bảo Long các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng trọn gói, chương trình khuyến mãi. Đồng thời, TVSI cung cấp các dịch vụ chứng khoán cho khách hàng của SCB và Bảo Long. Còn Bảo hiểm Bảo Long là đơn vị tư vấn, hỗ trợ cho cán bộ nhân viên và khách hàng của SCB và TVSI lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Bảo hiểm Bảo Long (tiền thân là Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhà Rồng) được thành lập năm 1995. Đây là Công ty cổ phần bảo hiểm đầu tiên hoạt động trên lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Hiện nay, SCB trở thành ngân hàng mẹ nắm sở hữu 81,8% vốn điều lệ của Bảo hiểm Bảo Long.