Việt Nam Thời Báo

VNTB – GDP tăng cao hầu như không có nghĩa lý gì với dân chúng

Hàn Lam

Thu nhập của đa số người dân Việt không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá xấu. Không những thế, nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.

Đời sống người dân ngày càng khó khăn, thất nghiệp quá nhiều, đọc báo thì thấy GDP tăng mấy phần trăm, mấy phần trăm rồi xuất nhập khẩu thì 400 mấy chục tỷ USD, nhưng rồi đời sống người dân ngày càng quá khó khăn vậy, nếu không nói là một bộ phận ở quê rất khổ…

Theo chuyên gia về thống kê, ông Bùi Trinh diễn giải: Thu nhập của người lao động từ sản xuất (một nhân tố của GDP) được hiểu bao gồm thu nhập bằng tiền và hiện vật của người lao động trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, hàng năm Tổng cục Thống kê không công bố chỉ tiêu này, nhưng dựa vào số liệu về thu nhập bình quân đầu người và số liệu về GDP của Tổng cục Thống kê công bố cho năm 2022, có thể ước tính thu nhập từ sản xuất chiếm khoảng 43% GDP và 47% tổng giá trị tăng thêm (Gross Value added, tức GVA = GDP – Thuế sản phẩm).

GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 tăng 86% so với năm 2016; trong khi đó thu nhập từ sản xuất bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2022 tăng 96% so với năm 2016, tăng cao hơn tăng trưởng GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 10 điểm phần trăm. Điều này có thể dẫn đến nền kinh tế sẽ thâm dụng vốn nhiều hơn. Theo bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, hệ số co giãn về lao động chiếm hơn 70% trong tổng số thu nhập của người lao động và thặng dư sản xuất.

Theo khảo sát của Liên đoàn Lao động TP.HCM, thu nhập trung bình của nữ công nhân ngành may là 7 triệu đồng/tháng, nhưng nếu đi sâu vào thu nhập ròng (= lương – chi phí cuộc sống – chi phí cho rủi ro) thì con số này là rất thấp ở một đô thị lớn như TP.HCM.

Hiện nay, tiền lương của công nhân ngành may bị chi phối lớn bởi giá của các đơn hàng xuất khẩu, vốn bị ràng buộc với nhiều tiêu chuẩn toàn cầu, thương lượng giữa thương hiệu và đơn vị sản xuất – cung ứng. Sẽ còn nhiều điều để nói về tối đa hóa lợi nhuận, tối ưu giá vốn… Nhưng câu hỏi đặt ra vẫn là đời sống của công nhân sẽ bị tác động thế nào.

Thống kê được công bố chính thức thì trong năm vừa qua, các nhóm dân cư có khoảng cách lớn về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất. Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 đạt 10.237 ngàn đồng gấp hơn 7,57 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1.352 ngàn đồng.

Vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6.334 ngàn đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (3.170 ngàn đồng 1 người 1 tháng).

Sự chênh lệch về đời sống còn thể hiện bằng sự chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa các nhóm thu nhập. Nhóm dân cư có thu nhập cao nhất của cả nước là 10.237 ngàn đồng cao gấp 7,57 lần nhóm dân cư có thu nhập thấp nhất.

Trong các vùng kinh tế, Đông Nam Bộ có mức chi tiêu cho đời sống bình quân cao nhất là 3.456 ngàn đồng (trong đó chi tiêu của nhóm người giàu nhất là 4.453 ngàn đồng gấp 2,3 lần nhóm người nghèo nhất) gấp 1,8 lần khu vực Trung du và miền núi phía Bắc mức chi tiêu bình quân thấp nhất chỉ đạt 1.871 ngàn đồng (trong đó chi tiêu của nhóm người giàu nhất là 3.216 ngàn đồng gấp 3,8 lần nhóm người nghèo nhất).

Vùng có mức chi tiêu bình quân cao thứ 2 là vùng đồng bằng sông Hồng có mức chi tiêu 3.230 ngàn đồng (trong đó chi tiêu của nhóm người giàu nhất là 4.803 ngàn đồng gấp 2,5 lần nhóm người nghèo nhất); tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có mức chi tiêu 2.426 ngàn đồng (trong đó chi tiêu của nhóm người giàu nhất là 3.917 ngàn đồng gấp 3,1 lần nhóm người nghèo nhất).

Vùng Tây nguyên và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức chi tiêu gần tương đương nhau lần lượt là 2.106 ngàn đồng và 2.143 ngàn đồng nhưng giữa 2 vùng này có sự khác biệt khá lớn về khoảng cách chi tiêu giữa nhóm người giàu nhất và nhóm người nghèo nhất: vùng Tây Nguyên có khoảng cách là 3,1 lần lớn hơn nhiều so với khoảng 2,2 lần vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

Từ những con số thống kê ở trên có thể thấy, thu nhập của đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Đây là tín hiệu khá xấu. Không những thế, nó còn cho thấy việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.


Tin bài liên quan:

VNTB – Doanh nghiệp kiên trì kiến nghị miễn giảm thu phí cảng biển

Phan Thanh Hung

VNTB – Nga gặp khó ra sao khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thị trường tài chính Việt Nam điều chỉnh để thích ứng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo