Hiền Vương
(VNTB) – Nhà nước vẫn kêu gọi người cao tuổi dù sức khỏe kiệt quê, hãy tiếp tục làm việc để tự nuôi thân.
Pháp luật về quyền lợi của người cao tuổi trong chuyện việc làm là “Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi”.
Người già nào được hưởng trợ cấp an sinh?
Theo Luật người cao tuổi, thì bất kỳ ai từ đủ 60 tuổi trở lên có quyền “Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ” – “Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi”.
Cũng theo luật kể trên, ở Điều 5: Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cho biết như sau:
5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
Theo quy định tại khoản 2 điều 17 Luật người cao tuổi 2009 và khoản 5 điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP thì đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng phải thuộc một trong những trường hợp trên.
Số tiền trợ cấp liệu có thể gói ghém qua ngày?
Các văn bản liên quan cho biết người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, từ 60 – 80 tuổi: 540.000 đồng.
Người cao tuổi thuộc hộ nghèo; không có người thân phụng dưỡng hoặc có nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; đủ 80 tuổi trở lên được hưởng: 720.000 đồng. Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn: 360.000 đồng.
Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng: 360.000 đồng.
Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng: 1.080.000 đồng.
Với mức tiền an sinh như trên, với những gia đình chạy ăn từng bữa thì đúng là nếu người cao tuổi không tự thân tìm kiếm việc làm, họ chắc chắn không thể có miếng ăn cũng như các khoản để trang trải chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu như điện, nước, và có thể cả tiền thuê nhà.
Người già ở Việt Nam sống trong bệnh tật
Người già ở Việt Nam phải mưu sinh trong tình cảnh sức khỏe sút giảm được cụ thể số liệu ghi nhận từ kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển Việt Nam, là có tới 62,3% người cao tuổi Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và chỉ 86,3% trong số đó tiếp cận y tế. 67% người già có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế.
Việc so sánh về việc làm đối với người cao tuổi ở Việt Nam so nước ngoài thường là khiên cưỡng.
Cụ thể, khi phân tích tuổi tác, lý thuyết cho biết cần phân biệt và nhận định các khía cạnh riêng biệt, độc lập nhưng vẫn có sự liên kết với nhau như sau: Tuổi đời (chronological age), dựa trên ngày, tháng, năm sinh; Tuổi sinh học (biological age), liên quan đến các thay đổi thể chất; Tuổi tâm lý (psychological age), liên quan đến thay đổi tinh thần, tính cách trong các giai đoạn sống của cá nhân; Tuổi xã hội (social age), liên quan đến những thay đổi về vai trò và mối quan hệ xã hội của cá nhân khi già đi.
Bốn khía cạnh nêu trên của quá trình già hóa thường phát triển với nhịp độ khác nhau, phụ thuộc vào sự trải nghiệm cá nhân, môi trường văn hóa, lịch sử, xã hội…
Gần cuối đời vẫn chật vật… ‘khởi nghiệp’?
Ở Việt Nam, mặc dù Luật người cao tuổi quy định những chính sách an sinh ở mức tối thiểu như kể trên, song thực tế thì Nhà nước vẫn kêu gọi người cao tuổi dù sức khỏe kiệt quê, hãy tiếp tục làm việc để tự nuôi thân.
Dẫn chứng: hôm 26-9-2023 tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về tư vấn khởi nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người cao tuổi”.
“Thương các cụ quá. Tuổi này các cụ mới khởi nghiệp, học nghề thì đến bao giờ các cụ mới thành đạt trên con đường công danh sự nghiệp?” – một nhà báo vừa nghỉ hưu chua chát thắc mắc.
_____________
Tham khảo:
https://vanban.chinhphu.vn/