Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vị Xuyên& thế sự Việt Trung (kỳ7): Thằng giặc Trung Quốc – tao căm thù mày

 

Nghiêm Xuân‎ Hàm

 

 

 

( CCB F 313)

 

Trận đầu

 

Chắc hẳn trong CCB chúng ta, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, đều có những kỷ niệm về trận chiến đấu đầu tiên của mình. Hôm nay, tôi cũng chia sẻ cùng các bạn về trận chiến đấu trực tiếp đầu tiên đó. Chắc trong mỗi chúng ta không thể quên lần đầu trong cuộc đời, phải đối mặt trực tiếp với quân thù.

Múc chè củ mài lên bát, anh Mòi C phó ( đại đội phó) cùng ngồi ăn được vài thìa thì chú Vinh liên lạc chạy xuống gọi tôi và anh Mòi về gấp nhận nhiệm vụ. Lúc này trời đã ngả về chiều. Chúng tôi phải nhanh chóng vận động lên mỏm một Si Cà Lá, đánh lấy lại mỏm hai đã bị Tàu chiếm giữ. Không biết vui hay buồn nữa, chúng tôi cũng đã xác định sẵn điều này từ trước rồi.

Suốt gần hai tháng nay, pháo nó cứ bắn liền, thôi thì trong đầu ai cũng nghĩ nếu phải chết thì ít nhất phải bắn chết vài thằng Trung Quốc, sau đó chết cũng đáng. Đằng này chưa bắn được thằng nào mà đã phải chết thì thật tức tưởi. Chúng tôi lên đường hừng hực khí thế. Cả C chỉ hơn 30 người vì chưa có quân bổ sung. Lúc đi qua C, anh Tân dỗ, anh còn nói đùa với anh Huynh C trưởng C tôi: Cứ đi đi, nhỡ có chết thì “vắng trăng còn có sao”, tôi sẽ lo chăm sóc cho. Anh Huynh vừa về cưới vợ, anh Huynh chỉ cười và nói lại: Nhớ đó nhé, ( sau này không biết anh Tân có còn sống và chăm sóc như câu nói đùa đó không)…

Lên đến đỉnh 1030, chúng tôi được nghỉ vài phút vì lúc này pháo địch bắn rát quá. Không có thuốc lào, tôi định đi tìm Xuyến B trưởng ở  C 7 để xin, nhưng chúng tôi không được ở lâu. Thôi hút chung nhau vậy. Tôi và anh Bảy với Chiến cùng hút một điếu và còn nói với nhau sau này nếu ai còn sống, mình tìm đến nhà nhau nhé. Đi qua chỗ anh Xuyến và mấy đồng đội cùng C7, chỉ kịp chào nhau và lời chào đó cũng là lời chào cuối cùng. (Sau này anh Xuyến và trung đội anh hy sinh gần hết và mất xác tại 1030 trong trận 15-5-84).

Xuống tới trận địa, nơi trước đây C tôi đã ở đó mấy năm. Tôi đúng là “ngựa non háu đá”, nhìn thấy nó gần quá, cách chỗ chúng tôi không đầy 100 m, thằng thì đi lại, mấy thằng ngồi túm tụm và kia cái cửa hầm, chỗ kia đang đốt lửa. Tôi lấy khẩu B 41 bắn liền 5 quả bắn xong, tai tôi bị ù.

Vừa lúc đó nhận lệnh tấn công. Đánh tay bo đây, không hề có sự hỗ trợ của pháo binh mà trời thì bắt đầu tối. Chỉ hơn 10 phút, chúng tôi đã áp sát trận địa địch, chúng tôi biết vì trước đó là nhà của chúng tôi mà. Sau khi dàn đều đội hình cách chúng không đầy 10 m. Chúng tôi đồng loạt bắn B41 ném lựu đạn và anh Mòi hô rất to: Xung phong! Giọng anh sang sảng, vang vọng. Tất cả chúng tôi cùng lao lên.

Chúng bắt đầu đồng loạt nổ súng. Ôi sao mà chúng nhiều hỏa lực vậy, có đến 2-3 khẩu đại liên và súng các loại. Chỉ lao lên được vài m, đồng của tôi lần lượt đổ gục, đạn chúng bắn ken dày. Gần chục đồng đội của tôi đã bị trúng đạn, chúng tôi không thể lao thêm lên được nữa, đành cứ nằm vừa bắn vừa ném lựu đạn, cố gắng tiêu diệt mấy khẩu đại liên của chúng.

