Việt Nam Thời Báo

VNTB – Thí điểm quản lý tiền công đức: nhà chùa chia nhà nước 4%

Trần Quí Thường

 

(VNTB) – Thương mại hóa các hoạt động tâm linh vừa giúp tăng ngân sách nhà nước, vừa làm giàu cho cán bộ tha hoá.



Theo UBND TP. Uông Bí (Quảng Ninh), hàng năm địa phương này được trích lại 4% số tiền công đức tại Khu danh thắng Yên Tử. Trung bình mỗi năm số tiền công đức tại chùa Yên Tử vào khoảng 30 tỉ đồng. Và, với 4% được trích lại, thì mỗi năm, cơ quan nhà nước sẽ nhận được khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.

Khi tâm linh được thương mại hoá trở thành nền công nghiệp siêu lợi nhuận

Tại Việt Nam hiện có 18.491 ngôi chùa và hàng chục nghìn ngôi đền, đình, miếu. Mỗi năm có khoảng 9.000 lễ hội diễn ra trên khắp cả nước, như vậy trung bình mỗi ngày trên dãy đất hình chữ S có tới 30 lễ hội. Số tiền mà hàng chục triệu tín đồ mộ đạo, du khách thập phương cúng dường lên tới hàng chục ngàn tỷ.

Ảnh: Thích Trúc Thái Minh (trụ trì chùa Ba Vàng) thu tiền cúng dường của người dân

 

Ước tính, những ngôi chùa lớn có thể thu được hàng trăm tỷ đồng mỗi mùa lễ, chùa nhỏ thì cũng thu vài chục tỷ mỗi năm. Ví dụ, tại lễ hội chùa Hương năm 2018, đã đón tổng số khoảng 1.440.000 lượt khách, số tiền thu được là 112 tỷ đồng. Với số tiền cúng dường khổng lồ thu được thì lãnh đạo nhà chùa có thể dễ dàng trở thành triệu phú đô la. Còn nhớ năm 2019, hoà thượng Thích Thanh Toàn (trụ trì chùa Nga Hoàng, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) sau khi bị tố “gạ tình nữ phóng viên” đã xin hoàn tục với khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 200-300 tỉ đồng (nhờ đi tu).

Có thể nói nền công nghiệp tâm linh tại Việt Nam đang trở nên sôi động và hot hơn lúc nào hết. Một công thức thu tiền công đức dễ thấy nhất là phải xây tượng càng cao, chùa càng to, thì sẽ thu hút được càng nhiều khách thập phương tới cúng bái. Hàng loạt ngôi chùa siêu to khủng lồ như Bái Đính, Tam Chúc, Ba Vàng… được xây dựng nguy nga lộng lẫy còn hơn cung điện của các vương triều phong kiến ngày xưa.

Chẳng những “rộng, to, cao” mà các chùa hiện nay còn có thêm chi nhánh 1, chi nhánh 2, chẳng khác nào doanh nghiệp kinh doanh mở các đại lý phân phối hàng hoá. Trên website chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, tp.HCM) công bố 46 cơ sở chi nhánh trên khắp cả nước. Tâm linh đang được thương mại hoá và dần trở thành một nền công nghiệp siêu lợi nhuận. Đặc biệt hơn nữa, số tiền công đức mà nhà chùa thu được lại không cần kiểm toán, đóng thuế hay báo cáo với cơ quan nào.

Thí điểm ăn chia nhà chùa nhà nước

Tình hình các cơ sở kinh doanh tâm linh phát triển ồ ạt mà không tạo được nguồn thu cho ngân sách khiến cho nhà cầm quyền buộc phải vào cuộc. Mới đây, Thủ tướng chính phủ cho rằng việc quản lý tiền công đức của nhà chùa trước nay không được công khai, kiểm toán, và người dân cũng không biết số tiền này được sử dụng ra sao. Từ đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04.2023, hiệu lực từ ngày 19.3, hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Lấy thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.

Thông tư này quy định việc kiểm đếm, báo cáo tiền công đức hàng ngày hoặc hàng tuần; hình thức chuyển tiền qua tài khoản của nhà chùa tại các ngân hàng, kho bạc nhà nước. Thông tư cũng buộc nơi tiếp nhận công đức bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý phải mở sổ ghi chép. Và nhiều quy định về việc người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức.

Việc ban hành thông tư quản lý tiền công đức này phần nào giúp giải quyết tình hình “ngân sách nhà nước như dòng sông đã cạn”, đồng thời minh bạch các nguồn thu từ tiền công đức. Tuy nhiên trong bối cảnh sâu mọt tham nhũng từ gốc đến ngọn hiện nay, công chức hoàn toàn có thể dễ dàng mốc nối để gian lận, biển thủ phần lớn số tiền này. Cũng có ý kiến cho rằng thông tư này sẽ làm gia tăng vấn nạn “đào núi – phá rừng – xây chùa – dựng tượng”.

Theo nhiều nguồn dư luận thì những ngôi chùa lớn hiện nay đều có sự nhúng tay của cán bộ đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản. Dân thường hoặc các sư sãi chân chính chỉ cần chặt một cái cây, xây một cái chuồng vịt cũng bị xử lý; vậy thì ai có thể đào núi, phá rừng để xây dựng những ngôi chùa diện tích hàng chục hecta. Từ đó dẫn tới nhiều bình luận phản đối việc xây chùa thu phí tiếp tay cho tham nhũng này.

Tuy nhiên khi chứng minh được những đóng góp hiệu quả cho ngân sách, thì càng có nhiều lý do để đẩy mạnh quá trình thương mại hoá dịch vụ tâm linh. Một mặt, giúp nhà nước thu thuế từ nhà chùa để tăng ngân sách. Mặt khác, tạo cớ để quan chức thi nhau tiếp tay cho doanh nghiệp sân sau xây chùa dựng tượng làm giàu bằng “các khoản thu gian lận không chính thức”. Vậy là, nhờ nền công nghiệp tâm linh mà được một công đôi việc, vừa góp phần vào ngân sách nhà nước, vừa làm giàu cho cán bộ tha hoá.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sao không cho thành phố giữ lại ngân sách để chống dịch?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cô gái lên mạng dạy cách lừa tiền: tha hoá vì định hướng XHCN?

Do Van Tien

VNTB – Ngân sách sẽ không kham nỗi mức tăng lương hưu và bảo hiểm xã hội

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo