Hoài Nguyễn
(VNTB) – Vẫn chưa biết bao giờ Quốc hội Việt Nam mới trả món nợ cho dân về quyền lập hội – quyền biểu tình
Chủ tịch Quốc hội: “Những gì hứa trước Quốc hội, nhân dân cần phải được hoàn thành”.
Nhấn mạnh không phải lời hứa, cam kết nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, song Chủ tịch Quốc hội cho rằng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện. Quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành (*).
Ông Vương Đình Huệ đã có những ‘tuyên ngôn’ đầy dân túy như vậy vào sáng ngày 6-11-2023 khi bắt đầu phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Nếu cử tri thực sự được quyền ‘đòi nợ’ Quốc hội như lời ông Vương Đình Huệ, người viết bài này mong muốn các cựu chủ tịch Quốc hội có tên sau đây cần đăng đàn giải trình vì sao đã để ‘nợ quá hạn’ kéo dài đối với ‘quyền biểu tình – quyền hội họp’, chí ít cũng từ Hiến pháp 1992 cho đến nay, tức đã hơn 30 năm: Nông Đức Mạnh – Nguyễn Văn An – Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Sinh Hùng – Nguyễn Thị Kim Ngân, và Vương Đình Huệ.
Hiến pháp 1992, tại Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Hiến pháp 2013, tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Và giờ đã là tháng 11-2023, vẫn chưa biết bao giờ Quốc hội Việt Nam mới trả món nợ cho dân về quyền lập hội – quyền biểu tình?
Về mặt thời hiệu, một số vấn đề pháp lý cho thấy chính việc dằn dai ‘món nợ’ này mà Đảng luôn đối mặt làn sóng ngầm của những bức bối không có chỗ để… bày tỏ. Đó còn là sự mâu thuẫn ngay trong chính pháp luật hiện hành.
Về lý thuyết, từ thời Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 31 ngày 13-09-1945 về việc biểu tình với nội dung như sau: “Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà; Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao”; vậy nên “Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”.
Tức ngoài việc khai trình với UBND trong thời kỳ đặc biệt (ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập, tình hình an ninh, chính trị, nền độc lập của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, cản trở), thì việc biểu tình của người dân được thực hiện một cách tự do.
Hiện nay, sắc lệnh số 31 về quyền tự do biểu tình nêu trên vẫn đang có hiệu lực thi hành, bởi nó chưa bị hủy bỏ hay bãi bỏ bởi một văn bản quy phạm pháp luật hợp pháp nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra: Ngăn cản công dân thực hiện quyền biểu tình có bị đi tù không?
Trả lời: căn cứ theo Điều 167 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định:
“Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó người nào ngăn cản công dân thực hiện quyền biểu tình với hình thức dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác mà đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với hình thức xử phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp có các tình tiết tăng nặng thì có có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Thế nhưng vì chưa luật hóa về quyền biểu tình, nên nhà chức trách đã ‘vận dụng’ cách diễn giải của “trật tự công cộng” để hạn chế quyền tự do biểu tình theo nghĩa “hoạt động tập trung đông người trái phép” (quy định tại Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005, và Thông tư 09/2005/TT-BCA của Bộ Công an).
Song điều mâu thuẫn ở đây là với những hình thức biểu tình kiểu tọa kháng, tức không gây ảnh hưởng “trật tự công cộng”, không tập trung đông người, vẫn có thể bị đối mặt cáo buộc vi phạm; trong khi đến nay vẫn chưa thấy thực thi điều luật hình sự 167 như nêu trên.
Liệu các cựu chủ tịch Quốc hội từ ông Nông Đức Mạnh (nhiệm kỳ của bắt đầu Hiến pháp 1992) đến ông Vương Đình Huệ của hiện tại, ai sẽ chịu trách nhiệm thanh toán ‘món nợ’ lập pháp của quyền biểu tình – quyền lập hội?
Là người đứng đầu Đảng, từ Hiến định ở điều 4, cho thấy một trách nhiệm liên đới không thể thoái thác của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư suốt 3 khóa liên tục, từ 19 tháng 1 năm 2011 đến nay (6-11), tức đã 12 năm, 289 ngày.
_____________
Tham khảo:
(*) https://quochoi.vn/tintuc/