Hoài Nguyễn
(VNTB) – Có tin đồn đoán rằng cựu tổng biên tập báo Thanh Niên đang vướng pháp lý liên quan đến đất đai.
Tài khoản facebook tích xanh chính chủ của cựu tổng biên tập báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế hiện tại “trắng” toàn bộ nội dung. (https://www.facebook.com/khe.
Có đồn đoán cựu tổng biên tập báo Thanh Niên đang vướng pháp lý về chuyện thủ tục liên quan đến khu đất tại số 151 – 155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP.HCM.
Nhà máy thuốc lá đầu tiên của Sài Gòn
Địa chỉ 151 – 155 Bến Vân Đồn này có nguồn gốc đất là cơ ngơi của nhà máy sản xuất thuốc lá Vĩnh Hội.
Nhà máy này thời Pháp nằm trên đường “Quai De La Marne” tức đường Bến Vân Đồn thời Việt-Nam Cộng Hòa sau này và kế bên là nhà thờ Vĩnh Hội đối diện cầu Ông Lãnh, còn con đường Tôn Thất Thuyết sau này chính là khu của dân Khánh Hội mà sau này gọi là quận 4.
Sau tháng 4-1975 với chiến dịch đánh tư sản, nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội thuộc quyền quản lý của Liên hiệp Thuốc lá 2. Ông Lê Đình Thụy, một cán bộ tập kết được cử làm giám đốc nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội “sau tiếp quản” năm 1975.
Ông Lê Đình Thụy là cán bộ cấp tiến. Có chuyện kể như sau: lần nọ, hè 1983, ông Lê Đình Thụy được mời lên Đà Lạt dự cuộc họp ‘kín’ với những tên tuổi chóp bu như Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Chí Công…
Được sự động viên của ông Nguyễn Văn Linh, sau thoáng bối rối, ông kể liền một mạch: “Với cung cách quản lý cổ lỗ, làm giả làm dối, đời sống công nhân cực kỳ nguy khốn… Chuyện cô công nhân tên Hương ở nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội có 4 con dại, chồng đi học tập cải tạo, làm không đủ ăn đã mấy lần cả mấy mẹ con định tự tử bằng cách bỏ thuốc chuột vào nồi cháo để mấy mẹ con cùng chết. Chuyện như cô Hương không hiếm… Có nữ công nhân đã phải đi làm điếm”…
Từ thời điểm ngày 1-1-2004, Bộ Công nghiệp quyết định sáp nhập nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội vào nhà máy thuốc lá Sài Gòn – thành Công ty Thuốc lá Sài Gòn, thuộc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Năm 2012, Công ty Thuốc lá Sài Gòn hoàn tất di dời về Khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Hai mặt bằng ở khu trung tâm thành phố, trong đó có địa chỉ 151 – 155 Bến Vân Đồn đã đổi chủ.
Nhóm nhà báo tờ Thanh Niên ‘nhảy vào xí phần’
Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên do ông Nguyễn Công Khế là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thông qua các mối quan hệ chính trị đã “xí phần” khi nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội buộc phải di đời việc sản xuất ra khỏi nội đô.
Thời điểm đó, theo kế hoạch năm 2009 đã được đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông Thanh Niên thông qua, trong năm 2009 công ty sẽ triển khai dự án cao ốc văn phòng tại Hà Nội (Thanh Niên Plaza – 125 Văn Cao, quận Ba Đình) và 2 công trình tại TP.HCM gồm cao ốc văn phòng Trung tâm thương mại và căn hộ tại 151-155 Bến Vân Đồn, quận 4; cao ốc văn phòng – thương mại tại 19 Cao Thắng, quận 3; tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng; thực hiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2010.
Khi ấy, ông Nguyễn Công Khế cầm trong tay quyết định duyệt phương án giá đất số 5040/QĐ-UBND ngày 09-11-2018 của Ủy ban nhân dân TP.HCM. Thế nhưng không hiểu vì sao các thủ tục tiếp theo cho xác định số tiền để chủ đầu tư hoàn tất nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế thì vẫn dằng dai kéo dài đến tận khi dự án này được ông Nguyễn Công Khế “nhượng” lại cho Công ty TNHH Nova Rivergate.
Ngày 27-10-2014, phiên đấu giá cổ phần của Công ty cổ phần Bất động sản Thanh Niên do báo Thanh Niên sở hữu. Theo đó, cả 5 nhà đầu tham gia đấu giá đều trúng giá với giá trúng bình quân là 10.100 đồng/cổ phiếu, đúng bằng giá khởi điểm.
Khối lượng bán đấu giá là 7,95 triệu cổ phần, tương đương 15% vốn điều lệ của Bất động sản Thanh Niên. Khối lượng đặt mua cao nhất là 6 triệu cổ phần.
Số tiền mà báo Thanh niên thu về từ đợt đấu giá này là 80,3 tỷ đồng. Theo cơ cấu cổ đông gồm báo Thanh niên nắm 15% cổ phần; 85% cổ phần còn lại do Sun Group và 2 công ty liên quan nắm giữ.
Công ty Bất động sản Thanh niên được thành lập với mục đích chính là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Cao ốc Thanh Niên tại khu đất số 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM. Dự án này gồm khu cao ốc, văn phòng và trung tâm thương mại với 2 tòa tháp 32 tầng nổi và 6 tầng hầm trên tổng diện tích xây dựng 4.252m2. Tuy nhiên dự án này đã không được triển khai đúng kế hoạch do khó khăn chung của thị trường bất động sản cùng với việc tiến hành các thủ tục để triển khai dự án diễn ra chậm.
Thời điểm đó, cũng tại khu đất trên, tập đoàn Novaland đã giới thiệu dự án River Gate như ngầm thông báo việc chuyển nhượng dự án giữa Bất động sản Thanh Niên và Novaland.
Báo Thanh Niên thoái vốn khỏi công ty của sếp cũ Nguyễn Công Khế
Ngày 13-2-2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ra thông báo về việc bán đấu giá 4,8 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên do báo Thanh Niên nắm giữ.
Với số vốn điều lệ của Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên là 403,4 tỷ đồng, 4,8 triệu cổ phần báo Thanh Niên nắm giữ và mang ra bán đấu giá đợt này tương ứng gần 12% vốn điều lệ của Công ty. Với mức giá khởi điểm là 11.350 đồng/cổ phiếu, ước tính báo Thanh Niên có thể thu về tối thiểu 54,5 tỷ đồng nếu đợt đấu giá thành công.
Công ty cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên được thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sau 4 lần tăng vốn tăng lên hơn 403,4 tỷ đồng như thời điểm 2-2019.
Theo báo cáo quản trị công ty năm 2018, ông Nguyễn Công Khế là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc và cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 74,4% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Công Khế từng là Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Báo cáo tài chính hợp nhất được Tập đoàn Truyền thông Thanh niên công bố cho thấy, Tập đoàn có 2 công ty con, 6 công ty liên kết. Tất cả các công ty này có chung địa chỉ với công ty mẹ tại 345/134 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.
9 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn đạt doanh thu thuần 85 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017. Tập đoàn ghi nhận khoản lỗ sau 3 quý 2018 là 1,1 tỷ đồng. Trong hai năm trước đó là 2016 và 2017, Tập đoàn đạt doanh thu thuần 180 và 182,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng là 6 và 13,8 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến 30-9-2018 đạt 588 tỷ đồng. Đáng chú ý, 300 tỷ đồng được ghi nhận đầu tư tài chính dài hạn cho một cá nhân là ông Nguyễn Duy Thuận.
Tập đoàn cũng có khoản đầu tư dở dang dài hạn hơn 99 tỷ đồng, chủ yếu là vào dự án Long Phước Garden (khu nhà ở thương mại tại quận 9, nay là thành phố Thủ Đức) với giá trị ghi nhận là 97,3 tỷ đồng.
Ngoài các lĩnh vực hoạt động chính như tổ chức sự kiện, quảng cáo, cho thuê văn phòng, in ấn và phát hành báo, tạp chí…, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên còn được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư cần vốn lớn bất động sản, điện mặt trời.
Năm 2016, Tập đoàn Truyền thông Thanh niên hợp tác với Tập đoàn Univergy Việt Nam Holding thành lập Công ty TNHH Năng lượng mặt trời Vinergy thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời.
Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Tập đoàn đang có khoản vốn góp 4 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Cao ốc Thanh niên có địa chỉ tại 125 Văn Cao, Liễu Giai, Hà Nội. Theo thông tin báo Thanh Niên đăng tải ngày 6-11-2008, dự án này gồm cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại Thanh Niên – Detesco cao 26 tầng trên khu đất có tổng diện tích 1.325m2. Tuy nhiên, trên mạng có nhiều website quảng cáo dự án có cùng địa chỉ 125 Văn Cao với tên thương mại Sun Grand City Van Cao Residence.
Đối với dự án Long Phước Garden, ngày 7-2-2018, Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên đã thông qua việc chấm dứt hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên trong triển khai dự án này do không hiệu quả và không mang lại lợi ích kinh tế. Để thực hiện việc này, Tập đoàn Truyền thông Thanh niên đã thông qua kế hoạch hoàn trả 120 tỷ đồng, gồm 103 tỷ đồng tiền vay và 17 tỷ đồng tiền lãi cho Trung Nguyên.
Cũng trong năm 2018, Tập đoàn Truyền thông Thanh niên đã cho giải thể Công ty TNHH Thanh Niên Vĩnh Hy. Được biết, Công ty TNHH Thanh Niên Vĩnh Hy có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, nhằm triển khai dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, Ninh Thuận…