Tôi chỉ nhổm người lên để ném lựu đạn mà đạn chúng bắn bay cả mũ. C trưởng C phó đã hy sinh. Chính viên thì mới về, anh Đoan sau này cũng hy sinh. Tôi đành ra lệnh cho anh em, nằm im chờ lệnh.

Chúng bắt đầu phản công, chủ yếu ném lựu đạn, cũng may toàn qua đầu chúng tôi. Ném cũng gần hết lựu đạn, bắn cũng gần hết đạn mà thú thật với các đồng đội, trời tối chỉ nhìn thấy chúng đi chuyển chứ có nhìn rõ được chúng đâu. Chúng tôi lúc đó đã hơn chục đồng đội vừa hy sinh vừa bị thương mà không biết mình có tiêu diệt được nhiều chúng không. Một lúc sau chúng tôi mới được lệnh rút. Vừa rút vừa khiêng nhích từng tý đưa các đồng đội bị thương và hy sinh dưới làn đạn quân thù.

Thật cảm động các bạn ạ, anh Mòi anh Bảy và một số đồng đội chưa chết, vừa lôi vừa du các anh đi mà các anh không hề kêu, chắc các anh vẫn biết kẻ thù ngay gần mình. Các anh chỉ rên khe khẽ. Vậy đó, vì đồng đội mình các anh đã cắn rằng chịu đau. Sau này ở bệnh viện, thấy mấy đồng chí bị thương mồm kêu như loa phóng thanh, mới thấy thương các anh quá.

Đưa các anh về hầm, pháo địch vẫn bắn vào trận địa, nhưng tất cả đã ra ngoài chịu đựng pháo, giành hai hầm để đặt các anh bị thương và hy sinh. Lúc này chúng tôi mới lau vết thương cho các anh. Thương lắm các bạn ơi. Anh Mòi còn hỏi tôi có lấy đựơc chốt không? Anh em mình có bị hy sinh nhiều không và anh gọi Tiến đen ơi, anh rất yêu quý Tiến và anh đã muốn Tiến vuốt mắt cho anh, anh đã ra đi như vậy…

 

Anh Bảy

 

Anh Bảy cũng chưa chết mắt anh còn chớp, giọt nước mắt cuối cùng của anh còn lăn dài bên khoé mắt, anh nhìn tôi cố muốn nói điều gì mà không nói được. Tôi nợ anh Bảy bằng cả mạng sống của mình, chỉ vì ngựa non háu đá mà ù tai nên anh Bảy mới tự nhận thay tôi làm B trưởng.

Tôi muốn viết vài lời về anh, anh là người đồng chí mà tôi luôn kính trọng. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm, anh dũng hy sinh tại Si Cà Lá ngày 7-5-1984. Anh Bảy quê ở thị trấn Sơn Dương, Tuyên Quang.

Anh hơn tôi tới 5-6 tuổi, nhưng anh đi lính sau tôi. Trước khi nhập ngũ, anh làm thuyết minh tại rạp chiếu bóng thị trấn. Anh là tiểu đội trưởng của trung đội 3- C 1- D4- E 266- F 313 cùng trung đội tôi.

Anh hiền, sống rất vui vẻ luôn hoà đồng cùng mọi người. Ở tiểu đoàn 4, đa số thời ấy đều biết anh. Cuối năm 1983, trong một ca gác của anh vào đêm 30 tết, tôi đã ngồi cùng anh tâm sự và đã hiểu thêm về cuộc đời của anh. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, cuối năm 1980 anh anh lên đường nhập ngũ, mặc dù tuổi đã cao, anh có nghề nghiệp ổn định mà cũng chưa có vợ. Anh đã gác lại tất cả để đi làm nghĩa vụ của một công dân Việt Nam.

Tâm sự với tôi, anh nói anh đang phấn đấu vào Đảng, chú giúp đỡ anh với. Chú cứ giao nhiệm vụ cho anh đi, khó khăn gian khổ đến đâu anh cũng sẽ hoàn thành. Mấy năm đi làm nghĩa vụ, anh cũng chỉ có duy nhất một ước mơ là được đứng trong hàng ngũ của người đảng viên. Anh cũng đã học cảm tình đảng được hơn một năm rồi. Anh muốn sau này về cơ quan cũ, để anh được tự hào với đồng nghiệp: Anh đi nghĩa vụ đã hoàn thành mà còn được kết nạp Đảng.

Thời đó phấn đấu vào Đảng còn khó khăn lắm…Và rồi anh chưa được một ngày nào được đứng trong hàng ngũ của người đảng viên. Cả cuộc đời anh chưa hề trao nụ hôn lên môi người con gái, anh nói vậy và tôi tin. Chỉ cần tiếp xúc với mấy cô dân tộc mà anh cứ ấp a ấp úng. Với con gái thì vậy, còn với nhiệm vụ tôi thấy anh cực gan dạ và dũng cảm. Nếu đồng đội nào ở tiểu đoàn 4 năm 82-83 chắc vẫn nhớ và còn được ăn thịt lợn rừng anh đã bắn được, nó nặng hơn một tạ.

Ám ảnh nỗi đau mất chốt

Thằng giặc Trung Quốc tao căm thù mày, tao hận mày, mày đã lần lượt cướp đi từng người, những đồng chí thân yêu nhất của tao: Anh Huynh, anh Mòi, anh Bảy, anh Đoan, anh Hải, anh Quang ngố, Quang trẻ, Tinh, Vinh, Đính, Hải Phiểng, Phung, Thanh, Tuyên, Giang, Vĩnh .v.v. Tôi còn không nhớ tên đến gần chục đồng đội vì là lính mới bổ sung cho B tôi, trong đó có 14 đồng đội mất xác trận 15-5-1984 nữa. Thế đó, các đồng đội hỏi rằng không căm thù mới là lạ…

Anh Huynh anh Mòi anh Bảy và mấy đồng chí cán bộ chủ chốt ra đi cùng với ba anh em chiến sỹ đã hy sinh, đau nhất là mắt mình không nhìn thấy rõ đựơc bao nhiêu thằng Tàu chết, mặc dù chúng tôi ném hàng trăm qủa lựu đạn, bắn đến gần hết đạn vậy mà
mà chỉ nhìn thấy đồng đội mình hy sinh.

Lòng căm thù quân xâm lược cháy bỏng trong lòng tôi, tôi thầm hứa với các anh, tôi sẽ tiêu diệt thật nhiều quân xâm lược để trả thù cho các anh. Các anh ơi, tôi đã làm được, tôi đã tiêu diệt đựơc rất nhiều tên Trung Quốc xâm lược, đã trả được món nợ cho các anh. Tôi đã ở lại cùng anh em giữ vững trận địa được chín ngày. 4 trận sau đó chúng tôi đã bắt quân xâm lược phải đền tội. Mặc dù anh em hy sinh và chúng tôi đã không giữ đựơc chốt, làm mất chốt …

Anh Huynh C trưởng, Anh Mòi C phó đều hy sinh trận đầu. Anh Huymh chuyến về phép cưới vợ, không biết vợ anh có bầu không? Thật tiếc cho các Anh , các anh đủ gan dạ và dũng cảm để chỉ huy anh em chiến đấu nhiều trận tiếp theo. Vậy mà trận đầu các anh đã phải ra đi… Không biết các bạn nghĩ sao? Còn tôi khi đồng đội mình chết, mình chưa bao giờ khóc hoặc chảy nước mắt mà chỉ thấy tức nghẹn trong lòng. Sau này tôi cũng được an ủi một phần, ở C 1 của tôi, 100/100 không có bất kỳ một trường hợp nào đảo ngũ. Lê Xuân Duy sau lên thay B trưởng B tôi, anh cũng trưởng thành lên hàm TƯỚNG từ thực tế chiến trường. ( Lê Xuân Duy sau này là Tư lệnh Quâng khu 2)

Sau này, tôi cũng đi tìm về nhà anh Mòi ở Hoà Bình, gặp chị, chị không khóc nhưng tôi cảm thấy chị không còn hồn. Chị rải chiếu cho chúng tôi ngồi, còn chị ngồi phịch xuống đất không hề nói thêm câu nào. Chị như người mất hồn, nhìn chị thương quá, chị đã chịu bao nỗi khổ cực để ở vậy nuôi con.

Từ ngày chồng mất, chị bị suy sụp ốm đau nhiều, có lẽ chị chỉ còn hơn 30 cân. Nhìn bức ảnh của anh đã úa vàng, tôi vẫn nhớ tiếng hô xung phong của anh vang vọng ở Si Cà Lá. Có lẽ chị đã ít nói rồi từ khi anh mất, chị càng ít nói thêm.

Nhìn ba gian nhà anh làm từ chuyến về phép cùng tôi và anh Huynh vẫn nguyên vậy. Con anh tên Trực, lúc đó cháu mới 3 tuổi, cháu chỉ tưởng tượng ra bố mình. Chị ơi, em biết chị đã khóc chồng hơn 30 năm rồi, nước mắt chị đã cạn khô. Sau những phút bàng hoàng, chị đã định thần lại, chị nói trong nước mắt: Cái nhà này anh làm đợt nghỉ phép. Anh lên rừng lấy gỗ, cây mít kia anh trồng, chị nhớ đến từng gốc cây và những nơi có in dấu tay anh. Anh về phép mà không đựơc nghỉ dù một ngày…

Nhưng chị ơi, chị còn hạnh phúc hơn nhiều người, xác anh đã được đưa về nghĩa trang Vị Xuyên. Ỏ đó đồng đội của anh rất nhiều, còn gần 2000 thi hài đồng của anh. Còn lại hoá đất, đá kia chị ạ. Họ sống có tên có tuổi vậy mà khi chết tên tuổi họ ở đâu? Cũng kiếp con người, sao các anh, chị lại khổ vậy…

Trận đầu của mình là vậy đó các bạn ạ. Còn hàng trăm trận đầu tuy mỗi trận có khác nhau, nhưng có lẽ ta cùng có một cái chung nhất: Đầu tiên rất hồi hộp, trong đầu ai cũng muốn ta phải chiến thắng, vinh quang sẽ thuộc về ta, nhưng khi bị thất bại đồng đội ta hy sinh, ta mới thấy uất hận, căm thù quân xâm lược đã giết đồng đội ta.

Tôi từng tìm cách chết cho nhanh mà không chết được

 

Câu chuyện tôi kể ra đây tôi là nhân vật chính mà cũng là nhân chứng luôn. Nếu các bạn không tin mà có “ném đá”, ném hòn nhỏ thôi nhé, tôi sợ đau lắm. Sau khi mất trận địa vào tay quân thù, bỏ hơn chục xác đồng đội nằm lại, tôi bò lên đỉnh 1030 mong tìm được đồng ở đó nhờ băng bó, để tôi cùng anh em tiếp tục chiến đấu.

Bò gần lên đến đỉnh, nghe thấy có tiếng người, tôi mừng quá nhỏm dậy định gọi đồng đội xuống đưa tôi lên. Ôi thôi, toàn mũ sắt lố nhố, chúng cách chừng tôi chỉ 7-8 m. Tôi tuyệt vọng thực sự, mình phải làm gì đây bây giờ. Vũ khí duy nhất là một quả lựu đạn và một băng đạn bắn dở. Chỉ cần ho hoặc tạo ra tiếng động nhỏ là chúng phát hiện ra ngay. Tôi thấy sợ thực sự, nó mà không bắn mình, nó bắt sống thì …

Trong đầu tôi lúc này nghĩ ra mấy phương án: Một là bắn nhau với chúng hết đạn, còn quả lựu đạn tôi sẽ cùng chết với chúng. Nhưng lại sợ lựu đạn xịt thì sao? Cái sợ nhất của tôi là bị chúng bắt sống! Thôi thì ăn chắc nhất là tự sát cho nhanh và tôi bắt đầu. Con vĩnh biệt bố mẹ, con có tội với bố mẹ, chị Chội ơi, em đi với chị đây. (Chị Chội là chị gái tôi liệt sỹ chống Mỹ). Đến vợ thì tôi nghĩ không ra tên. Vĩnh biệt em!

Tôi ngậm nòng súng vào miệng, chân tôi đạp cò và tôi đã chết lâm sàng. Khi tỉnh dậy tôi vẫn nhớ, tôi tự tử sao mà vẫn còn sống thế này. Tôi định lên quy lát để tiếp tục tự tử tiếp. Tôi thấy người tỉnh táo nhổm dậy nhìn thì không thấy mấy thằng mũ sắt đâu.

Thôi mình cứ bò về nếu chúng biết thì tính và thế là tôi bò theo khe núi, chúng không phát hiện ra. Ngồi nghỉ kiểm tra súng, vẫn còn đạn lạ nhỉ tôi bắn hàng chục băng đạn mà không có viên nào thối, sao viên để kết thúc đời mình nó lại thối thế này? Lúc này tôi mới xé quần áo ra để tự băng cho mình mà không thể xé nổi. Tôi lấy lê AK chọc cũng không được. Đành buộc cả quần, áo vào đầu vào chân.

Máu ra nhiều người mệt lử mắt hoa lên, không thể bò thêm được nữa rồi mình sẽ chết ở đây, thấy tiếc lúc nãy mình cứ bắn chúng cũng diệt thêm vài thằng. Nó gần mình lắm mà, sau khi bắn hết đạn thì cứ đứng dậy, thể nào mà chả có viên trúng mình. Mà sao tự tử cũng không chết vậy? Khát nước quá, tôi vơ nắm lá chua nhét vào miệng. Ôi tôi thấy thèm quá, giá như lúc này có một đồng đội của tôi ở đó, để tôi ngả vào lòng đồng đội mình rồi ra đi. Đồng đội sẽ vuốt mắt cho tôi…Tôi cố bò lại chỗ gốc cây để nằm lại, chỗ tôi chết ở đây đây.Tay tôi ôm cây súng AK thật chặt vào lòng. Tôi lịm đi rồi tôi lại tỉnh, tôi vẫn chưa chết. Theo bản năng, tôi tiếp tục bò xuôi, lê theo khẩu AK. Lúc đó, tôi cảm tưởng khẩu AK nặng hàng tạ, vừa rê súng vừa bò về sâu trong đất mẹ vậy. Lúc nào không bò được nữa thì tôi coi đó là nhà của tôi.

Ô kia có trận địa, kệ của ta hay Tàu tôi cũng cố bò lên, đằng nào cũng chết mà tôi còn sức đâu mà bò xa được nữa. Chút sức lực còn lại cuối cùng của tôi, tôi cố bò lên khẩu AK, cầm chắc để nhả đạn. Bò lên bám được vào chiến hào thì tôi thấy khẩu AK và mũ cát. À quân mình, mấy đồng chí lao lại gọi  C 1 đó à? Ôi anh Hàm, bọn em chủ quan gài mìn, lựu đạn mới bỏ mặc vậy? Mà sao anh bò qua nó không nổ thế nhỉ?

Tôi đã lịm đi trong vòng tay của đồng đội mình như vậy đó …Cái áo đầy máu theo tôi ra đến thị xã Hà Giang. Nhờ đồng chí Hạc là lính B tôi hồi huấn luyện giặt, rồi chuyển viện. Chắc đồng chí ấy vứt bỏ. Sau này quay lại đơn vị, tôi mới biết đó là Trung đội anh Bốn B trưởng, lên để tiếp viện cho trung đội tôi, nhưng lên đến nơi thì 1030 đã bị mất, không còn đường lên nên về đó để phòng ngự .

Có đồng đội nào ở C2 hay C3 mà anh Bốn B trưởng chắc còn nhớ lúc tôi bò lên ở đó. Chúng ta những CCB mặt trận Vị Xuyên, ai cũng có những kỷ niệm riêng gắn cả cuộc đời người lính chiến. Mỗi người tuy khác nhau, nhưng chúng ta đã chiến đấu, tất cả vì biên giới thân yêu của Tổ quốc Việt Nam của chúng ta…

Còn tiếp

Còn một người còn đánh giặc

(*) Rút từ trong bộ Vị Xuyên& thế sự Việt Trung – Sưu tập Phạm Viết Đào trọn bộ 5 tập trên 3000 trang)


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Cuộc Chiến Tranh Biên Giới – 1979

Phan Thanh Hung

VNTB – Vị Xuyên& thế sự Việt Trung (kỳ 10): Trận 12/7/1984

Do Van Tien

VNTB – Biên giới tháng 2: ngạo nghễ Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo