Hàn Lam
(VNTB) – Gửi 10 triệu đồng đã được lãi suất 8,4%/năm.
Nếu chỉ một tháng trước, mức lãi suất huy động 7,8%/năm, 8%/năm rất hiếm hoi và chỉ áp dụng cho các món tiền gửi trăm tỷ đồng, thì nay mức lãi suất này đã là quá khứ khi các ngân hàng tìm đủ mọi cách để hút nguồn tiền, dù chỉ là món tiền nhỏ, từ 10 triệu đồng.
Ngân hàng số Cake by VPBank đã đưa ra mức lãi suất huy động lên tới 9,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi kỳ hạn 36 tháng và số tiền gửi tối thiểu 300 triệu đồng. Với kỳ hạn gửi 6 tháng, mức lãi suất cố định lên tới 8,5%/năm. Nếu số tiền gửi lớn, lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này lên đến 8,8%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất lên đến 9 – 9,3%/năm, tùy số tiền gửi.
Trước đó, SCB triển khai chương trình tặng coupon lãi suất 0,5% theo tất cả hình thức lãnh lãi với kỳ hạn gửi từ 6 tháng đến 11 tháng, đưa lãi suất huy động cao nhất lên đến 8,9%/năm kỳ hạn 11 tháng. Nếu gửi tiết kiệm online, mức lãi suất cao nhất cũng lên đến 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Tại NamABank, chỉ từ ngày 11 đến 15-10, lãi suất huy động đã tăng liên tục 3 lần, đưa lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng với hình thức gửi tại quầy từ 7,5%/năm lên 7,9%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên 7,9%/năm, tăng 1,4%/năm qua các lần điều chỉnh tăng. Nếu gửi tiết kiệm online, kỳ hạn 6 tháng đã được nhận lãi suất 7,9%/năm, gửi từ 12 – 17 tháng lãi suất là 8,2%/năm, từ 18 – 24 tháng lên tới 8,4%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mức lãi suất lên rất cao, như VietABank với lãi suất cao nhất là 8,7%/năm, Kienlongbank 8,6%/năm, NCB 8,4%/năm…
Nhiều chương trình huy động có tên rất “kêu” được tung ra như “Toàn dân huy động”, “Tổng lực tiếp thị, bán hàng”. Với chương trình “Toàn dân huy động” một ngân hàng huy động tổng lực và cộng điểm cuối năm theo doanh số huy động được cho nhân viên các bộ phận. Có ngân hàng niêm yết lãi suất huy động thấp hơn nhưng cho nhân viên chào lãi suất cao hơn.
Lãi suất huy động liên tục tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng vọt. Tại nhiều ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 1 – 2%/năm và cho vay cá nhân tăng tới 2 – 4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe.
Đâu chỉ vậy, do “room” (hạn mức) tín dụng không còn nhiều, nhiều ngân hàng áp chính sách “bia kèm lạc”, tức muốn được giải ngân phải mua gói bảo hiểm 30 – 50 triệu đồng hoặc cao hơn. Do đó nếu cộng thêm khoản chi phí này, lãi suất thực tế còn cao hơn nữa.
Như vậy, bên cạnh tỷ giá, lãi suất tăng là gánh nặng đối với doanh nghiệp thời gian tới. Bởi sau khi trừ tiền lãi vay và các khoản chi phí khác, lợi nhuận không được bao nhiêu, thậm chí còn âm. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế dự báo khó khăn hơn trong năm sau do sức ép lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nên hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn.
Về giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – bà Nguyễn Thị Hồng thì áp lực lạm phát có xu hướng tăng, lạm phát so với cùng kỳ tại thời điểm cuối năm 2022 dự kiến vượt 4% gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do một số nguyên nhân như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định hiện lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng; tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
“Đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam…” – bà Nguyễn Thị Hồng xác nhận về cảnh báo viễn cảnh kinh tế cuối năm sắc màu ảm đạm.
1 comment
O a ngờ oang, tờ oang toang!