Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bạo lực học đường với việc thầy giáo ‘bẻ tay’ cô giáo trong lớp học

Tử Long

 

(VNTB) – Ngày 26-10, một clip dài 18 giây ghi lại cảnh một cô giáo bị một người đàn ông bẻ tay, đẩy ra khỏi một lớp học trước hàng chục học sinh.

 

Đoạn clip này sau đó được xác định là quay gần đây ở Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế). Người phụ nữ bị bẻ tay và người đàn ông bẻ tay trong clip được xác định là giáo viên của trường.

 

Tình tiết trong clip cho thấy đây là bạo lực học đường, với những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Ngày 28-10, ông Ngô Đức Thức – Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng đã có thông tin về vụ việc giáo viên nam đẩy giáo viên nữ ra khỏi lớp trước mặt học sinh.

Theo đó, các thầy cô liên quan gồm: Cô Hồ Thị Tâm (giáo viên bị đẩy ra khỏi lớp); cô Trần Thị Thùy Dung (Chủ nhiệm lớp 10A9) và thầy Nguyễn Đức Phong (thầy giáo đẩy cô Tâm ra khỏi lớp, thầy là Tổ trưởng tổ Thể dục và quốc phòng của trường).

Cụ thể, sự việc xảy ra tại tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp 10A9 vào ngày thứ 7 (22-10), tiết đó, cô Trần Thị Thùy Dung có hội ý với ban giám hiệu trường nên vào lớp muộn, cho học sinh tự quản.

Sau khi cô Dung trao đổi xong với ban giám hiệu thì về lớp. Lúc này, cô Tâm tự ý vào lớp. Cô Dung yêu cầu cô Tâm ra khỏi lớp vì đang là tiết của mình nhưng cô Tâm không ra, vì vậy, cô Dung đã liên lạc với ban giám hiệu.

Các thầy cô có mặt thuyết phục khoảng 10 phút nhưng cô Tâm không ra, sợ hình ảnh các thầy cô giáo đứng lời qua tiếng lại trước mặt các em học sinh là không hay nên thầy Phong đã cầm tay đẩy cô Tâm ra.

Khi được hỏi về lý do cô Tâm tự ý vào lớp cũng như đã nói những gì với học sinh lớp 10A9 thì ông Thức từ chối trả lời.

Cô Hồ Thị Tâm là giáo viên môn ngữ văn, kể với báo chí như sau (trích):

“Sự việc có lẽ bắt đầu từ đầu tháng 10 năm nay, khi tôi nhận được thông tin từ lãnh đạo nhà trường về việc tôi bị nhiều học sinh của lớp 10A9 gửi đơn yêu cầu đổi giáo viên dạy văn của lớp. Lý do trong đơn ghi tôi dạy yếu, qua loa và nhiều học sinh không hiểu bài.

Tôi giảng dạy ở Trường THPT Hai Bà Trưng nhiều năm nay và năm nào cũng được đánh giá là lao động loại giỏi, vì thế khi nhận được thông tin trên tôi thấy rất bất ngờ. Bản thân khi dạy tại lớp 10A9 luôn tự nhủ phải đảm bảo đúng chuyên môn và dạy bằng cả tình yêu thương, tự trọng nghề nghiệp.

Thú thật, có nhiều học sinh ở lớp có đề xuất xin học thêm môn văn ở nhà nhưng tôi từ chối dạy vì sợ bị mang tiếng. Ngay sau đó trong một cuộc họp, lãnh đạo nhà trường đã bêu tên và chỉ trích tôi trước toàn thể giáo viên, cán bộ nhân viên của trường.

Tại cuộc họp đó tôi đã bật khóc vì uất ức và không được phát biểu ý kiến.

Sau cuộc họp, nhân một buổi có tiết dạy ở lớp 10A9 nói trên, tôi đã hỏi các bạn học sinh ở lớp về đơn tố cáo, đồng thời xin lỗi chân thành nếu trong quá trình đứng lớp tôi để lại ấn tượng không tốt. Thế nhưng phần lớn các bạn trong lớp nói không biết và không hề ký tên vào đơn đề nghị đổi giáo viên kia.

Đến ngày 21-10, tôi càng bất ngờ khi nhà trường công bố thời khóa biểu mới. Trong đó trường cắt tiết dạy của tôi ở lớp 10A9 nói trên và thay vào một giáo viên khác. Tôi tìm những người có thẩm quyền để hỏi lý do mình bị cắt tiết dạy thì không nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.

Là giáo viên của trường, tôi chấp nhận sự phân công của tổ chức.

Vào thứ bảy ngày 22-10 vừa qua, tôi có hai tiết văn liên tiếp ở lớp 10A9, đây cũng là hai tiết cuối tôi đứng lớp trước khi bàn giao cho giáo viên mới. Sau khi hoàn thành hai tiết học nhưng chưa hết giờ, tôi đã tổ chức một buổi chia tay nho nhỏ để nói lời tạm biệt với các em học sinh.

Trong buổi chia tay này, tôi có đề nghị các bạn học sinh của lớp thực hiện một cuộc khảo sát trên giấy với tinh thần tự nguyện về việc các bạn có ký tên đề nghị đổi giáo viên dạy văn hay không, tôi có điểm nào chưa tốt…

Ban đầu đúng là có sự gượng gạo, một số bạn không muốn làm khảo sát. Tuy nhiên tôi có nói với các bạn là tôi xin phép được lấy ý kiến từ các bạn ấy bởi “người tử tù trước khi ra pháp trường còn được nói lời sau cùng”, tôi chỉ chân thành muốn biết được sự thật là các bạn có đề nghị đổi giáo viên hay không.

Cả lớp nghe tôi nói xong thì đồng ý tự nguyện làm khảo sát. Thế nhưng khi các bạn đang làm thì giáo viên chủ nhiệm của lớp đi vào và yêu cầu dừng cuộc khảo sát lại rồi báo cho nhà trường.

Sau đó, hai thầy giáo và một bác bảo vệ ập vào yêu cầu tôi đi ra khỏi lớp với lý do tôi đang làm điều trái quy định. Tôi phân bua rằng mình chỉ đang chia tay lớp học và không làm bất cứ điều gì trái với quy định của trường, của ngành giáo dục thì bất ngờ thầy Phong giáo viên thể dục tiến tới bẻ tay, đẩy tôi ra khỏi lớp như clip ghi lại”.

Đa chiều ghi nhận.

Thầy Phong cho biết: “Cô Tâm cũng từng là học trò của tôi tại Trường Hai Bà Trưng. Bình thường cô cũng quý tôi lắm, nhưng lần này do bức xúc vì học sinh yêu cầu thay đổi giáo viên nên cô đã không kiềm chế được.

Sau khi đưa ra khỏi phòng, cô Tâm vẫn còn bức xúc nên tôi tiếp tục khuyên giải, đưa về phòng y tế nằm nghỉ ngơi. Sau đó, cô bình tĩnh lại, giữa tôi với cô không có chuyện gì. Tuy nhiên, khoảnh khắc này đưa lên mạng đã khiến mọi người bất bình, tưởng tôi hành xử thô bạo với cô.

Tôi khẳng định bản thân không hành xử thô bạo với nữ đồng nghiệp cũng vừa là học trò cũ của mình. Kỳ thực không phải như vậy…”.

…Với những gì mà đôi bên lên tiếng cho thấy dù đúng sai chưa phân định, nhưng tên gọi ở đây chính là bạo lực học đường, trong đó một phụ nữ đã bị hạ nhục nhân phẩm bởi một đồng nghiệp nam từng là người thầy của mình.

Trường THPT Hai Bà Trưng ở Huế trước năm 1975 có tên trường nữ sinh Đồng Khánh; và vết nhơ bạo lực học đường kể trên quả tình làm buồn lòng nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa, Hai Bà Trưng hôm nay.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vạn Thịnh Phát đã tài trợ không điều kiện xây dựng lại bệnh viện An Bình

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Phụ huynh ‘chưa lên làm việc’, học sinh sẽ bị đuổi học?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Sự Thật ( Phần 2): Nền giáo dục và y tế ưu việt dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

Nguyễn thị Ngữ 29.10.2022 7:05 at 07:05

Bạo lực học đường là một phần trong Bạo lực xã hội. Mà bạo lực xã hội thì có xuất phát từ bản chất của hệ thống chính trị: độc tài – độc tôn – chuyên chính. Điển hình là hành động bạo lực như thú hoang do công an gây ra tràn lan khắp cả nước đối với người dân.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo