Cát Tường viết theo yêu cầu bạn đọc
(VNTB) – Trong cụ thể trường hợp dưới đây thì cái sai hoàn toàn thuộc về bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Cà Mau.
“Tôi muốn chuyển tuyến trên, bệnh viện bắt ký giấy xin về”
Bà Trần Ngọc Sinh ngụ xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết con trai 10 tháng tuổi của bà là bé Trương Hoàng P. vẫn còn nằm cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM.
Theo bà Sinh, ngày 7-10 bé nhập viện tại bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Cà Mau với các triệu chứng sốt, ói và tiêu chảy. Sau đó, bé bớt sốt nhưng chuyển qua ho và được bác sĩ cho biết là bị viêm hô hấp trên, nhiễm trùng tiêu hóa.
Sáng 24-10, thấy bé yếu đi nên gia đình xin chuyển viện lên TP.HCM thì được bác sĩ giải thích là bé chỉ còn viêm tiểu phế quản và bệnh viện điều trị được nên không cho chuyển viện, nếu gia đình muốn đi thì phải ký giấy ngừng điều trị.
“Cuối cùng tôi phải ký cam kết với nội dung: sau khi nghe bác sĩ giải thích, tôi không đồng ý điều trị và mọi rủi ro về sau tôi phải tự chịu trách nhiệm” – bà Sinh kể, và cho biết dù đã ký cam kết nhưng bệnh viện vẫn không khẩn trương giải quyết mà mãi tới 12g trưa cùng ngày mới trả thẻ bảo hiểm y tế và ngay sau đó gia đình thuê xe chở bé P. lên tới bệnh viện Nhi đồng 1 khi đã 21g.
“Tôi xin phác đồ điều trị cho con tôi mấy ngày trước để nếu bệnh viện Nhi đồng 1 có hỏi thì tôi cung cấp, nhưng bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau cũng không cho”, bà Sinh kể lại.
Đến bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi nặng và nhiễm trùng nặng nên chỉ định nhập viện ngay trong đêm, sáng hôm sau thì chuyển qua cấp cứu và phải thở oxy, hồi sức nhiều ngày liền và tới chiều 15-11 vẫn còn đang phải cấp cứu.
“Thấy con ngày càng nặng, tôi muốn chuyển tuyến trên mà bệnh viện bắt phải ký giấy xin về chứ không chuyển viện. Nếu hôm đó không nhất quyết đi, không kịp cấp cứu thì không biết con tôi giờ này ra sao” – bà Sinh bức xúc.
Bao biện hay vì ở xa quá nên pháp luật không ‘đi tới’?
Khi được báo chí thắc mắc về vấn đề trên, bác sĩ Phan Việt Sơn, phó giám đốc bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau, xác nhận bệnh nhi Trương Hoàng P. đã điều trị tại bệnh viện và đã xuất viện ngày 24-10. Theo ông Sơn, theo báo cáo của khoa điều trị thì gia đình có xin chuyển viện hai lần.
Lần đầu bác sĩ giải thích bệnh của bé trong khả năng điều trị và không đủ điều kiện chuyển tuyến nên gia đình đồng ý điều trị tiếp. Ngày 24-10, gia đình xin chuyển viện lần nữa, bác sĩ giải thích là bé không đủ điều kiện chuyển tuyến. Trong hồ sơ do khoa điều trị chuyển lên ghi là gia đình xin về chứ không phải chuyển viện.
Ông Sơn cho biết pháp luật quy định người dân có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh nên việc người bệnh muốn chuyển viện lên tuyến trên là chính đáng. Chỉ có vấn đề là nếu chuyển viện không đủ điều kiện theo phân tuyến điều trị của ngành y tế thì bệnh nhân không được hưởng đầy đủ quyền lợi về bảo hiểm y tế.
“Theo quy định, khi người bệnh muốn chuyển viện thì dù không đủ điều kiện chuyển tuyến thì bệnh viện cũng phải làm giấy chuyển viện và ghi rõ trong giấy chuyển viện là không đủ điều kiện chuyển tuyến” – ông Sơn khẳng định.
Các thông tin của ông Phan Việt Sơn, phó giám đốc bệnh viện Sản – Nhi Cà Mau là… không cập nhật các quy định liên quan về bảo hiểm y tế.
Vẫn được chi trả 100% bảo hiểm y tế
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014: “Từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định tại khoản 1 điều này cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước”.
Quy định trên có nghĩa là người tham gia bảo hiểm y tế, có thẻ bảo hiểm y tế, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám chữa bệnh và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tương đương trên toàn quốc, được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).
Người có thẻ bảo hiểm y tế điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến
Bắt đầu từ 1-1-2021, tiếp tục thông tuyến bảo hiểm y tế nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Cụ thể, từ năm 2021, người có thẻ bảo hiểm y tế khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng bảo hiểm y tế sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.
Cụ thể, quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở; người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên, có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám bảo hiểm y tế trái tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế còn lại đi khám bảo hiểm y tế trái tuyến sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80%. Mức chi trả này áp dụng từ năm 2021 trở đi.