VNTB – Tết trồng cây … giả

VNTB – Tết trồng cây … giả

Nguyễn Huyền

 

(VNTB) – Công bằng mà nói, trường hợp thích trồng cây đã to sẵn như ông Nguyễn Phú Trọng không là cá biệt.

 

Trồng cây vì ý nghĩa thực sự của cây hay vì thành tích, phô trương? Trồng cây lớn hay nhỏ, vì sao trồng; kế hoạch trồng, chăm sóc và đánh giá kết quả thế nào?

Hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trồng cây lưu niệm tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long hôm mồng 6 Tết Tân Sửu cho thấy câu trả lời ở đây là trồng cây để phô trương.

Trở ngược thời gian.

Ngày 28/11/1959, trên báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”. Người đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây bởi “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều… Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”.

Sáng 11/1/1960, Bác cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu, nay là Công viên Thống Nhất. Người đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun trồng một cây đa. Từ đó, Tết trồng cây trở thành mỹ tục của dân tộc mỗi độ tết đến xuân về.

Quan điểm “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”.

Người nhận định: “Nơi nào mà cấp bộ Đảng từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng về hạt giống, vườn ươm…, có kiểm tra cẩn thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên nhi đồng thì nơi đó phong trào tết trồng cây phát triển tốt” (*).

Như vậy, trồng cây cần có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng; cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, gắn trồng cây với phát triển kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với xây dựng đời sống nhân dân. Trồng cây, không phải trồng ồ ạt, thích cây gì trồng cây ấy, to nhỏ không cần quan tâm mà trồng cây có độ tuổi phù hợp, chăm sóc lâu dài để cây phát triển tự nhiên.

Trong các dịp Tết trồng cây nhiều năm qua, có những nơi người ta trồng cây cổ thụ, cây to. Họ đã chuyển cây từ nơi khác đến trồng nơi mong muốn, như cây lưu niệm.

Cây được trồng có khi không sống được đến mùa phát động năm sau; cây được trồng có khi quý hiếm đến độ phải cử người ngày đêm trông coi phòng trộm; có cây đến cả chục năm tuổi; cây trồng xong quên cả chăm sóc… Những việc làm ấy đã làm mất đi giá trị tốt đẹp khởi thủy của Tết trồng cây, thậm chí làm méo mó chủ trương trong tư tưởng, tầm nhìn sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc làm rất có ý nghĩa này.

Mong sao, việc học lại những điều dạy và những việc Bác Hồ làm về Tết trồng cây, để chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng suy nghĩ và cố gắng phấn đấu: Xuân về ta tiếp tục sự nghiệp trồng cây, trồng người mà Bác Hồ đã chăm lo để đất nước ta càng ngày càng xuân.

Công bằng mà nói, trường hợp thích trồng cây đã to sẵn như ông Nguyễn Phú Trọng không là cá biệt. Hễ ai có dịp đi qua đền Đô (Bắc Ninh), đền Trần (Nam Định) đều được nhìn thấy “hàng cây quan chức” có đeo biển ghi tên và chức danh rất cụ thể.

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), các quan chức trồng cây lưu niệm cũng được xếp thành hàng và còn được khắc tên, khắc chức danh lên bia đá hình lá bồ đề để lưu danh, rất tốn kém.

Tại đền Nưa – Am Tiên và khu vực Huyệt đạo quốc gia (đỉnh Ngàn Nưa, Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã và đang hình thành “vườn cây quan chức” từ trung ương xuống địa phương được trồng “lưu niệm”. Cây trồng ken dày, chen lấn không theo hàng lối, phản cảm.

Thắng cảnh Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Nưa – Am Tiên – Bà Triệu có nhiều cây đa, cây đề cổ thụ được trồng – thực chất là dời từ nơi khác đến, và được tạc tên cùng chức danh người trồng vào các tảng đá bên gốc cây.

Cũng tại đền Nưa – Am Tiên, không chỉ có “vườn cây quan chức” mà hiện đang hình thành “vườn cây doanh nhân”. Họ cũng cung tiến và “trồng lưu niệm”.

Về hình thức, hai vườn cây này có những điểm giống nhau, đó là “đều là các loại cây cổ thụ” được bứng ở rừng về hoặc ở khu vực khác luân chuyển vị trí đến đền Nưa – Am Tiên để trồng. Việc bứng cây từ nơi này dời sang nơi khác, chứ không phải trồng cây mới nên không thể gọi là “trồng cây gây rừng” được.

Quan chức thường trồng các loại cây như cây đa, cây đề – loại cây dân gian quan niệm về tâm linh. Còn doanh nhân phần lớn trồng cây lộc vừng, cây sanh, cây si và thảo lan – loại cây quan niệm về phát tài phát lộc.

Việc trồng cây đang có chiều hướng biến tướng, chứ không còn mang ý nghĩa như Bác Hồ đã dạy?

________________

Chú thích:

(*) Sách Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 11, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, trang 357.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)