Ngọc Lan ghi
(VNTB) – Nhiều tháng qua, nhân viên y tế các bệnh viện vẫn loay hoay với chuyện mua sắm, đấu thầu, làm giảm thời gian tập trung chuyên môn, theo bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết từ khi có những phản ánh đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đến nay đã hơn 8 tháng. Chính phủ, các bộ ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe cán bộ y tế, “nhưng đến giờ chúng tôi thấy chưa có thay đổi nào về chính sách”.
Tại bệnh viện Chợ Rẫy, khi dùng các máy cao cấp như máy xạ trị, CT thì phải mua của hãng độc quyền. Một bóng đèn dùng trong máy CT khoảng 3 – 4 tháng là hỏng, phải thay. Nhưng vì máy độc quyền của một hãng, nên khi thay bóng đèn hoặc các linh kiện kèm theo máy thì phải mua đúng loại của hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua bóng đèn của hãng cụ thể, thì sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu.
“Theo quy định, khi đấu thầu phải tham khảo ba gói giá. Nhưng khi mua máy cao cấp, chỉ có một hãng độc quyền thì lấy đâu ra gói giá khác để tham khảo?”, ông Thức nói, cho hay đang có thực trạng là máy móc cao cấp ở các bệnh viện hư hỏng nhưng rất khó sửa chữa, rất bế tắc.
Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng I, hạng đặc biệt được phép lựa chọn thương hiệu của nhà sản xuất để mua sắm các thiết bị điều trị kỹ thuật cao có tính chuyên sâu, phù hợp với mô hình bệnh tật và nhân lực được đào tạo của cơ sở y tế đó. Bởi nếu đấu thầu với tên chung chung nào đó, các thiết bị trúng thầu không đảm bảo yêu cầu điều trị của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.
Ông Nguyễn Tri Thức cho biết không chỉ một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng cho điều trị chuyên sâu, bệnh viện còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến. Nguyên nhân là do không có nhà cung cấp hoặc do kế hoạch đấu thầu lại căn cứ vào nhu cầu của năm 2021, trong khi thời gian này dịch Covid-19 đang diễn ra, những loại thuốc này ít được sử dụng.
Mặt khác, thời gian qua có nhiều vụ việc xảy ra trong ngành y tế khiến người phụ trách đấu thầu có tâm lý e ngại, sợ làm sai, liên đới trách nhiệm. Điều này khiến cho quá trình đấu thầu của các bệnh viện chậm triển khai.
Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho hay tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào ngày 30-6-2022, ông đã kiến nghị 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, cho phép tất cả các hợp đồng đấu thầu rộng rãi và đã trúng thầu trước đây có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.
Thứ hai, cần xác định cụ thể thế nào là “tình huống cấp bách” cho phép chỉ định thầu được nêu trong Luật Đấu thầu. Nếu không có định nghĩa cụ thể, khi kiểm tra bệnh viện rất khó lý giải, chưa kể bị quy kết cố tình đẩy vào tình huống cấp bách để chỉ định thầu” – Bác sĩ Thức lo ngại về chuyện hình sự hóa đó.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, cũng đưa ra ý kiến cho rằng đây cũng là thời điểm vàng để có quy định riêng về liên doanh, liên kết vì đã có nhiều kinh nghiệm trong sai sót và đã sửa đổi.
“Nếu bây giờ không quy định rõ liên doanh, liên kết thì bệnh viện sẽ gặp khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Nguồn lực xã hội hóa là nguồn lực rất lớn, nếu có quy định rõ về liên doanh, liên kết ngành y tế, điều đó sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ sở khám chữa bệnh” – Bác sĩ Nguyễn Tri Thức nhận định.