Hàn Lam
(VNTB) – Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng đầu năm.
“Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương; xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm” – trích báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ – CP, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2023” của Bộ Công Thương. Theo đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa xâm nhập sâu được vào trong thị trường nội địa Trung Quốc, chưa kết nối với các tập đoàn lớn, các kênh phân phối hiện đại, mạng lưới bán hàng điện tử, trực tuyến, siêu thị lớn của Trung Quốc.
Đáng chú ý là mặc dù thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, song theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11, cả nước nhập khẩu gần 675.800 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 493 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15-11, Việt Nam nhập khẩu hơn 11,3 triệu tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt gần 9 tỷ USD, tăng 9% về lượng nhưng giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Về thị trường, cập nhật của Tổng cục Hải quan hết tháng 10, Trung Quốc dẫn đầu với 6,4 triệu tấn, kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD, tăng 48% về lượng, tăng 3% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá sắt thép Trung Quốc rẻ hơn so với năm ngoái, giá nhập khẩu trung bình khoảng 698 USD/tấn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, riêng thị trường này chiếm 60% về lượng và chiếm 52,3% về kim ngạch nhập khẩu sắt thép của Việt Nam.
Lý giải thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt cho biết hiện nay, các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào. Các sản phẩm sắt thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Do đó, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng từ các nước như sắt thép Trung Quốc nhập vào nhiều.
Trước thực trạng đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ đề xuất xem xét xây dựng hàng hàng kỹ thuật, thủ tục kiểm tra chất lượng đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuần lễ trước đây, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh có cuộc làm việc với đoàn đại biểu Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa 2 bên cùng phát triển thương mại biên giới.
Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, phía Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp với tỉnh sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa tại một số cặp cửa khẩu, đồng thời, tạo thuận lợi cho hàng hóa thông quan; sớm tổ chức lễ công bố chính thức vận hành đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa qua Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc), thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Hữu Nghị Quan….
Nguồn tin cho biết phía đại diện Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây mong muốn, Việt Nam triển khai hoạt động cửa khẩu thông minh theo thỏa thuận khung đã ký kết giữa hai bên; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng.