Hoài Nguyễn
(VNTB) – Nếu ai đó đủ dũng khí để đăng đàn chửi đảng công khai, ngoài chuyện “chim mồi”, thì chỉ có thể là bệnh thần kinh, hoang tưởng…
Trong một livestream bà Nguyễn Phương Hằng khi ấy là Tổng giám đốc một công ty cổ phần đình đám ở tỉnh Bình Dương đã chỉ trích đương kim Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi lúc ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre:
“Trả lời cho tôi đi ông Phan Văn Mãi. Ông đối với vợ chồng tôi như vậy thì ông tốt với nhân dân chỗ nào. Quê hương ông còn đó. Người dân còn chứng kiến bao nhiêu điều ở đó, hơi ấm chúng tôi còn đó, ông phủi sạch.
Vậy thì khi ông lên ông điều hành đất nước này thì có phải là một sai lầm không? Đây là cách mà tôi đánh động cho Trung ương để nhìn nhận về một nhân cách, một con người có trái tim hay không?
Tôi là một người phụ nữ, tôi cũng chưa bao giờ xử sự như ông, chứ đừng nói chi một người như ông, quê hương ông, những lúc ông cần ông đối đãi với chúng tôi như thế nào.
Bây giờ ông phủi sạch và ông quên hết rồi bởi vì ông nghĩ rằng là ông quá to rồi. Nếu tôi không nói ra, Trung ương mà chọn ông vào những cái vị trí lãnh đạo cao cấp nhất thì thua luôn. Đây là một minh chứng đây…”.
Bà Nguyễn Phương Hằng khi livestream các nội dung trên, liệu bà có đang tỉnh táo, hay bà đang trong tình trạng bị ai đó kích động?
Diễn biến suốt thời gian dài của chuyện bà Nguyễn Phương Hằng liên tục lên mạng xã hội để tố cáo, chỉ trích nhiều văn nghệ sĩ, và sau đó là chính khách như ủy viên trung ương đảng Phan Văn Mãi trong các kịch bản được soạn thảo và chuẩn bị với một ê-kíp truyền thông và sự tham gia của khách mời, cho thấy khó thể nói việc “lên đồng” của bà Nguyễn Phương Hằng là hành vi của một người bệnh tâm thần, vì thực tế những khoản tiền không nhỏ đã xuất chi cho thù lao của những việc làm trên.
Thế nhưng hiểu theo chiều ngược lại thì những lúc đó bà Nguyễn Phương Hằng có tâm trí không được bình thường, đặc biệt là đỉnh điểm lúc bà “réo chửi” luôn ông Phan Văn Mãi khi ông này đang là chủ tịch UBND TP.HCM.
Bởi nếu bà Nguyễn Phương Hằng không có dấu hiệu của một người điên, thế thì cần giải thích sao đây khi nhà báo tự do Phạm Đoan Trang chỉ viết sách giải thích các khái niệm luật pháp về dân chủ nhân quyền, nhà báo Trương Châu Hữu Danh và đồng nghiệp chỉ đăng bài viết có đủ chứng cứ sai phạm đất đai ở Cần Thơ và một số nơi, mà phải ngồi tù với án nặng.
Nhiều người khác chỉ hắt hơi, than thở về tiêu cực của quan chức cấp huyện ở tỉnh lẻ đã phải ra tòa lãnh án, thế nhưng bà chủ khu du lịch Đại Nam lại có thể mắng té tát, thô tục nhiều người ngày này qua tháng khác vẫn sống vô tư…
Hiện tại thì Bộ luật hình sự không quy định năng lực trách nhiệm hình sự của một cá nhân, mà chỉ quy định tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Từ khái niệm về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân, người ta có thể đưa ra khái niệm khái quát về năng lực trách nhiệm hình sự của cá nhân như sau: Năng lực trách nhiệm hình sự là khả năng của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và điều khiển được hành vi ấy.
Nếu một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong tình trạng mất khả nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển được hành vi thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, dấu hiệu để xác định một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển).
Việc mất khả năng nhận thức có thể hiểu là người đó không ý thức được hành vi của mình và mức độ nguy hiểm hành vi của mình có thể gây ra. Trường hợp mất khả năng điều khiển hành vi nghĩa là người đó vẫn có khả năng nhận thức được mức độ nguy hiểm do hành vi mình gây ra, tuy nhiên không có khả năng điều khiển được hành vi của mình.
Hai dấu hiệu trên phải có mối quan hệ chặt chẽ, quan hệ nhân quả của nhau: Một người vì mắc bệnh nên họ bị mất khả năng điều khiển và người đó bị mất khả năng điều khiển do họ mắc bệnh.
Liệu bà Nguyễn Phương Hằng có phải là mang dấu hiệu của bệnh nhân tâm thần ở suốt thời gian mà bà bị cú sốc liên quan tình – tiền với một lương y; và những kịch bản tiếp theo là dàn dựng phục vụ cho ý đồ nào đó mà người ta được quyền ngờ vực về bàn tay đạo diễn từ phía nhà chức trách?
***
Ngày 21-2-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tiếp nhận đơn đề nghị và đơn xin cứu xét của ông Nguyễn Quang Tuấn – con trai bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo đó, ông Tuấn cho biết kể từ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam đến nay, ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Phương Hằng) nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan tố tụng trưng cầu giám định tâm thần đối với bà Hằng, với lý do đây là tình tiết để bảo lãnh và giảm nhẹ cho bị can.
Ông Tuấn cho biết không đồng ý với việc làm của ông Huỳnh Uy Dũng và cho rằng sức khỏe, tinh thần của mẹ mình hoàn toàn bình thường.
Trong đơn, ông Tuấn nói trước khi bị bắt, bà Hằng có uống thuốc để điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh rối loạn lipid, u xơ tử cung, rối loạn lo âu. Trong đó bệnh rối loạn lo âu là một trong những bệnh lý về thần kinh nhưng không phải là loại bệnh lý làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của bà Hằng.
Việc uống thuốc điều trị rối loạn lo âu theo toa của bác sĩ không phải căn cứ để giám định tình trạng tâm thần đối với bà Hằng, mà cần phải đánh giá quá trình bà Hằng làm việc với cơ quan điều tra qua các buổi hỏi cung, làm việc có được tỉnh táo, bình thường hay không.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, hậu quả của việc giám định tâm thần không chỉ dừng ở việc đánh giá có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không, mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề khác về quan hệ pháp luật hôn nhân gia đình, quan hệ pháp luật dân sự về quyền sở hữu tài sản, quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp quy định trong pháp luật về kinh doanh.
“Vì vậy, tôi nghi ngờ việc yêu cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi (có lẽ) không phải nhằm bảo lãnh và thu thập tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ, mà có thể nhằm thực hiện âm mưu muốn kiểm soát, định đoạt toàn bộ đối với quyền tài sản, quyền quản lý phần vốn góp trong các doanh nghiệp của mẹ tôi.
Việc này nếu diễn ra sẽ rất bất lợi cho mẹ tôi vì hiện tại mẹ tôi đang bị tạm giam, bị cách ly không được liên lạc với người thân, không được quyền kiểm soát đối với tài sản, vốn góp doanh nghiệp của mình”, ông Tuấn trình bày.
“Tôi được biết thông tin ông Huỳnh Uy Dũng lại lấy lý do để bảo lãnh và muốn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mẹ tôi để tiếp tục yêu cầu giám định tâm thần đối với mẹ tôi.
Để không phát sinh những hậu quả phức tạp về vấn đề tài sản, quan hệ hôn nhân gia đình đối với mẹ tôi, tôi trình bày ý kiến đề nghị không chấp nhận bất cứ yêu cầu của ai về việc giám định tâm thần đối với mẹ tôi là bị can Nguyễn Phương Hằng”, ông Tuấn nêu trong đơn.