Nguyễn Huyền
(VNTB) – Vì sao giờ đây trong môi trường giáo dục của chúng ta xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường: không chỉ học trò gây bạo lực khủng khiếp với nhau mà còn có cả việc học trò gây bạo lực, bắt nạt giáo viên?
Tôi cho rằng ở đây còn có trách nhiệm chính trị của tổ chức được mang tên “Hội đồng đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh” (TNTP HCM), gọi tắt là Hội đồng Đội ở mỗi trường học.
Trong nội dung “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội TNTP HCM giai đoạn 2018 – 2023”, có 2 nhiệm vụ liên quan đến chữ “lễ”, đó là: “Phụ trách công tác tổ chức và hoạt động của Đội TNTP HCM, phát triển phong trào thiếu nhi theo đường lối của Đảng và chủ trương của Đoàn.
Nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn những chủ trương công tác Đội và phong trào thiếu nhi, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng xã hội, định hướng quá trình hình thành nhân cách cho các em từ tuổi nhi đồng; đổi mới hình thức sinh hoạt Đội, hoạt động thiếu nhi phù hợp với các loại hình trường, lớp và địa bàn dân cư”.
Quyền hạn của Hội đồng Đội ở các trường học còn là “Kiến nghị, đề xuất với các cơ quan Nhà nước, các ngành, đoàn thể xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; chăm lo các hoạt động của tổ chức Đội và thiếu nhi. Đại diện bảo vệ quyền lợi, ngăn ngừa và kháng nghị những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thiếu nhi”.
Danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” đối với học sinh, chính là một trong những hình thức khen thưởng của hoạt động Hội đồng Đội ở nhà trường. Và với danh hiệu này mà lại để bị công luận lên tiếng chỉ trích là “giờ đây trong môi trường giáo dục của chúng ta xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường: không chỉ học trò gây bạo lực khủng khiếp với nhau mà còn có cả việc học trò gây bạo lực, bắt nạt giáo viên”, cho thấy Hội đồng Đội đã không hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng đã tin tưởng giao phó; gián tiếp gây mất lòng tin vào giáo dục nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa ngay ở bậc tiểu học.
Nói đi thì cũng nói lại, Hội đồng Đội ắt hẳn lâu nay cũng lâm thế khó trong việc tuyên truyền đạo đức, bởi khi các đội viên TNTP HCM hôm nay được tiếp cận quá nhiều tin tức tiêu cực từ các lãnh đạo cấp cao ở các vụ án đình đám như “chuyến bay giải cứu”, kit-test Việt Á… Ngay cả hình ảnh một thời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đeo khăn quàng đỏ trong sự kiện chính trị học đường, để rồi cũng chính ông chủ tịch dính những bê bối khiến phải “chủ động từ chức”, sẽ là liên tưởng xấu xí về đạo đức cách mạng của một ủy viên tầm Bộ Chính trị.
Chưa hết, bọn trẻ còn nhìn vào người lớn, nhìn vào bố mẹ, thầy cô, nhiều khi thấy những lời dạy dỗ về đạo đức, lối sống mà họ thốt ra chẳng có mấy giá trị bởi vì đó chỉ là nói suông mà thôi, thì xem ra chữ “lễ” cũng là mỹ từ ở thời quá vãng học đường.
Thứ nữa, giáo dục của chúng ta từ sau tháng Tư, 1975 đến nay nặng về nhồi nhét kiến thức, chuộng thành tích và hình thức kiểu như danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” là ví dụ.
Một khi môi trường giáo dục dường như không còn chỗ để gieo những hạt mầm của cách ứng xử nhân văn, không còn thời gian và không gian cho sự quan sát để hiểu và cảm thông giữa hai đối tượng thầy và trò thì tất yếu sẽ dẫn trẻ căng thẳng, thầy cô căng thẳng nên các tương tác học đường dễ biến thành xung đột.
Hiểu rộng hơn, đời sống chính trị ở Việt Nam cũng dường như chỉ phẳng lặng bề mặt, bởi quyền tự do biểu đạt của mỗi người dân buộc phải giới hạn ở nội hàm không được quyền nghi ngờ vào khả năng lãnh đạo quốc gia của Đảng Cộng sản, cho thấy chiếc lò xo ngày càng bị nén của đe dọa tức nước vỡ bờ tương tự như bạo lực trong đời sống tràn lan hiện nay…