Nguyễn Đình Ấm
(VNTB) – Chuyến bay thương mại của hãng hàng không (HK) quốc gia (VNA) cất cánh từ Đà Nẵng đi Nội Bài(Hà Nội) lúc 16h ngày 7/6/2016 bay được hơn 1h thì máy bay phải hạ cánh tại sân bay dự bị Vattay (Viên Chăn-Lào).
Những sự cố “thót tim” của hàng không Việt Nam
Đây là sự cố rất bình thường trong hoạt động HK, bởi vì tất cả những sự vụ đó đều với mục đích duy nhất là bảo đảm an toàn. Không hãng HK nào muốn điều đó xẩy ra vì chuyến bay không đúng kế hoạch sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn: tốn xăng dầu, lệ phí cho sân bay “mượn” hạ cánh, bồi thường khách hàng, ảnh hưởng “dây chuyền” đến các chuyến bay khác, đặc biệt là uy tín của hãng…. Việc một số tờ báo đăng những cái tít như “Máy bay VNA từ Đà Năng đi HN hạ cánh ở… Lào” như có vẻ chê trách, diễu cợt hãng vận chuyển là toà báo muốn làm cho bài báo hấp dẫn hoặc không có hiểu biết sơ đẳng về hoạt động HK.
Với hoạt động HK nhất là các chuyến bay chở người thì bất kể một hiện tượng khác thường nào của các bộ phận, chi tiết của máy bay hay chim, vật thể va vào máy bay, động cơ hoặc thời tiết xấu cũng phải xử lý theo những chỉ dẫn mà phi công đã học, trải nghiệm. Nếu việc xử lý không ổn thì không thể tiếp tục hành trình mà phải thực hiện phương án dự phòng như hạ cánh khấn cấp ở sân bay gần nhất để kiểm tra, khắc phục sự cố bảo đảm an toàn. Ai đã từng bay từ VN đi Mỹ hoặc ngược lại trên đường qua Thái Bình Dương đều thấy máy bay không bay thẳng ngang Thái Bình Dương mà phải bay men theo dọc bờ biển của Mỹ, Nga, Nhật, TQ… rồi mới bay về VN là vì ở giữa TBD không có các dịch vụ an toàn như sân bay dự bị, chỉ huy, khí tượng, cứu hộ… để bảo đảm an toàn. Bất cứ hãng HK nào bắt đầu khai thác một đường bay mới đều phải ký các hợp đồng cung cấp dịch vụ an toàn trên toàn bộ cuộc hành trình.
Vụ máy bay A 330 của VNA hạ cánh ở Viên Chăn theo tôi do trục trặc kỹ thuật. Một máy bay hiện đại ngày nay có hơn triệu chi tiết, việc một trong số đó bị trục trặc do lỗi chế tạo (rất hiếm), thời tiết, việc bảo dưỡng, vận hành không chuẩn xác… là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng có thể do sợ hành khách phản ứng nên kíp bay phải nói dối là sự cố “thời tiết” để nguyên nhân trở nên “khách quan, bất khả kháng” hơn. Nội Bài là sân bay có tiêu chuẩn khai thác thấp nhất ở VN (CAT 2) do được trang bị đủ các thiết bị chỉ huy, hạ, cất cách hiện đại, đẩy đủ, tĩnh không thuận lợi nên trường hợp máy bay không thể hạ cánh do thời tiết là hiếm khi xẩy ra, trừ những trường hợp tầm nhìn dưới 500m, mưa, dông, bão quá lớn.
Hàng không Việt Nam (HKVN) có sự phát triển khá vững chắc từ khi ngành này từ bỏ kỹ thật máy bay Liên Xô chuyển sang khai thác các máy may Mỹ, châu Âu. Thời kỳ dùng máy bay Liên Xô, (từ năm 1995 trở về trước) việc quản lý kỹ thuật, an toàn lạc hậu bị chính trị chi phối. Khi máy bay bị uy hiếp an toàn, tai nạn tất cả đổ cho thời tiết mặc dù trong tai nạn HK có tới 70- 80% nguyên nhân trực tiếp do con người gây ra. Người ta gắn an toàn bay với uy tín của đảng CS. Thế nhưng từ khi HKVN sử dụng máy bay phương tây, gia nhập làng HK thế giới như ICAO, IATA… thì HKVN phải từng bước quản lý kỹ thuật,an toàn theo quy định của nhà chế tạo, tổ chức quốc tế trong đó có việc phải công khai, thông báo trung thực các sự cố liên quan đến an toàn, tai nạn… Đó là nguyên nhân cơ bản để HKVN giữ được an toàn từ năm 1997 đến nay.
Tuy nhiên hiện tại HKVN vẫn có vẻ còn rơi rớt tư tưởng cũ trong lĩnh vực thông tin, có khi nói dối hành khách trong những sự vụ gọi là “tế nhị”. Theo nguồn tin đáng tin cậy thì sau thời gian “cởi mở” với báo chí những năm trước, từ cuối năm 2014 HKVN bắt đầu hạn chế công khai, có những công văn, giấy tờ báo cáo cơ quan chức năng về sự cố liên quan đến an toàn đóng dấu “mật”.
Một thất sách nữa là khách VN đi máy bay phần lớn không hiểu gì vận tải HK nên mỗi khi máy may sự cố chậm trể vì an toàn dù chính đáng hay không đều bị phản đối dữ dội trong khi khách nước ngoài thường điềm tĩnh hơn. Họ cũng không bao giờ có hành vi trọc ghẹo tiếp viên, ngồi lộn ghế, tự mở cửa thoát hiểm, áo phao, hút thuốc lá, dùng điện thoại khi bay… Đây cũng là một nhân tố quan trọng kìm hãm sự phát triển của vận tải HKVN. Trước đây khi còn tờ tạp chí HKVN số nào cũng có chuyên mục tư vấn cho hành khách đi máy bay góp phần phổ cập kiến thức ngành giao thông hiện đại này.
Thế nhưng tháng 3/2015 không hề xem xét, nghiên cứu lợi hại, bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng muốn “đánh bóng thành tích” đã tự nhiên lệnh “trảm luôn” trái pháp luật ấn phẩm này dù nó không hưởng một đồng ngân sách nhà nước, ngược lại còn hàng năm nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng.
Muốn ngành vận tải HKVN phát triển lành mạnh thì những khách hàng cũng phải có chút hiểu biết về HK, đặc biệt nhà chức trách HKVN và hãng vận chuyển cũng phải công khai trung thực những sự cố ảnh hưởng đến khách hàng, đó là quyền của người tiêu dùng đồng thời tạo niềm tin mỗi khi gặp rắc rối thường xuyên diễn ra trong vận tài HK.