Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiếp tục loay hoay về chính sách cho TP.HCM

Hàn Lam

 

(VNTB) – Các đồng chí ở TP.HCM hãy cứ mạnh dạn làm, Trung ương ủng hộ các đồng chí…

 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng kỳ vọng các chính sách đột phá dành cho TP.HCM sắp tới sẽ có nội dung thực chất để thực hiện, chứ không phải là văn bản mang tính tư tưởng chính trị, động viên.

Như vậy xác nhận cần nhấn mạnh mà không sợ bị chụp mũ về chính trị, đó là ngay cả cái gọi là “chính sách đột phá” mà còn “mang tính tính tư tưởng chính trị, động viên”, thì nói chi đến các chính sách thông thường khác, tức là “không đột phá”.

Ngày 16-1-2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM.

Không rõ các văn bản cụ thể nào được ông Võ Văn Thưởng cho rằng “mang tính tư tưởng chính trị, động viên”, lần này, ông Thưởng rất tự tin đưa ra nhận định là “Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị lần này nhấn mạnh việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững”.

Trên cương vị Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng đề nghị Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển của TP.HCM. Theo đó, hai nội dung cần quan tâm là sớm ban hành văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM và xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP.HCM làm thí điểm chủ trương này.

“Trong quản trị hiện đại hay nói về thử nghiệm có kiểm soát chính sách vượt trội để phát triển, TP.HCM là đầu tàu mà còn đi xin chính sách đặc thù nữa thì nghe không hay bằng thí điểm cơ chế chính sách vượt trội”, ông Thưởng đánh giá và cho biết Bộ chính trị đã đồng ý chủ trương này.

Tuy nhiên ông Võ Văn Thưởng lại không nói rõ thế nào là “vượt trội” để cần đến “cơ chế chính sách”, bởi dù là thế nào đi nữa thì quyền quyết định tối cao trong mọi lãnh vực mà ông Thưởng gọi là “quản trị hiện đại”, thì ở tại Việt Nam không hề giống như nước ngoài.

Với thể chế chính trị Việt Nam, cho dù là “vượt trội” đến đâu về “cơ chế chính sách” đi nữa thì đều tùy thuộc vào quyết định của Bí thư Tỉnh ủy/ Thành ủy. Và ông, bà bí thư này lại phải chịu “sự quản lý toàn diện” của Tổng bí thư đảng. Liệu cụm từ “Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương này” sẽ được hiểu ra sao khi mà ngay cả ông Thường trực Ban bí thư cũng cho rằng lâu nay trong chính sách đang có những “văn bản mang tính tư tưởng chính trị, động viên”?

Một bài toán về quản trị đặt ra đã hai năm đi qua vẫn chưa thấy “cơ chế chính sách vượt trội” nào được “vận dụng”, đó là có hay không việc tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh?

Bàn luận về vấn đề này trong một ‘hội luận bỏ túi’ của nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo vào chiều 25 Tết, có ý kiến rằng dưới góc độ pháp lý, có thể định nghĩa một cách khái quát nhất về “sandbox thể chế” cho thành phố Thủ Đức, như sau: Sandbox là một thuật ngữ của ngành tài chính, tạo ra một không gian thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng nằm ngoài hoặc vượt khung pháp lý hiện tại để tiến hành thử nghiệm những khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới.

Theo đó, “regulatory sandbox – khung pháp lý thí điểm” là một cách tiếp cận mới và khá linh hoạt trong kỹ thuật lập pháp, cho phép thử nghiệm trực tiếp, giới hạn thời gian của các đổi mới dưới sự giám sát điều chỉnh.

Như vậy có thể chọn thành phố Thủ Đức để thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới, theo hướng “sandbox thể chế” về chính quyền đô thị, chứ không chỉ là thí điểm một vài chính sách nhỏ lẻ. Việc tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức đứng trước bài toán tính thống nhất của pháp luật áp dụng chung cho cả nước với đòi hỏi thực tiễn, mà nếu giữ nguyên như hiện nay thì địa phương này khó phát triển như kỳ vọng, thậm chí đối diện nguy cơ thụt lùi do bộ máy, nhân sự phải cắt giảm còn khối lượng công việc, hồ sơ thì tăng lên.

Tính đến hiện tại thì ngay cả Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, với những phát biểu của ông tại hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 ngày 31-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM, cho thấy vẫn dừng lại của cách “động viên về tư tưởng chính trị” – tức kiểu: Các đồng chí ở TP.HCM hãy cứ mạnh dạn làm, Trung ương ủng hộ các đồng chí…


Tin bài liên quan:

VNTB – Giá vàng được dự báo tăng tiếp

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Sài Gòn ngày 1-10: Tìm lại niềm tin

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc phá giá nhân dân tệ ảnh hưởng láng giềng Việt Nam ra sao?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo