Việt Nam Thời Báo

VNTB – Phá 619ha rừng nguyên sinh: lợi quan, hại dân.

Chánh Thành

 

(VNTB) – Cứ cho là bán một cây gỗ quý được rẻ nhất 100 triệu đồng thì phải thu được 1,37 ngàn tỷ, thậm  chí nhiều hơn


Việc phá rừng làm thuỷ lợi có thể đem lại tổng nguồn tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng để các quan chức chia chác với nhau. Nhưng cái hại của người dân là mất rừng, sa mạc hoá đất, mất khu thánh tích hành hương của cộng đồng người Chăm. Và hồ thuỷ lợi có thể trở thành quả bom treo trên đầu hàng trăm ngàn người dân, như những hồ, đập nhân tạo ở Tây Nguyên hiện nay.

 

Số tiền khổng lồ

Năm 2019, tổng diện tích sử dụng đất của dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận được Quốc hội quyết định là 693,31 ha; tổng mức đầu tư ban đầu là 585,647 tỉ đồng. Tới năm 2023, Quốc hội điều chỉnh tăng sử dụng đất của dự án lên thành 697,73ha; tăng tổng mức đầu tư và nguồn vốn của dự án lên hơn 874 tỷ đồng. Tức là sau 4 năm, Quốc hội chỉ điều chỉnh quy mô dự án lên hơn 4ha, nhưng số tiền ngân sách đầu tư lại tăng lên gần 300 tỷ.

Bên cạnh đó, luật Lâm nghiệp quy định nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Như vậy tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844ha rừng ở những nơi khác để thay thế diện tích 619ha rừng tự nhiên bị phá. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.

Ngoài số tiền phá rừng, làm đập và trồng lại rừng, còn phải tính đến một khoản tiền khổng lồ từ việc bán gỗ quý. Trong 619ha rừng bị phá, có 137ha rừng đặc dụng và 0,51ha rừng phòng hộ. Theo Ban Quản Lý Rừng Phòng Hộ Sông Móng-Ka Pét, khu rừng này có nhiều cây cổ thụ quý hiếm như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng… hàng trăm năm tuổi. Trị giá mỗi cây gỗ lên đến cả trăm triệu đồng.

Anh L.A, một chủ doanh nghiệp gỗ nói với phóng viên Việt Nam Thời Báo: “theo thông tin trên báo chí thì rừng ở đây xếp thẳng như mía, mật độ che phủ cao, trữ lượng gỗ trong rừng rất lớn. Với diện tích 137ha tức là 1,37 triệu mét vuông rừng đặc dụng, thì cứ tính thấp nhất là 100 mét vuông có một cây gỗ quý vậy 1,3 triệu mét vuông phải có hơn 13.700 cây gỗ quý. Cứ cho là bán một cây được rẻ nhất 100 triệu đồng thì phải thu được 1,37 ngàn tỷ, thậm  chí nhiều hơn, vì những hình ảnh chụp toàn cảnh đều cho thấy gỗ rừng mọc san sát chứ không phải 100 mét vuông mới có một cây. Số lượng gỗ quý trong diện tích này rất lớn thì người ta mới quyết tâm phá rừng để khai thác cho bằng được”.

Như vậy, cộng ba nguồn tiền từ việc xây đập, trồng lại rừng và bán gỗ quý, thì số tiền lên đến vài ngàn tỷ đồng. Đây là con số có thể làm lung lay ý chí của nhiều “phe nhóm lợi ích” trong hàng ngũ đảng cộng sản. Rất có thể số tiền khủng lồ này đã khiến cho quốc hội phải nhanh chóng phê duyệt hồ sơ phá rừng xây hồ Ka Pét, chỉ trong 15 ngày. Rồi số tiền này sẽ đi về đâu?

Sau khi phá rừng gỗ quý, nhà chức trách sẽ thay bằng các cây gỗ rẻ tiền như keo lai, bạch đàn, cho nên chi phí dùng để trồng lại rừng sẽ không cao. Mới đây chủ tịch Hà Nội, Nguyễn Đức Chung phải đi tù vì thổi giá cây xanh, với tình hình tha hoá nghiêm trọng như hiện nay, không loại trừ khả năng quan chức Bình Thuận cũng sẽ thổi giá như ông Chung.

Ngoài ra, chất lượng công trình hồ thuỷ lợi cũng là một dấu hỏi lớn khi huyện Hàm Thuận Nam đã có tới 14 hồ nhưng vẫn không đảm bảo đủ nước cho người dân. Liệu trong 874 tỷ đồng thì bao nhiêu sẽ được dùng để xây hồ Ka Pét và bao nhiêu sẽ vào túi riêng của cán bộ đảng viên? Còn số tiền hàng ngàn tỷ từ việc bán gỗ quý thì càng khó minh bạch tung tích, khi mà đơn vị chủ trì cuộc đấu thầu và nhà thầu đều là các phe phái, chân rết trong nội bộ quan chức cộng sản.

Thiệt hại trước mắt

Theo thông tin từ người dân, trong phạm vi 162,55 ha rừng đặc dụng này có khoảng 10ha là khu Thánh tích Pô Cei Khar Mâh Bingu, một tu‌o‌ng quân tài ba người Chăm. Phần mộ của vị tướng này được xem như là trái tim hành hương của cộng đồng người Chăm và Raglai của các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh.

Trong 10ha này có phần mộ, vòng thành, khu luyện binh lính, khu trồng dược liệu, khu vực làm ruộng… với lịch sử hình thành trên 300 năm. Đây đều là những di tích thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và Raglai. Việc phá đi không gian tâm linh, lịch sử của người Chăm có thể làm tăng thêm mâu thuẫn sắc tộc đã tồn tại từ lâu tại khu vực này.

Không chỉ mất đi di tích tâm linh, di chỉ lịch sử mà toàn bộ hệ sinh thái rừng nguyên sinh tại đây cũng sẽ bị nhấn chìm dưới lòng nước nếu xây hồ Ka Pét. Người dân địa phương cho biết họ từng gặp nhiều loài động vật trong rừng như rùa, nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà, đại bàng… Phải cần một khoảng thời gian vài trăm năm mới có thể hình thành một quần thể động thực vật đa dạng như vậy. Nhưng Quốc hội Việt Nam chỉ cần 15 ngày để phê chuẩn lệnh phá rừng này.

Hậu quả lâu dài

Phương án trồng rừng bù lại phần rừng bị phá là trồng những loại cây giá trị thấp, sinh trưởng nhanh như keo lai, giáng hương, bạch đàn… Riêng với cây keo lai, đã có nhiều chuyên gia lên án về việc trồng loại cây này thay rừng. Được biết, cây keo lai được trồng bằng cách giâm cành, nên bộ rễ phát triển rất nông, không cắm sâu vào đất như cây trồng bằng hạt. Do đó không thể giữ được nguồn nước ngầm như các loại cây trong rừng tự nhiên.

Bất cứ nơi nào có rừng cây keo nhiều thì những cánh đồng lúa phía dưới đó hầu như nước khô cạn và phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác. Hơn nữa, những người trồng rừng bằng cây keo chỉ với mục đích sau khi trồng được 5-6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán lại cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm.

Đất bị sa mạc hoá là điều dĩ nhiên khi trồng cây keo thay rừng tự nhiên vì đất sẽ bị cạn dinh dưỡng, mất nước. Sau khi chặt cây bán gỗ lấy tiền, chỉ còn lại đất trống, đồi trọc, phơi mưa nắng trơ trọi sỏi đá… Nếu muốn tiếp tục trồng lại cây con thì phải bón nhiều phân thuốc, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Nhà chức trách quy định rằng cứ phá một 1 ha rừng nguyên sinh thì phải thay bằng 3 ha rừng trồng, nhưng lại thay thế bằng cây keo lai. Có thể nói đây là một hình thức lách luật, lươn lẹo của nhà chức trách. Độ che phủ chỉ ở trên giấy tờ, nhưng thực tế làm gì còn rừng nữa; khi mà hôm nay trồng rừng để đạt chỉ tiêu độ che phủ, ngày mai lại chặt hết đem bán lấy tiền. Hệ luỵ của nó là không thể phục hồi được rừng, hệ sinh thái, môi trường và thiên nhiên như trước.

Cho dù không phải keo, thì việc phá rừng nguyên sinh và thay thế bằng những loại cây gỗ quý khác, thì cũng phải mấy hàng chục, đến hàng trăm năm mới có thể phục hồi lại hệ sinh thái như bây giờ. Trong thời gian chờ đợi rừng phục hồi, sẽ có bao nhiêu hệ luỵ khác xảy ra?

Rừng là nơi giữ nước, chống lũ tốt nhất, phá rừng làm hồ chưa chắc chống được hạn mà còn khiến đất bị sa mạc hoá, sạt lỡ, lũ quét, lũ ống… Hậu quả nhãn tiền từ những vụ phá rừng ở Tây Nguyên, Tây Bắc vẫn còn đó. Những trận sạt lỡ ở đèo Bảo Lộc, Đắk Nông, Đắk Lắk, hay lũ quét, lũ ống ở Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La mới tháng trước vẫn còn nóng hổi. Phá rừng làm hồ có phải là treo trái bom trên đầu người dân vì những nguy cơ sạt lỡ đất, lũ quét, lũ ống?

Một số vấn đề cần làm rõ

Xung quanh khu vực huyện Hàm Thuận Nam, hiện nay đã có 14 hồ nhưng vẫn không điều tiết nước được thì liệu làm thêm một hồ nữa thì có tốt hơn không? Phải thanh tra chất lượng công trình, kiểm tra lại việc quy hoạch, quản lý để biết nguyên nhân vì sao 14 hồ chứa nước mà lại cạn khô chỉ trong một mùa hạn?

Với 3 con sông lớn chảy qua và 14 hồ hiện tại, huyện Hàm Thuận Nam có rất nhiều giải pháp thay thế để không phải phá 619ha rừng tự nhiên. Phía thượng nguồn Ka Pét lại đang chuẩn bị xây La Ngà 3 với dung tích lên tới 470 triệu m3. Vậy thì có nhất định phải xây dựng hồ Ka Pét dung tích 51 triệu m3 ở hạ lưu?

Đặc biệt gần đó có hồ Biển Lạc rộng hơn 1000ha bị bỏ hoang suốt nhiều năm nay. Chỉ cần cải tạo hồ này thì sức chứa của nó dư sức để không phải phá thêm rừng, xây thêm hồ; chỉ cần tận dụng những thứ sẵn có thì đã có thể giải quyết được vấn đề. Nếu không vì tiền thì tại sao nhất quyết phải lãng phí hàng ngàn tỷ để làm thêm một thứ chưa chắc hiệu quả mà hậu quả lại quá lớn như vậy?

Việc quốc hội chỉ mất 15 ngày để xem xét duyệt hồ sơ phá rừng xây hồ Ka Pét là một dấu hỏi lớn khiến người dân không thể không nghi ngờ về tính minh bạch của dự án. Đồng thời, cơ quan làm khảo sát đánh giá tác động môi trường trong dự án này là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam chỉ có 4 thành viên. Càng làm dấy lên quan ngại rằng đây liệu có phải là một loại biến thể khác của công ty sản xuất kist test Việt Á hay không?

Và cuối cùng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Cứ mỗi lần có lãnh đạo mới lên thì lại phá rừng làm hồ, làm đập nhưng hồ vẫn cạn, nước vẫn mất. Quan chức vơ vét xây nhà cao cửa rộng, con cái du học rồi hết nhiệm kỳ thì chỉ bị kỷ luật, mất chức; còn hậu quả thì người dân lãnh đủ. Trong suốt 30 năm từ khi tỉnh Bình Thuận được thành lập, tất cả 6 đời chủ tịch tỉnh đều bị kỷ luật vì những vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, có chủ tịch từng bị kỷ luật cách chức vì để xảy ra vụ phá rừng Tánh Linh với quy mô lớn. Do đó dư luận đặt câu hỏi liệu rằng những lãnh đạo hiện tại có đủ liêm chính để không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm không, nhất là trong vụ phá rừng xây hồ Ka Pét này?


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nghi vấn khai thác khoáng sản ở dự án hồ thủy lợi Ka Pét

Do Van Tien

VNTB – Tifosi đã đánh lận con đen như thế nào?

Do Van Tien

VNTB – Phá rừng làm hồ thủy lợi ở tỉnh Bình Thuận

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo