Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hà Nội vẫn chơi trò đu dây

Anh Văn

(VNTB) – Hà Nội vẫn chơi trò đu dây, theo đúng phong cách đa phương hóa mối quan hệ quốc tế của mình.

   Việt Nam: Cả học sinh nghèo lẫn giới chóp bu đều phải đu dây

Nhưng liệu Hà Nội liệu có thể an tâm? 

Trong bài phát biểu cuối cùng ở Việt Nam với cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào ngày 13/01, ông John Kerry cam kết, mối quan hệ Việt – Mỹ sẽ không phụ thuộc vào cá nhân tổng thống nào. Điều này xuất phát từ những lo ngại từ các nước đối với chính quyền Donald Trump, trong đó có Việt Nam.

Chính sách đối ngoại của Việt Nam có điều đặc biệt – xuất phát từ cuộc chiến tranh 20 năm, đó là chính sách “đu dây”. Hà Nội dường như tận dụng mọi yếu tố nguồn lợi từ những nước đang quan hệ để làm lợi cho mình. Hiện nay, Việt Nam cũng đang duy trì chính sách nêu trên được miêu tả qua câu nói rất ngoại giao: “thêm bạn, bớt thù”.

Gần đây, Việt Nam có thể thay đổi chiến lược trong mối quan hệ thương mại – an ninh sau sự nổi lên của các chính trị gia không thể đoán trước tại  Mỹ và Philippines, theo Bloomberg.

Trong một động thái mang tính rà soát đầy cẩn thận, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm 4 ngày đến Trung Quốc (cũng là đối tác thương mại lớn của Việt Nam) trước khi Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong cuộc họp báo hôm thứ Năm nhấn mạnh mối quan hệ Trung – Việt “vừa là đồng chí, vừa và anh em”. Và Bắc Kinh luôn đặt mối quan hệ lâu dài với Việt Nam, và hy vọng rằng hai nước sẽ mở rộng hợp tác và kiểm soát các vấn đề còn tranh chấp, theo Tân Hoa Xã. Ông Tập Cận Bình cũng đề xuất mở rộng hợp tác quân sự – an ninh, và phối hợp trong các vấn đề toàn cầu.

Mối quan hệ Trung – Việt chịu tác động khá lớn từ tuyên bố xóa bỏ TPP của Tân Tổng thống Donald Trump, trong đó Việt Nam được coi là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.
Trong khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte – một “đồng minh” trong cuộc chiến pháp lý về đường lưỡi bò với Hà Nội trước đó lại đang di chuyển mối quan hệ về phía Trung Quốc. Manila hạ bớt vai trò của mình trong giải quyết vấn đề Biển Đông, tìm kiếm đàm phán tranh chấp song phương thay vì đa phương và đánh giá thấp phán quyết của tòa án quốc tế vào tháng Bảy, bác bỏ yêu sách 80% lãnh thổ của Trung Quốc.

Sự lo lắng về những thay đổi chính trị ở châu Âu, Mỹ và Philippines sẽ tác động đến chính sách ngoại giao là có cơ sở. Ông Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Khu vực và Chính sách đối ngoại (Học viện Ngoại giao Việt Nam) cho biết, thế giới thay đổi nhanh đến mức không thể đoán được.

“Chúng tôi phải phản ứng rất cẩn thận.”, ông Thái chia sẻ với Bloomberg.

Chuyến thăm 4 ngày của ông Tổng bí thư có thể nằm trong những phản ứng cẩn thận đó. Nối tiếp chuyến thăm 6 ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Trung Quốc vào tháng Chín trước đó.

Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc từng loan báo chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở ra “một kỷ nguyên mới của mối quan hệ song phương.” Thì với chuyến đi gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam cũng sử dụng ngôn ngữ tương tự để đề cập, nó cho thấy, Hà Nội muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc và tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định quan hệ Việt – Trung.


Nhưng Hà Nội vẫn hướng Mỹ

Quan hệ giữa Việt – Trung hiện nay vẫn còn vướng di sản cuộc chiến tranh và sự ngờ vực về mức độ chân thành trong giải quyết vấn đề lãnh thổ. Nhất là trong năm 2014, khi Trung Quốc di chuyển một giàn khoan dầu sâu vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Sự căng thẳng trên mức độ lợi ích quốc gia giữa hai nước Trung – Việt không thể dễ dàng hòa giải, như về vấn đề hàng hải và thương mại “, Zhang Mingliang, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Tế Nam ở Quảng Châu cho biết.

“Tuy nhiên, tại thời điểm này, sự không chắc chắn về địa chính trị, sẽ khiến cả hai tìm kiếm sự ổn định trong khuôn khổ song phương.”

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một cựu đại sứ của Việt Nam tại EU và Bỉ từ năm 2000 và 2003, và cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, cho biết hiện nay sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng mối quan hệ với chính quyền mới ở Mỹ và bà không “nghĩ rằng Việt Nam tiến về phía Trung Quốc nếu TPP thất bại”.

“Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định tự do thương mại”, bà Ninh cho biết.

“Và là một thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó Trung Quốc là một thành viên. Việt Nam cũng đã đẩy mạnh quan hệ thương mại với Nga và châu Âu. “

Về an ninh hàng hải, trong khi Duterte lạnh nhạt với mối quan hệ đồng minh Mỹ, thì Việt Nam tìm cách quan hệ tốt hơn với Washington dưới chính sách xoay trục châu Á của chính quyền Obama. Cả hai nước đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân và hai tàu chiến của Mỹ đã đến thăm Vịnh Cam Ranh lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.

Việt Nam cũng mở rộng mối quan hệ với Nhật Bản – một nước có tình trạng căng thẳng lãnh thổ với Bắc Kinh. Bản thân Thủ tướng Abe cũng xem xét tăng cường quan hệ với Việt Nam, bao gồm hợp tác ở Biển Đông qua nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển trong khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã bắt đầu chuyến thăm các nước Á châu, trong đó có Việt Nam kể từ năm 2013.

“Chúng tôi mong đợi một vai trò lớn hơn từ Nhật Bản về an ninh và quốc phòng”, ông Thái cho biết.

Đối với TPP, Nhật Bản cũng dự định sẽ tìm cách thuyết phục Trump về giá trị của TPP.

Dù đánh giá tình hình khó đoán và cục diện “trò chơi đang thay đổi.” Nhưng, ông Thái cũng khẳng định, Việt Nam không nghĩ “lợi ích quốc gia của Mỹ ở châu Á sẽ thay đổi,” ông Thái cho hay.

Như vậy, Hà Nội vẫn chơi trò đu dây, theo đúng phong cách đa phương hóa mối quan hệ quốc tế của mình. Ngoại giao Việt Nam sẽ “nhất quán” theo quy tắc như vậy, như Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc chia sẻ với báo giới về quan hệ Việt – Mỹ. Chính vì vậy mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải đến Hà Nội hôm thứ Sáu và trấn an về mối quan hệ Việt – Mỹ, bao hàm cả TPP. 

Tin bài liên quan:

VNTB – Miếng ngon Hà Nội: không là chính trị thì là gì?

Phan Thanh Hung

VNTB- BRT: bản chất là tạo bất bình đẳng giữa hai loại hình giao thông

Phan Thanh Hung

VNTB- Lên đường nhập ngũ: ‘tình nguyện’ và ‘cơ cấu’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo