Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đột phá đề thi Văn 2016: Thói quen đem lời lãnh tụ cộng sản làm đề thi không còn nữa


Phùng Hoài Ngọc

(VNTB) – Đề thi Văn lay động chục vạn thí sinh và giám khảoThói quen đem lời lãnh tụ cộng sản làm đề thi không còn nữa. Tôi tin rằng mãi mãi điều đó không thể trở lại.

Inline image 1

Inline image 2

Một bài Văn kết thúc thời học trò phổ thông, mở cửa vào đại học cao đẳng và các trường học nghề đa dạng. Bài văn đặc biệt này sẽ ghi ấn tượng sâu sắc cho học sinh, là món hành trang mang mãi suốt đời. Đề thi Văn còn tác động đến cả phụ huynh học sinh, nhất là những bậc có khả năng hướng dẫn con cháu học hành. Con đi thi về tới nhà đỏ mặt tía tai bơ phờ, cha mẹ hồi hộp đón hỏi con đề thi thế nào…Đề thi Văn cũng tác động đến hầu khắp những người yêu văn rộng rãi trong xã hội. Người ta gặp nhau tranh cãi đề văn trên mạng Fb suốt cả tuần lễ qua chưa dứt… Đề dở thì quên đi, đề hay được nhớ mãi. Hay khen, hèn chê. Lẽ đời công bằng là vậy.

Năm ngoái cũng dịp này, trên trang VNTB chúng tôi đã bàn về một đề thi Văn hơi yếu kém. Đó là bài báo “Những nhược điểm nặng nề của đề thi văn đại học 2015”*[1]Đề thi yêu cầu phân tích truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Kế đó chúng tôi góp phần “Phê bình truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” trong sách Văn 12”*[2], sau đó trang FB điện tử Văn học & Tuổi trẻ của Bộ giáo dục đã đăng lại bài này *[3], kể cả trang Văn Đoàn độc lập *[4] cũng đăng tải.

 

Năm nay thì rất mừng, đề thi Văn có tiến bộ hơn hẳn. Đề Văn mang cả hơi thở nóng hổi và bức xúc của đời sống tinh thần người Việt vào trang giấy thi. Trước hết, đó là tiếng nói tiến bộ của một bộ phận giáo viên Văn nước ta. Đề Văn là biểu hiện sự thức dậy của lương tri trí thức, thể hiện khí hậu phong trào phản biện của giới trí thức nước ta nói chung trong những năm qua.
Là người có tham gia ra đề thi đại học ở trường ĐH,CĐ trong các giai đoạn trước đây, chúng tôi cảm phục đề thi Văn năm nay.
Hàng chục năm trước, đề thi Văn hầu như chỉ bàn chuyện văn chương văn học thuần túy, không chạm vào những vấn đề nhức nhối trong tình hình xã hội và thời sự, tức là “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Đó là thời kỳ “đóng băng” tinh thần văn học trong nhà trường từ phổ thông đến đại học.
Gần chục năm trở lại đây, tình hình chính trị xã hội ngày càng bức xúc, nhà giáo và nhà trường không thể cứ mãi mũ ni che tai, quay lưng với cuộc sống đang tuột dốc toàn diện… Hiện  tượng đột xuất với cô giáo trung học Lê Thị Thùy Trang ở An Giang. Cô tỏ thái độ trên trang FB về một ông chủ tịch tỉnh quan liêu xa dân. Cô bị “hệ thống chính trị” quây đánh. Báo chí cả nước đổ xô về xứ An Giang xa xôi để làm cho rõ chuyện. Và kết thúc, chính quyền xin lỗi cô Trang. Năm nay nối tiếp đến cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh dạy học và sinh sống ngay nơi rốn thảm họa cá biển miền Trung. Cô đã tung ra bài thơ chấn động thế giới người Việt “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”. Bài thơ điêu luyện kéo theo hàng chục ca khúc phổ nhạc. Ba cô giáo dạy văn tiếp tục làm thơ xướng-họa về số phận đất nước, thu hút bạn đọc thưởng thức nhiều trên mạng FB. Cô Nguyễn Thanh Huyền GV chuyên Văn Hải Dương ra bàixướng “LỜI MỴ CHÂU TỰ BẠCH”, cô giáo Trần Thị Lam họa lại với bài NỖI OAN NÀNG MỴ CHÂU, cô Trịnh Thu Tuyết trường THPT Chu Văn An Hà Nội họa tiếp với LỜI LẠC LONG QUÂN”.
Vụ tai nạn máy bay kép SU và CASA cũng gây chấn động xã hội ta được nhìn từ nhiều phương diện. Cô giáo dạy văn Trần Thị Mỹ Hà viết trên FB lời phàn nàn về cách đền ơn đáp nghĩa với gia đình tử sĩ khá kỳ cục của nhà nước. Hai luồng dư luận phản đối và đồng tình khó phân thắng bại. Dù thế nào, đó cũng là tinh thần dân chủ được khởi động trong làng giáo, một dấu hiệu tốt hơn nữa.
Tuần lễ nay, trên mạng xã hội, những người yêu văn chương lại bàn tán sôi nổi về đề Văn quốc gia 2016. Giám khảo cả nước hiện đang sôi nổi làm việc trong các phòng chấm thi.
Nhà trường đang chuyển động, dù chậm chạp nhưng còn hơn nằm im ngủ đông quá lâu. Nhà trường không thể cưỡng lại sự tất yếu hợp qui luật phát triển của lịch sử.
Hội đồng đề thi là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất, ban tuyên giáo không thể xớ rớ can thiệp. Các thầy cứ yên tâm làm việc.
Đề thi có 10 câu hỏi chia theo ba phần: Nghị luận xã hội, tiếng Việt và nghị luận văn học.
Chúng tôi chỉ trích dẫn và bàn về những câu hỏi mới mẻ và thú vị nhất.
       Làm văn và nghị luận xã hội:
Câu 1Sự hèn nhát khiến còn người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình. Anh chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.
Chắc chắn đề thi này tạo được đất cho thí sinh làm bài. Tinh thần tự do tự chủ và ý thức công dân của người thí sinh sắp từ giã tuổi teen được đánh thức. Tinh thần ấy đánh thức cả giám khảo khả kính vốn chi lo vun vén cho cái tôi nhỏ bé dù rnag82 khá chật vật.
Chẳng những thế, chúng ta tin rằng Đề thi còn đánh thức cả một bộ phận không nhỏ trong hàng vạn giáo viên nước Việt dù không dạy môn Văn.
Thói quen đem lời lãnh tụ cộng sản làm đề thi không còn nữa. Tôi tin rằng mãi mãi điều đó không thể trở lại. Năm nay phần nghị luận xã hội chọn trích một đoạn văn có vẻ khô khan của Ghersen (1812 -1870) nhà văn phê bình mỹ học dân chủ trước Cách mạng tháng 10, trước rất lâu ê kíp của Lê Nin ra làm mưa làm gió trên văn đàn. Đoạn văn này nằm khiêm tốn trong sách Ngữ văn 11 như một bài luyện tập. Bài văn yêu cầu thí sinh làm theo cách nghị luận xã hội.

     Nghị luận xã hội
Câu 6: Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của “cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa của nhà mình” được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh nào?
Câu 7: Tại sao tác giả cho rằng “số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn” ?
Câu 8: Anh chị suy nghĩ như thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi “cái tuyệt đối cá nhân” ?
Ba câu hỏi lay động thí sinh, kể cả giám khảo. Họ giật mình nghĩ về cuộc sống và cách ứng xử của chính họ, băn khoăn giữa cái Tôi và Chúng ta.
    Nghị luận văn học (kết hợp tiếng Việt)

Đề: Bài thơ “Tiếng Việt” của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ.
     Đề thi trích 20 câu sau (toàn bài thơ có 60 câu, chia ra 15 khổ x 4 câu)
Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già. 

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.
 

Phần kiến thức ngữ văn tiếng Việt giúp thí sinh ôn lại, ngắm nghía, phân tích những vẻ đẹp của một thứ tiếng nói trầm tích văn hóa dân tộc lâu đời. Tiếng Việt mang tâm hồn Việt, hiện thực đất nước Việt với người dân cần cù, lam lũ, lãng mạn và đau thương.
Người ra đề đã bộc lộ ý thức công dân trong tình hình nước sôi lửa bỏng, chủ quyền dân tộc đang bị đe dọa và lãnh thổ lãnh hải đang bị gặm nhấm và xả độc. Ý thức về nguy cơ đất nước bị xâm lược làm khắc khoải lương tri của người thầy dạy Văn.
“Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất 
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già”. 
Khổ thơ trên mang đầy tính thời sự. Hai câu đầu khẳng định da diết tiếng Việt- tấm gương của văn hóa Việt, tâm hồn Việt sẽ mãi mãi không mất, bất luận hoàn cảnh số phận đất nước sẽ ra sao. Đó là ý chí độc lập tự chủ của người Việt chống lại “quyền lực mềm” mà Trung cộng đang ném tiền vung vãi trên đất nước ta. Hai câu sau nhức nhối đặc biệt mang âm hưởng chính trị: nghi án lịch sử hơn hai nghìn năm trước được khơi lại. Ai là kẻ đã từng thực sự làm mất nước – vua An Dương vương độc tài và chủ quan hay nàng Mỵ Châu si tình ngây thơ ? Đó là một án oan lịch sử, công chúa cũng chịu phận một DÂN OAN mà hàng nghìn năm qua giới sử học chưa đủ khả năng minh oan cho nàng.
Và thế là, năm nay chúng ta có một đề Văn hay nhất so với nhiều chục năm qua.
Năm ngoái, chúng tôi đã giới thiệu 2 bài thơ đặc sắc của nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bài “Lưu Quang Vũ nhà thơ phản chiến đầu tiên ở miền Bắc trước 1975” *[5] trên trang VNTB và Thưởng thức bài thơTrung Hoa” của Lưu Quang Vũ *[6] trên trang Giang Nam lãng tửblog.
TÁI BÚT
Vấn đề chọn tài liệu ra đề
Ngay trong ngày thi Văn, cư dân mạng đã ồn ào thắc mắc cho rằng đề thi ra sai một chữ (BÙN hay là ĐẤT CÀY ?). Các báo, đài báo nhà nước quan tâm đề thi đã mau mắn vào cuộc và khẳng định đề thi đúng bản gốc. Tuy nhiên vấn đề này cũng đáng được bàn bạc.
Nguyên nhân là có một câu thơ được in khác nhau trên các sách báo.
 Bản thảo viết tay của Lưu Quang Vũ:
Ôi tiếng Việt như bùn, như lụa
 
Báo Văn nghệ in lần đầu 1978 (BBT sửa, tác giả đồng ý):
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
 
Sách của Nhà xb Giáo Dục:
Ôi tiếng Việt như bùn, như lụa (in theo bản thảo viết tay của tác giả)
 
Sách Nhà xb Văn học:
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa (theo bản in đầu tiên báo Văn nghệ) 
 
Sách Nhà xb Văn hóa Thông tin (như nhà xb Văn học):
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa 
Hai nhân chứng xác nhận rằng cả hai văn bản trên đều được tác giả đồng ý. (Phỏng vấn TS.Lưu Khánh Thơ em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ và trích dẫn tài liệu nhà thơ Xuân Quỳnh vợ tác giả viết trước đây).
Theo lý, văn bản sau của tác giả trở thành chính thức, gọi là định bản(tương tự như vấn đề di chúc, bản di chúc sau có giá trị pháp lý). Như vậy “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đã được tác giả đồng ý sẽ là định bản. Riêng bản thân người viết bài này cũng đồng tình với lựa chọn sau của nhà thơ.
      Được biết, Bộ có qui định bắt buộc đề thi phải dùng sách của NXB.Giáo dục.

Rất có thể Ban đề thi Văn cũng thích “đất cày” hơn “bùn” nhưng vướng qui chế Bộ nên đành phải chọn “bùn”.
Qua chuyện này, đề nghị Bộ sửa qui chế đề thi, không nên máy móc cứng nhắc.
Vấn đề thưởng thức và nghiên cứu văn học
Bây giờ bàn tiếp câu chuyện thưởng thức văn chương trên mạng FB.

Sau khi xác định hai nguồn văn bản gốc, trên FB sinh ra nhiều nhóm tranh cãi tiếp về chữ BÙN và ĐẤT CÀY, cái nào hay hơn. Chuyện văn chương thơ phú mà khi nóng máu lên, họ mạt sát lẫn nhau đôi khi quá mức, không cần thiết.
Việc tranh cãi tùy hứng không có phương pháp luận sẽ chẳng bao giờ kết thúc.
Nhìn chung, có hai cách bàn tán thảo luận tranh luận văn học.
Cách 1: Thưởng thức văn chương. Ai thích hay ghét chữ nào thì cứ nói ra, chẳng cần lý lẽ gì hết. Thích hay không là do cảm tính. Đây là tính dân chủ trong đời sống thẩm mỹ nghệ thuật cần được tôn trọng.
Cách 2: Nghiên cứu văn học: cần có phương pháp nghiên cứu, thang bậc, tiêu chí đánh giá. Những người nghiên cứu văn học chuyên nghiệp dễ dàng nhất trí với nhau, qua thảo luận, hay dở chỉ còn tùy thuộc năng lực nhà nghiên cứu.
Mặc dù chỉ mắc mớ một chữ, Ban đề thi năm nay đã chọn được một bài thơ rất hay để làm đề thi. Đánh dấu một cột mốc trong làng Văn.
CHÚ THÍCH
1. Báo Văn nghệ, Tiếng Việt– Lưu Quang Vũ, 1978 (đất cày).
2.Thơ Việt Nam 1945-1985NXB.GD 1985  (bùn)
3. Lưu Quang Vũ – thơ và đời, NXB Văn hoá – Thông tin, 1999 (đất cày)
4. Lưu Quang Vũ thơ tình, NXB Văn học, 2002  (đất cày)
  v.v…còn các bản khác nữa chưa kể hết.


*[1] . Bài đăng trên VNTB số ra ngày 5.7.2015:
 http://www.ijavn.org/2015/07/vntb-nhung-nhuoc-iem-nang-ne-cua-e-thi.html
*[6] .https://giangnamlangtu.wordpress.com/2011/08/24/th%C6%B0%E1%BB%9Fng-th%E1%BB%A9c-bai-th%C6%A1-%E2%80%9Ctrung-hoa%E2%80%9D-c%E1%BB%A7a-l%C6%B0u-quang-vu-%E2%80%93-gop-l%E1%BB%9Di-ban-lu%E1%BA%ADn/

Tin bài liên quan:

VNTB- Thiếu vắng tình bạn và tình người trong văn chương hiện đại

Phan Thanh Hung

VNTB – “Đang bay trong gió”- bài thơ hát được của Bob Dylan giải Nobel văn chương 2016

Phan Thanh Hung

VNTB – Bình 3 sự kiện đất đai nóng: Đồng Tâm – Sân golf – Yên Bái

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo