Phú Nhuận
(VNTB) – Tính đến hiện tại thì Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc năm 2023 là hoạt động diễn tập song phương duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam với một nước đối tác nước ngoài về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.
Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc năm 2023 (VINBAX2023) diễn ra từ ngày 11 đến 19-12, với sự tham gia của 577 nhân sự từ hai quốc gia, trong đó có 45 cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng Quân y, Công binh của Quân đội mỗi nước, cùng các giảng viên, sĩ quan liên lạc và lực lượng phục vụ.
Đại tá Aseem Gupta, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 68, Lục quân Ấn Độ, Trưởng đoàn Quân đội Ấn Độ tham gia Diễn tập VINBAX 2023. Đại tá Lưu Đình Hiến là Trưởng đoàn Quân đội Việt Nam.
Thông cáo báo chí cho biết, tại Diễn tập VINBAX 2023, các thành phần tham gia sẽ thực hành kỹ năng chuyên ngành của Công binh và Quân y trong thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ, với những nội dung cụ thể như: Giới thiệu về vật nổ tự chế, trinh sát của Phân đội Công binh, xây dựng, bảo trì đường bộ, xây dựng bãi đáp trực thăng, kho đạn, vọng gác, tường, rào bảo vệ căn cứ; cấp cứu và chuyển thương; phân loại bệnh nhân trong tình huống tổn thương hàng loạt, cấp cứu chấn thương nâng cao, thực hành sơ cứu thương, cấp cứu và chuyển thương…
Đại tá Aseem Gupta cho biết, diễn tập tích hợp thực binh nhằm đánh giá các tiêu chuẩn hoạt động của các lực lượng tham gia của Việt Nam và Ấn Độ khi tiến hành các hoạt động quân sự mang tính kỹ thuật dựa trên các kịch bản tình huống mô phỏng sát với thực tiễn tại các phái bộ của Liên hợp quốc. Lực lượng Ấn Độ sẽ thực hành và thể hiện năng lực xây dựng đường, cống, sân bay trực thăng, kho đạn dược và đài quan sát trong các công trình tại phái bộ.
Diễn tập VINBAX lần đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ năm 2018 và lần thứ hai tại Việt Nam năm 2019 theo hình thức trên sa bàn. Diễn tập VINBAX 2022 tại Ấn Độ được mở rộng và nâng cấp lên thành diễn tập thực địa. Năm nay là lần đầu tiên diễn tập thực địa tại Việt Nam trong bối cảnh được cho là nhạy cảm chính trị, khi phái đoàn cấp cao nhất của Nhà nước Trung Quốc đến Hà Nội hôm 12-12-2023.
Theo đó, tháp tùng cùng vợ chồng Tập Cận Bình còn có có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Thái Kỳ kiêm chánh Văn phòng Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị.
Đoàn còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu, Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương Giang Kim Quyền, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trình San Khiết, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào, Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Quốc vụ, Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba và phu nhân cũng có trong đoàn.
Ngoài ra còn có Cục trưởng Cục Hợp tác phát triển quốc tế La Chiếu Huy, Thiếu tướng Lý Bân, chủ nhiệm Văn phòng Hợp tác quân sự quốc tế trung ương và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nông Dung.
Tính đến hiện tại thì VINBAX là hoạt động diễn tập song phương duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam với một nước đối tác nước ngoài về Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc.
Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi định hình những quan điểm mang tính trụ cột nhằm đảm bảo quyền tự chủ chiến lược và tạo ra các lựa chọn phát triển để xử lý các thách thức địa chính trị. Cụ thể đó là những chiến lược đậm màu sắc “Trung đạo”, với tinh thần trung dung, cởi mở theo những lời dạy của Phật giáo.
Nói cách khác, Ấn Độ có xu hướng tránh xa các hành vi chính trị và chiến lược quá quyết đoán. Thứ hai, Ấn Độ ủng hộ đa cực, đa diện, “Hành động hướng Đông” nhưng cũng “Nghĩ về hướng Tây”. Thứ ba, Ấn Độ hiện đại tích cực đóng vai trò quốc tế và hướng đến là nhà lãnh đạo toàn cầu. Những yếu tố này có thể thấy trong nỗ lực và thành quả nhiệm kỳ chủ tịch G20 năm 2023 của Ấn Độ với chủ đề “Một Trái Đất, Một Gia đình, Một Tương lai”.
Chiến lược an ninh quốc phòng của Ấn Độ phản ánh nguyện vọng, mong muốn trở thành một nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, với những khía cạnh nổi bật như ưu tiên láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược trong khu vực, coi trọng các cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng đa phương cũng như tự chủ tự cường, phản ánh nhận thức về mối quan hệ với các cường quốc và cả các đối thủ trong, ngoài khu vực.
Vai trò cân bằng của Ấn Độ ở khu vực được thể hiện thông qua các cuộc tập trận quân sự mà VINBAX là đơn cử, tuần tra, các chuyến thăm viếng, các nhiệm vụ tuần tra chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo.