Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giá bán lẻ điện lại tăng: nghèo gặp cái eo

Tử Long

 

(VNTB) – Giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm từ 220 – 537 đồng/kWh

 

Việc điều chỉnh khung giá phát điện là một trong những căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân trong thời gian sắp tới.

Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân đang là 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là mức giá được áp dụng kể từ lần điều chỉnh cách đây gần bốn năm, vào hồi tháng 3-2019.

Giá điện bán lẻ còn tăng dài dài?

Ngay ngày kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khả năng cho thấy chuyện tăng giá điện bán lẻ trong tương lai sẽ thường xuyên hơn.

Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được tính như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

“Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” – trích Điều 3.1, Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg.

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3-2-2023, thay thế cho quyết định 34/2017 của Thủ tướng cho giai đoạn 2016 – 2020 (với mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh).

Theo quy định, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức trần và mức sàn được Chính phủ quy định cho một giai đoạn nhất định. Do đó, việc ban hành khung giá không đồng nghĩa với việc tăng ngay giá bán lẻ điện.

Sức ép đưa lượng phát thải về bằng 0 có thật hay không?

Bàn luận về chuyện giá điện, có ý kiến cho rằng Việt Nam đang chịu sức ép khá lớn khi nhắm đến mục tiêu đưa lượng phát thải về 0 vào năm 2050. Muốn đạt được điều đó thì phải có sự đầu tư rất lớn về hạ tầng năng lượng, trong đó có hạ tầng điện, đường dây truyền tải…

Và về nguyên tắc nếu muốn tăng đầu tư thì phải thu hút các nhà đầu tư bằng một mức giá điện hấp dẫn, hợp lý. Thậm chí có nhà đầu tư trông chờ vào cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ) trong một thời gian nhất định để yên tâm đầu tư.

Theo luồng ý kiến trên, điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù và cần vốn đầu tư lớn, trong khoảng thời gian rất dài. Có những dự án mà khối tư nhân không mặn mà, thì chính các doanh nghiệp như EVN phải trực tiếp triển khai. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp quá lâu như vậy lại tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc mất uy tín về mặt tài chính. EVN sẽ khó huy động được vốn để triển khai các dự án năng lượng lớn.

Khi doanh nghiệp nhà nước khó triển khai các dự án lớn, còn doanh nghiệp tư nhân không mặn mà do không có nhiều lợi ích để phát triển nguồn thì ngành điện sẽ chịu những khó khăn dồn nén. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai, dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng.

Bộ Công thương chèn ép giá mua điện của tư nhân?

Theo một đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre, trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Việt Nam xác định, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là yếu tố trụ cột tạo nền móng cho cho tăng trưởng xanh và sự phát triển bền vững. Tuy vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở trong trạng thái “lỗ chồng lỗ” thì rất khó cho ngành năng lượng này phát triển lâu dài tại Việt Nam.

“Quan điểm của các nhà đầu tư là cần đã đưa ra mức giá cho phù hợp, ít nhất là phải cứu được các nhà đầu tư nhà máy đã hoàn thành tại Việt Nam. Song, với mức giá mới mà Bộ Công thương công bố, các nhà đầu tư không thể hòa vốn được lợi nhuận và khó có thể phát triển được tiếp”, vị đại diện Cộng đồng Năng lượng tái tạo Bến Tre đánh giá.

Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp vừa được Bộ Công thương đưa ra như sau:

Với quy định trên thì các nhà máy điện mặt trời, điện gió đang đầu tư dở dang mà chưa kịp hoà lưới điện sẽ tiến hành đàm phán với EVN theo khung giá này để chốt được việc mua bán điện, vốn đã dở dang từ 1-11-2021 với các dự án điện gió và từ 1-1-2021 với các dự án điện mặt trời.

Trước mắt là khó lại chồng khó

Trong một diễn biến liên quan, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), chia sẻ với báo chí rằng trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng mạnh, chi phí xăng dầu, vận chuyển… ở mức cao đã khiến doanh nghiệp không có lãi, thì việc giá điện sắp tới được điều chỉnh tăng càng khiến người sản xuất trở nên khốn khó hơn.

Ông Việt ước tính trung bình, mỗi tháng một nhà máy của VitaJean tiêu tốn khoảng 600 – 1 tỷ đồng tiền điện, giá điện tăng lên bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp phải trả thêm từng đấy.

Trong khi đó, thị trường đầu ra hiện nay rất khó khăn bởi lạm phát tăng mạnh, hàng tồn kho ở thị trường Mỹ, EU rất lớn đang khiến doanh nghiệp phải giảm công suất xuống 80%, công nhân nghỉ việc luân phiên…


Tin bài liên quan:

VNTB – Khi nào thì xe tay ga sẽ bị… chập điện?

Do Van Tien

VNTB – Vụ trang phục biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng bị đe dọa chính trị hóa

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Môi trường làm ăn đang sực nức mùi thuốc súng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo