Trần Trung Đạo
(VNTB) – Về đường dài chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ cũng có lợi cho Việt Nam như một dân tộc.
Chuyến viếng thăm Việt Nam của TT Mỹ Joe Biden vào tháng 10, 2023 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và CSVN đúng như TT Mỹ ‘lẩy Kiều’ “Vinh hoa bõ lúc phong trần / Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”.
TT Biden không phải là tổng thống đầu tiên ‘lẩy Kiều’. Trước ông, TT Barack Obama trong chuyến viếng thăm Việt Nam năm 2016 đã ‘lẩy Kiều’ và TT Bill Clinton cũng đã ‘lẩy Kiều’ tại Hà Nội năm 2000. Việc ‘lẩy Kiều’ của các tổng thống Mỹ không đáng nói, đáng nói chăng là thời điểm.
Khi TT Bill Clinton ‘lẩy Kiều’, TC vừa chiếm xong các vùng biển chiến lược quanh quần đảo Trường Sa. Khi TT Barack Obama ‘lẩy Kiều’, TC sắp xây xong 7 căn cứ quân sự dưới dạng “đảo nhân tạo”. Khi TT Joe Biden ‘lẩy Kiều’, TC vừa công bố một bản đồ mới họ gọi là “bản đồ tiêu chuẩn” xác định chủ quyền của TC trên gần hết Biển Đông và lấn sang cả Ấn Độ. Ngoài biển và đảo bị TC chiếm, trong 23 năm đó, máu của hàng trăm ngư dân Việt Nam đã đổ xuống trong đau thương tức tưởi.
Chuyến đi ngắn nhưng quan trọng của TT Joe Biden gồm hai mục đích chính: thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại và “ngăn chặn” TC. Thúc đẩy tác kinh tế tương đối rõ ràng, không vướng mắc nhiều vấn đề nhưng “ngăn chặn” được TC một vấn đề phức tạp, tế nhị và đòi hỏi thời gian. Dù sao về đường dài chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ cũng có lợi cho Việt Nam như một dân tộc. Trong cán cân quan hệ, nhích gần phía Mỹ một bước cũng có nghĩa nhích xa hơn TC một bước.
TT Biden bác bỏ quan điểm cho rằng một “chiến tranh lạnh” khác đang diễn ra tại Á Châu. Nhưng những ai am tường chính trị đều biết chữ “bác bỏ” chỉ là ngôn ngữ chính trị và là một cách rào đón ngoại giao. Thực tế, khi TT Biden đang phát biểu, các liên minh chính trị quân sự đã hình thành. Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines, Thái, Úc, Tân Tây Lan đã là những quốc gia có liên minh quân sự với Mỹ. Đó là chưa tính việc liên kết với các tổ chức có khuynh hướng bước gần tới Mỹ như Quad ( Thảo luận an ninh bốn nước Mỹ, Ấn, Úc, Nhật), AUKUS (liên minh Mỹ, Anh, Úc) và cả một số nước ASEAN. Các liên minh này cho thấy Mỹ đang siết chặt vòng vây an ninh và kinh tế quanh TC. Nam Dương, dân số 275 triệu người, do dự vì đang làm ăn buôn bán với TC nhưng một khi xung đột đến gần với “điểm vỡ”, quốc gia dân chủ đa đảng này sẽ phải chọn Mỹ.
Định nghĩa của chiến lược Indo-Pacific trên trang nhà của Tòa Bạch Ốc khẳng định: “Hoa Kỳ cam kết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và bền vững. Để hiện thực hóa tương lai đó, Hoa Kỳ sẽ tăng cường vai trò của chính mình đồng thời củng cố khu vực chính nó. (The United States is committed to an Indo-Pacific that is free and open, connected, prosperous, secure, and resilient. To realize that future, the United States will strengthen our own role while reinforcing the region itself.) (Indo -Pacific Strategy Of The United States , whitehouse.gov, February 2022)
Hoa Kỳ có lợi thế về đồng minh hơn TC. Trong thời kỳ của TT Dwight D. Eisenhower, bốn trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đều sở hữu vũ khí nguyên tử. Các cường quốc nguyên tử tránh đương đầu quân sự với nhau trực tiếp, thay vào đó họ dùng các nước nhỏ, không sở hữu võ khí nguyên tử để giải quyết các xung đột quyền lợi của họ trong vùng bằng những cuộc “Chiến tranh ủy nhiệm” (Proxy war). Các cuộc chiến Trung Đông, Việt Nam trong hai thập niên 1960, 1970, Iran-Iraq trong thập niên 1980, nội chiến Syria mới đây cho thấy chủ trương “Chiến tranh ủy nhiệm” vẫn chưa thay đổi. TC bị bế tắc và cô đơn vì tại Á Châu TC không có một đồng minh nào đáng tin cậy, kể cả Bắc Hàn, để chết thay cho họ.
Những người lạc quan thái quá cho rằng TC có thể sẽ sụp đổ nay mai và những người bi quan thái quá có thể nghĩ hành động của Mỹ chỉ giới hạn trong văn bản chẳng gây ảnh hưởng gì cho TC. Thật ra, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, một “sân sau” của TC đe dọa trực tiếp đến nền an ninh của TC, nhưng cần nhiều năm và có thể cần cả 100 năm mới dẫn tới “điểm vỡ” (breaking point).
Xa hay gần với “điểm vỡ” tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhất là các quan hệ kinh tế thương mại.
Đọc lại lịch sử thế giới trong hai thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Chủ trương thống nhất đế quốc Đức của Otto von Bismarck, Thủ tướng Phổ và sau đó cũng là Thủ tướng đầu tiên của đế quốc Đức, được xem là nguồn gốc sâu xa của cả hai thế chiến thứ nhất và thứ hai. Tham vọng của Bismarck bắt đầu vào thập niên 1870, trước Thế Chiến Thứ Nhất 43 năm và Thế Chiến Thứ Hai 68 năm. “Điểm vỡ” chỉ xảy ra vào ngày 28 tháng 7, 1914 khi Đế Quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, 16 năm sau khi Bismarck qua đời.
Sự tham gia của Mỹ đã thay đổi cục diện của cả hai thế chiến.
Quan hệ kinh tế giữa Đức và Mỹ giữa hai thế chiến không đáng kể. Mỹ không có tòa đại sứ trên lãnh thổ nào của Đức mãi cho tới 1797, 14 năm sau chiến tranh chống Anh giành độc lập chấm dứt. Khi Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ, cả Mỹ lẫn Đức đều tuyên bố “đóng băng” tài sản của nhau. Tài sản của các công ty Mỹ bị Đức “đóng băng” chỉ vào khoảng 680 triệu dollar. (German Administration of American Companies 1940-1945: A Very Brief Review, National Archives and Records Administration, revised 2021)
Tại thời điểm 1938, một năm trước Thế chiến Thứ Hai bùng nổ, Đức chỉ xuất cảng sang Mỹ số lượng hàng hóa trị giá 150 triệu Đức Mã. Trong cùng năm Mỹ xuất cảng sang Đức tổng số hàng hóa trị giá 300 triệu Đức Mã. Con số quá nhỏ so với tổng số xuất nhập cảng của Mỹ trong thời điểm này là 51 tỷ dollar (6.4% GDP). (Yi Wen, Brian Reinbold, The Evolution of Total Trade in the U.S., Federal Reserve Bank of St Louis, March 02, 2020)
So sánh về GDP. Cũng tại thời điểm 1938, GDP của Mỹ trước khi điều chỉnh lạm phát là 800.3 tỷ dollar trong khi GDP của Đức là 351 tỷ dollar, chưa bằng một nửa của Mỹ. (Estimated pre-Second World War gross domestic product (GDP) of selected countries, territories, and regions in 1938, Published by Statista Research Department, Jan 1, 1998 )
Thời gian trôi qua trong lịch sử loài người. Điều kiện kinh tế thế giới và quan hệ mậu dịch giữa các cường quốc đã đổi khác. Quan hệ giữa Mỹ và TC khác với Mỹ và Đức trước đây rất nhiều. Với điều kiện kinh tế toàn cầu hóa ngày nay, tháo gỡ sự ràng buộc kinh tế thương mại giữa Mỹ với TC mà không tổn hại đến quyền lợi kinh tế trước mắt cũng như lâu dài của Mỹ là một bài toán rất khó và cần rất lâu để giải.
Sau khi TC vào WTO năm 2001, giao thương giữa Mỹ và TC gia tăng nhiều lần. Mỹ nhập của TC tổng số hàng hóa trị giá từ 100 tỷ dollar năm 2000 đến 500 tỷ dollar năm 2021. TC nhập của Mỹ từ 18 tỷ dollar năm 2000 lên tới 189 tỷ dollar năm 2021. Gần 2 triệu công nhân Mỹ được nuôi sống do hàng hóa xuất cảng sang TC.
Theo tổng kết của công ty tư vấn Gitnux, hiện có 8,619 công ty Mỹ được nhiều người biết hoạt động tại TC. Các công ty Mỹ như Starbucks, Nike tùy thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ tại TC. Một số công ty lớn khác như Intel, Apple, Tesla, General Motors, Ford, Qualcomm, Texas Instruments có những nhà máy sản xuất tại TC và phần không nhỏ doanh thu của các công ty này phát xuất từ thị trường TC. (The Most Surprising Us Companies In China Statistics And Trends in 2023, Gitnux Marketdata, September 5 2023)
Trong đời sống hàng ngày của người dân, hãng bán gà chiên KFC có 7000 tiệm tại TC và bán nhiều gà cho dân TC hơn là cho dân Mỹ. Hãng McDonald’s Corp vào năm 2020 đã có hơn 3,700 tiệm tại TC. Walmart có 400 tiệm tại TC.
Một bài viết của tác giả Glenn Luk, đăng trên tạp chí uy tín Forbes từ năm 2018 cho rằng nếu một iphone hoàn toàn sản xuất ở Mỹ giá thành mỗi chiếc có thể cao từ 30,000 cho tới 100,000 dollar. Lý do giá thành quá cao, theo lý luận của tác giả, phát xuất từ việc sản xuất iphone không chỉ đơn thuần là kỹ thuật chế tạo và lắp ráp mà còn là kỹ thuật của sự khéo tay, cần mẫn (Tooling engineering), một nghề cần rất nhiều năm huấn luyện. Cũng vì lý do đó, số lượng iphone nếu chế tạo tại Mỹ sẽ không đạt đến con số 225.3 triệu chiếc như hiện nay. (How Much Would An iPhone Cost If Apple Were Forced To Make It In America?, Forbes, 1/17/2018)
Theo tổng kết của The U.S.-China Economic and Security Review Commission thuộc Quốc Hội Mỹ hiện có 252 công ty TC niêm yết trên các Thị trường Chứng Khoán Mỹ ( U.S. Stock Exchanges) với tổng số Giá trị vốn hóa thị trường (Market capitalization) lên đến 1003 tỷ dollar.
Một người hay một lãnh đạo quốc gia cũng thế, mục đích sống chưa đủ mà phải có tầm nhìn sống. Nhìn vào những thay đổi chính trị thế giới là nhìn vào thực tế, không nên quá lạc quan và cũng không nên quá bi quan mà quan trọng là biết vận dụng điều kiện chính trị thế giới đang diễn ra để phục vụ cho lợi ích lâu dài của đất nước Việt Nam.
Ngày nay, Việt Nam có thể vẫn là mối quan tâm cho quyền lợi của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, nhưng sẽ không quan tâm đến mức họ phải mang Đệ Thất Hạm Đội đến để bảo vệ hải phận Việt Nam hay chuẩn chi nhiều tỷ Mỹ kim để thay thế chế độ CS độc tài đảng trị tại Việt Nam bằng một thể chế dân chủ.
Nhiều người khi đọc tin một chiến hạm Mỹ hay hàng không mẫu hạm Mỹ đi vào khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hồi hộp đợi chờ dường như cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Cộng sắp bùng nổ nay mai. Không có đâu. Các mâu thuẫn giữa các cường quốc chỉ mới bắt đầu và còn rất lâu mới đạt tới “điểm vỡ”.
Trong quan điểm của Mỹ, quyền tự do lưu thông trên Biển Đông và chủ quyền của các đảo đang tranh chấp là hai vấn đề chứ không phải là một. Nhưng lãnh đạo một nước nhỏ khôn ngoan là người biết vận dụng các xung đột địa phương thành xung đột quốc tế, vận dụng các tranh chấp song phương thành tranh chấp đa phương.
Trung Cộng cũng biết điều đó và đã nhiều lần tuyên bố tôn trọng quyền hải hành trên Biển Đông nhưng cùng lúc lại tiếp tục quân sự hóa Hoàng Sa và các phần đã chiếm được ở Trường Sa. Trung Cộng cũng hiểu ngoài những lời chỉ trích, đưa tàu chiến tuần tra, gởi máy bay đến chụp hình, Mỹ chưa thể làm gì khác hơn.
Vài bài học “đi với Mỹ”.
Dù là quốc gia đặt trên nền tảng dân chủ, lịch sử bang giao quốc tế nhiều lần cho thấy, vì quyền lợi, các chính quyền Mỹ đã bảo trợ, bao che, nuôi dưỡng những kẻ cầm quyền độc tài nhưng biết nghe lời hơn là các nhà lãnh đạo yêu nước nhưng khó bảo. Trường hợp Pinochet của Chile, Noriega của Panama, Somoza của Nicaragua, Marcos của Phi Luật Tân là vài thí dụ điển hình.
Ngoài chính sách đối với Việt Nam Cộng Hòa đã được nhiều tác giả viết, hai bài học khác cần biết là bài học về chính sách của Mỹ đối với chế độ CS Nicolae Ceausescu tại Romania và đối với chế độ độc tài Saddam Hussein tại Iraq.
Khai thác chính sách đối ngoại tương đối độc lập với Liên Xô của Romania, một thời gian rất dài các tổng thống Mỹ cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đều xem Ceausescu là con cờ cần thiết trong ván cờ Chiến Tranh Lạnh với Liên Xô. TT Richard Nixon viếng thăm chính thức Romania tháng 6, 1969 và tặng cho chế độ độc tài này đặc quyền Tối Huệ Quốc (Most-Favored-Nation). Chính quyền Nixon cũng đã kêu gọi các ngân hàng Mỹ cho Romania vay với điều kiện rộng rãi. Số tiền nhiều tỷ đô la các ngân hàng Mỹ cho Romania vay không tạo nên một hiệu quả kinh tế đáng kể và trở thành lãng phí do quản trị kém, tham nhũng, phẩm chất hàng hóa thiếu tiêu chuẩn bán trên thị trường quốc tế. Khi nợ đến kỳ trả Ceausescu không đủ tiền nên đã áp dụng một chính sách tem phiếu vô cùng hà khắc trên đời sống của người dân Romania.
Mặc dù hai tổ chức Amnesty International và Helsinki Watch công bố những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Romania, Nicolae Ceausescu vẫn được các chính phủ Mỹ từ Richard Nixon đến Jimmy Carter tiếp đón một cách trang trọng qua ba lần viếng thăm Mỹ vào những năm 1970, 1973 và 1978. TT Jimmy Carter giới thiệu Nicolae Ceausescu như “một lãnh tụ vĩ đại” trong buổi tiếp đón y ngày 12 tháng 4, 1978 tại Tòa Bạch Ốc.
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Iraq dưới thời Saddam Hussein là một bằng chứng khác. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld là người phác họa kế hoạch tấn công Iraq nhưng năm 1983 cũng chính Donald H. Rumsfeld, với tư cách đặc sứ của TT Ronald Reagan được Saddam Hussein tiếp đón niềm nở.
Hoa Kỳ ủng hộ chế độ độc tài Saddam Hussein để làm đối lực với Iran cùng khối Hồi Giáo cực đoan quá khích và hợp tác khai thác dầu hỏa. Khi bắt tay với Saddam Hussein, Donald H. Rumsfeld đã biết Iraq dùng vũ khí hóa học trong chiến tranh chống Iran và tàn sát thường dân Kurds. Hai chục năm sau, Mỹ xua quân lật đổ Saddam Hussein cũng không phải vì lòng thương xót số phận đau thương của người Kurds mà chỉ vì quyền lợi của nước Mỹ.
Do đó, đừng ngạc nhiên khi Mỹ có thể chấp nhận vai trò “đu dây” của CSVN đến khi nào vai trò này còn phục vụ cho quyền lợi của Mỹ. Cuộc tranh đấu vì tự do dân chủ ngày nay là cuộc đấu tranh của người Việt Nam. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và chỉ người Việt mới biết đau khi những vùng đất của tổ tiên để lại bị Trung Cộng cướp đoạt.
Để độc lập chính trị tư tưởng từ TC và hiện đại hóa đất nước toàn diện, Việt Nam phải có dân chủ. Như người viết đã trình bày, phần đông các nhà phân tích chính trị đồng ý rằng Việt Nam phải có dân chủ mới bảo vệ được đất nước. Điều đó đúng nhưng cần phải nói thêm, dân chủ không chỉ giúp bảo vệ đất nước mà còn để thắng được Trung Cộng. Ngoài ra, dân chủ phải đến sớm, đừng đợi đến khi chiến tranh Á Châu bùng nổ, máu đổ, thây phơi mới đến. Chỉ có một Việt Nam đoàn kết dưới ngọn cờ dân chủ mới thật sự tập trung được sức mạnh tổng hợp của dân tộc và là nền tảng cho một quốc gia dân chủ thịnh vượng lâu dài. Vũ khí dân chủ sẽ gây một phản ứng dây chuyền dẫn tới sự tan vỡ toàn bộ cơ chế CS. Một TC mênh mông có nguy cơ tan thành nhiều mảnh, chủ quyền ngay tại lục địa còn không giữ được nói chi là chủ quyền trên hai nhóm đảo Hoàng Sa, Trường Sa xa xôi. Khi không còn đủ mạnh, những bản đồ “đường lưỡi bò” 9 đoạn, 10 đoạn của TC chỉ còn là những mảnh giấy lộn. Sau Thế Chiến Thứ Hai, thành phố lớn của Ba Lan như Wrocław, cảng quan trọng như Gdańsk từng bị Đức chiếm đều trở về đất mẹ.
Bên cạnh những khó khăn, cuộc tranh đấu mới có nhiều thuận lợi.
Cuộc cách mạng tin học bùng nổ đầu thập niên 1990 đã giúp mang con người không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn, khác biệt về tôn giáo đến gần nhau trong một căn nhà. Trái đất mỗi ngày một nhỏ dần. Những hàng rào ngăn cách giữa người và người đã bị giới hạn nhiều. Nhân loại ngày nay cần được sống trong một xã hội mở, không bị bao bọc trong bốn bức tường độc tài đảng trị.
Làn sóng chuyển hóa mang đặc tính thời đại đang diễn ra trên phạm vi cả nước, bắt đầu từ kinh tế và lần lượt lan sang những lãnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục và xã hội. Năm 1990, số người dấn thân tranh đấu còn đếm trên đầu ngón tay, hôm nay họ có mặt ở khắp ba miền. Con số có thể chưa đủ để tạo thành một lực thay đổi nhưng rõ ràng đang lớn mạnh.
Giới cầm quyền CSVN dùng mọi biện pháp bôi nhọ, đe dọa, bắt bớ, tù đày các thành phần dân tộc chống đối nhưng chính họ cũng phải biết không bạo lực nào ngăn chặn được sự lớn mạnh âm thầm nhưng mãnh liệt của nhận thức con người. Bài học Ba Lan, Romania, Đông Đức v.v. còn rất mới. Người dân Việt, trong hay ngoài nước, trong mọi ngành nghề, mọi trình độ, mọi thế hệ đều có thể tham gia vào cuộc vận động dân chủ Việt Nam.
Nhiều người lo âu rằng cuộc vận động dân chủ khó khăn vì không có những lãnh tụ tầm vóc được thế giới thừa nhận và kính trọng. Nỗi lo lắng này rất dễ hiểu, quen thuộc, đi đâu cũng nghe nhưng không đúng với thực tế dân chủ trên thế giới. Các lãnh tụ tầm vóc trên thế giới chỉ có năm, ba người, vậy hàng trăm quốc gia còn lại nền dân chủ từ đâu mà có? Những nước nhỏ, phải nói là rất nhỏ như ba nước Baltics, Mông Cổ không có một nhân vật nào được quốc tế biết đến trước năm 1989 nhưng đã thắng được độc tài.
Dân chủ phát xuất từ nguyện vọng chung của dân tộc, biết đoàn kết, kiên nhẫn, vượt qua mọi yếu tố tiêu cực của bản thân và đất nước, tận dụng mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để thúc đẩy cuộc vận động dân chủ thành công và tiến tới mục đích xây dựng nền cộng hòa bền vững. Mỗi người Việt làm hết sức mình trong điều kiện và hoàn cảnh của mình vì tương lai đất nước.
Ngày xưa chúng ta thường tranh luận nhau, trong nước hay ngoài nước sẽ đóng vai trò chủ lực, trong nước hay ngoài nước sẽ là nhân tố chính thúc đẩy chuyến tàu dân chủ. Hôm nay, những tranh luận đó không còn cần thiết nữa. Cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam là cuộc đấu tranh của người Việt Nam dù họ là ai và đang sống ở đâu trên trái đất này.
(Viết thêm từ hai chính luận Cuộc Đấu Tranh Này Là Của Người Việt Nam và Để Thắng Được Trung Cộng)