Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cựu tướng công an Đỗ Hữu Ca bị “bắt khẩn cấp” hay “tạm giữ hình sự”?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án hình sự.

 

Cổng thông tin điện tử Bộ Công an ngày 19-2-2023 phát bản tin có toàn văn như sau:

“Mở rộng điều tra vụ án hình sự “Trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, xảy ra tại Quảng Ninh và Hải Phòng, ngày 18/2/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố tiến hành tố tụng đối với các đối tượng có liên quan.

Cơ quan An ninh điều tra đang tạm giữ ông Đỗ Hữu Ca, Nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng để xác minh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ án nêu trên.

Hiện các cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành công tác điều tra tố tụng theo trình tự quy định của pháp luật”.

Trước đó, bản tin trưa của báo Người Lao Động cho biết “Nguyên giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp”. Theo bài báo này thì, “nguồn tin riêng của báo Người Lao Động cho biết chiều tối 18-2, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an TP Hải Phòng, để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cùng với lệnh bắt giữ, lực lượng chức năng cũng đã tổ chức khám xét 2 nơi ở của ông Đỗ Hữu Ca tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên và ngôi biệt thự ở Khu đô thị Ngã năm sân bay Cát Bi (phường Đằng Lâm, quận Hải An), thuộc TP Hải Phòng”.

Vậy thì ông Đỗ Hữu Ca hiện đang “bị tạm giữ” hay đã “bị bắt khẩn cấp”?

Trong bản tin trên báo Người Lao Động, cụm từ “ông Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp” được lặp đi, lặp lại ở đoạn mở đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của bài viết. Một chi tiết khác đáng chú ý, báo Người Lao Động viết ở đoạn kết bài là “ông Đỗ Hữu Ca bị bắt khẩn cấp do có liên quan đến việc nhận tiền “chạy án” nhưng bất thành”.

Tại Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn, có các nội dung như sau:

Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Các trường hợp bắt người gồm: Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Bắt người phạm tội quả tang; Bắt người đang bị truy nã; Bắt bị can, bị cáo để tạm giam; Bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Như vậy, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là một trong những biện pháp ngăn chặn.

Tại khoản 1 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp sau đây thì được giữ người: (1) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

(2) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

(3) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Còn “tạm giữ” là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, …

Theo Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về biện pháp tạm giữ như sau:

“Điều 117. Tạm giữ

1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã.

2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ.

Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ, ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm giữ.

3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.

4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ”.

Như vậy, căn cứ để tạm giữ người sẽ dựa trên quyết định truy nã hay trong trường hợp người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Lưu ý, căn cứ theo Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời hạn tạm giữ cụ thể như sau:

“Điều 118. Thời hạn tạm giữ

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam”.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao lại trưng cầu giám định tâm thần đối với người bị buộc tội?

Phan Thanh Hung

VNTB – “Suy đoán vô tội” và sự bình đẳng chính trị công dân

Do Van Tien

VNTB – Thực thi pháp luật thay cho cho kêu gọi đạo đức đảng viên

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo