Mai Lan
(VNTB) – “Chúng ta đã ‘cưỡng hôn’ lịch sử và địa lý thành một môn học. Chúng ta hãy cho nó ly hôn đi”.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo… Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm thực hiện, dư luận lại có ý kiến đề nghị thay đổi cơ cấu, tên môn học, trả lại tên cũ như nguyên thủy ban đầu: lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, âm nhạc, mỹ thuật.
Nhiều phản biện của đội ngũ chuyên gia, nhà giáo trên cả nước lúc bấy giờ không làm thay đổi được quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi “tích hợp” môn học lịch sử và môn học địa lý đang độc lập thành môn học mới với tên gọi là “lịch sử và địa lý”. Và rồi, chương trình môn học chính thức được ban hành, cả môn học lịch sử và địa lý có 4 chủ đề cho 4 năm học trung học cơ sở.
Được biết, đề án viết lại chương trình, sách giáo khoa mới được thầy Phạm Vũ Luận, thầy Nguyễn Minh Hiển (cả hai đều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) manh nha năm 2008, chính thức đặt vấn đề năm 2011 và đến 2014 thì được thông qua bằng Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Thế nhưng, năm 2021-2022, khi mà các môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy thì ngành giáo dục vẫn chưa có được lớp giáo viên tích hợp đúng nghĩa ra trường. Và cũng vì lý do này nên ngân sách đã phải tiêu tốn: mỗi tỉnh tính trung bình có 700 giáo viên sử, địa thì 63 tỉnh thành sẽ có khoảng 45 ngàn giáo viên trong diện phải bồi dưỡng chứng chỉ. Theo thông báo giá mà một số trường đại học đã chiêu sinh, lớp 20 tín chỉ có giá 3 triệu đồng, lớp 36 tín chỉ có giá 5,4 triệu đồng, thì số tiền phí đào tạo cho môn học này sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Số tiền này, dù là ngân sách Nhà nước chi trả hay giáo viên đóng góp cũng sẽ là rất lớn. Ngoài ra, việc giáo viên học tập tại các trường đại học sư phạm cũng sẽ phát sinh thêm rất nhiều tiền ăn ở, đi lại…
TS Phạm Thị Kim Anh, trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng “Chúng ta đã ‘cưỡng hôn’ lịch sử và địa lý thành một môn học. Chúng ta hãy cho nó ly hôn đi”. TS Kim Anh chỉ ra việc gộp 2 môn học này bất cập từ dạy học đến kiểm tra, đánh giá. Trong dạy học, các nhà trường, tổ bộ môn cũng rất khổ, không biết dạy môn nào trước môn nào sau, bố trí giáo viên thế nào.
Khổ nữa là khi làm đề kiểm tra, thầy cô 2 bộ môn cùng làm một đề nhưng bất cập nhất là khi chấm thi, 2 đầu điểm của 2 phân môn cộng vào chia đôi. Điều này dẫn tới thực tế là có học sinh giỏi về lịch sử nhưng yếu về địa lý, cuối cùng cộng vào chia đôi thì 2 đầu điểm là bằng nhau. “Đây là cách đánh giá không thể chấp nhận được khi mà chúng ta hướng tới đánh giá theo năng lực của người học”, bà Kim Anh nêu quan điểm và mong muốn “cuộc ly hôn giữa môn lịch sử và địa lý sớm được diễn ra”.
Đồng tình với đề nghị này, ông Trương Quốc Tám, chuyên viên môn lịch sử Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, nói rất muốn môn lịch sử ‘ly hôn’ môn địa lý vì để lịch sử có vị trí thực sự xứng đáng.
Một giáo viên dạy môn lịch sử tại một trường trung học cơ sở ở quận 12, TP.HCM cho biết năm nay cô dạy môn sử và địa. “Được đào tạo bốn năm đại học, sở trường của tôi là môn lịch sử trong khi mới tập huấn được mấy tháng giờ phải dạy thêm kiến thức môn địa lý, tôi hơi lo lắng. Bản thân tôi phải vừa dạy vừa học. Dạy bài nào học bài đó. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm bài học sẽ không hay nhưng tôi cố gắng đảm bảo kiến thức cho các em” – cô tự an ủi mình.
Cô cho biết thêm đối với môn lịch sử và địa lý, nếu để giáo viên địa lý dạy phần kiến thức địa lý, giáo viên sử dạy kiến thức sử thì sẽ ổn hơn. “Nhà trường đã quyết, chúng tôi phải chấp hành, cố gắng dạy và từng bước tìm cách tháo gỡ. Chưa kể, dạy học trên môi trường Internet, mạng chập chờn, lúc được lúc không rất khó có thể truyền tải hết kiến thức cho các em. Nói chung, khó đủ đường” – cô này chia sẻ thêm.
Đối với môn tích hợp, nếu phân công mỗi giáo viên phụ trách một phần nội dung theo chuyên môn của mình sẽ rất cực cho tổ trưởng lẫn phó hiệu trưởng. Họ sẽ phải theo dõi một lúc năm môn, chưa kể khi chuyển từ kiến thức môn học này sang môn khác sẽ phải thay đổi thời khóa biểu. Trong khi đó, đối với một trường có 45 lớp thì việc này không đơn giản…