Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tổng thống Putin sẽ ‘vô sự’ khi đến Việt Nam

Cát Tường

 

(VNTB) – Tòa án Hình sự quốc tế đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin về xung đột ở Ukraine.

 

Putin bị cáo buộc gây tội ác với trẻ em

Trong lệnh bắt ngày 17-3-2023, Tòa hình sự quốc tế (ICC) cho biết họ nghi ngờ ông Putin đã trục xuất bất hợp pháp trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga. ICC cũng ban hành lệnh truy nã đối với bà Maria Lvova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, với cùng tội danh.

“Đúng vậy”, công tố viên ICC Karim Khan nói với Hãng tin AFP khi được hỏi liệu ông Putin có bị bắt giữ nếu ông đặt chân đến bất kỳ quốc gia nào trong số 123 nước thành viên ICC. Công tố viên ICC Karim Khan đã mở cuộc điều tra ở Ukraine cách đây một năm. Ông nhấn mạnh trong bốn chuyến đi tới Ukraine rằng ông đang xem xét các cáo buộc tội ác đối với trẻ em và việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Tuy nhiên ông Putin sẽ hoàn toàn ‘vô sự’ khi đến Việt Nam để nghỉ dưỡng sau thời gian hơn năm trời đã mệt mỏi trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Lý do rất đơn giản: cho đến nay Việt Nam vẫn chưa tham gia Quy chế Rome về Toà án hình sự quốc tế (tên tiếng Anh: International Criminal Court, tiếng Pháp: Cour pénale internationale; thường được gọi là các ICC hoặc ICCt).

Việt Nam chưa tham gia Quy chế Rome về ICC được giải thích là “ICC chưa phải là vấn đề cấp bách, vì Việt Nam đang có một nền hoà bình và ổn định, hơn nữa ICC không liên quan đến những lợi ích kinh tế trước mắt dễ nhận thấy nên chưa cần thiết phải nghiên cứu, gia nhập Quy chế Rome”.

Địa vị chính trị quyết định tố tụng

Bàn luận quanh vấn đề này, có ý kiến cho rằng sở dĩ Việt Nam chưa thuận Quy chế Rome, vì có sự khác biệt đáng kể trong tố tụng. Theo đó, về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Điều 27 Quy chế Rome giải thích, việc tiến hành các hành vi tố tụng áp dụng đối với tất cả cá nhân bị coi là phạm tội mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử về địa vị pháp lý, kể cả các cá nhân được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự, cùng với Luật Tổ chức hội đồng nhân dân, và Luật Tổ chức Quốc hội của Việt Nam lại có khác biệt. Cụ thể, đối với đại biểu Quốc hội, “không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội”; đối với đại biểu hội đồng nhân dân, “trong thời gian hội đồng nhân dân họp, nếu không được sự đồng ý của chủ toạ kỳ họp thì không được bắt giữ đại biểu hội đồng nhân dân”.

Quyền con người vẫn là… ước vọng (!?)

Về bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự, Quy chế Rome quy định quyền im lặng của bị can, bị cáo, người bị tình nghi khi bị thẩm vấn, hỏi cung. Nghĩa là, họ có quyền không bắt buộc phải khai báo và sự im lặng của họ không được xem xét theo hướng bất lợi cho họ khi kết tội sau này tại phiên toà.

Nếu các quy định trên bị vi phạm, ICC hoàn toàn có quyền không chấp nhận các chứng cứ thu thập được từ việc vi phạm. Không những thế, để tránh tình trạng lạm dụng quyền lực cũng như để bảo vệ quyền con người, gần như tất cả các biện pháp điều tra, cưỡng chế (bắt, triệu tập…) đều phải có sự phê chuẩn của Hội đồng tiền xét xử ICC trên cơ sở đề nghị của công tố viên.

Nhưng, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam mới đang nghiên cứu xây dựng chế định này.

Theo một cuộc điều tra mới do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, Nga đã phạm “một loạt tội ác chiến tranh”, và có thể là tội ác chống lại nhân loại ở Ukraine, theo báo cáo nhân quyền của Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Ukraine cho hay.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nga xâm lược Ukraine: Trung Quốc “dạy Việt Nam bài học” phiên bản 2022

Do Van Tien

VNTB – Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không cho tàu chiến quá cảnh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tổng thống Putin muốn ‘đóng băng’ chiến sự ở Ukraine?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.