Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Niềm tin vào những điều gì đó huyền bí, cái mang sức mạnh siêu nhiên vẫn tồn tại, và đôi lúc được thổi bùng lên thành những hiện tượng xã hội.
Tài liệu “Tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam” lưu hành nội bộ của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng đang có những ngộ nhận do truyền thông định hướng.
Sự đa dạng của tôn giáo sắc tộc
Đề cập về khu vực miền núi phía Bắc của Việt Nam có diện tích lớn, với địa hình phức tạp, nơi có biên giới với hai quốc gia láng giềng là Trung Quốc và Lào, là địa bàn trọng yếu về an ninh và quốc phòng, tài liệu nhận định rằng đây cũng là nơi có tỷ lệ các hộ nghèo và cận nghèo trong nhóm cao nhất cả nước.
Vùng đất có nhiều khó khăn về điều kiện địa lý – môi trường này là nơi sinh sống đan xen của khoảng trên 11 triệu người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khu vực Đông Bắc chủ yếu là nơi cư trú của người Tày, Dao, Nùng, Sán Dìu,… Trong khi đó, vùng Tây Bắc là nơi sinh sống chủ yếu của người Mông, Thái, Mường,…
Đồng thời, người Kinh từ miền xuôi lên cũng đã hiện diện ở hầu khắp các tỉnh, cư trú dài hạn ngày càng nhiều hơn, chủ yếu vì các mục đích làm kinh tế. Sự đa dạng về dân tộc đi liền với đa dạng về văn hóa, phong tục và do đó là đa dạng về tôn giáo và tín ngưỡng.
Sự đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng sẵn có được đẩy mạnh hơn trong tiến trình hội nhập trong nước và quốc tế kể từ giai đoạn Đổi mới. Ở khu vực này, giờ đây có sự hiện diện của các tôn giáo lớn và phổ biến ở Việt Nam. Đồng thời, còn có sự xuất hiện các dạng thức hay hiện tượng tôn giáo mới, vừa mang màu sắc tín ngưỡng truyền thống, vừa có sự vay mượn, pha trộn các triết lý và thực hành thờ cúng mới mẻ. Niềm tin vào những điều gì đó huyền bí, cái mang sức mạnh siêu nhiên vẫn tồn tại, và đôi lúc được thổi bùng lên thành những hiện tượng xã hội.
Trong thực tế, theo tài liệu nói trên, người làm truyền thông vẫn còn lúng túng khi tiếp cận nhiều thông tin trái chiều chỉ về một hiện tượng. Chẳng hạn như tồn tại nhiều ý kiến chưa thống nhất trong các nhận định về các hiện tượng đã từng hiện diện hoặc vẫn tồn tại như Vàng Chứ, “Phạ tốc”, “Dương Văn Mình”; các “đạo lạ” được truyền nhập vào khu vực này từ Trung Quốc hay Mỹ như Bà Cô Dợ, Giê Sùa, San Sư Khẻ Tộ,…
Ngay cả sự phát triển mạnh của Tin Lành, tồn tại trong nhiều điểm nhóm thuộc cả các hệ phái đã được nhà nước cấp đăng ký hoạt động và chưa cấp đăng ký hoạt động, cũng khiến cho người ta lúng túng trong nhận biết, phân biệt và đối xử. Trong khi đó, các dòng người đi lễ xa từ miền xuôi đến các cơ sở thờ cúng ở miền núi ngày càng đông, các hoạt động biến tâm linh, tôn giáo thành hàng hóa ngày càng tinh vi, phức tạp.
Sự phục hồi của khối tín ngưỡng mang trong mình nhiều biến đổi mà động cơ của những biến đổi ấy ngày càng thể hiện tư duy duy lý. Do vậy giới làm truyền thông rất cần có một tài liệu cung cấp các thông tin đáng tin cậy để từ đó có thể yên tâm sử dụng. Theo đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền để tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức và cách ứng xử với các cộng đồng có sự kiến tạo dựa trên tôn giáo, tín ngưỡng là hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển bền vững của khu vực mang tính chiến lược về quân sự, kinh tế và văn hóa này.
“Nhưng trên thực tế vẫn rất thiếu các tài liệu được biên soạn theo hướng tổng hợp nhằm khái quát các kết quả nghiên cứu đã công bố mới nhất, đã được chuẩn hóa (tương đối) về tôn giáo, tín ngưỡng của khu vực miền núi phía Bắc để trực tiếp phục vụ dữ liệu có sẵn cho xây dựng các nội dung truyền thông về dân tộc, tôn giáo nơi đây” – tài liệu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhìn nhận.
Hiện tượng Vàng Chứ
Đây là hiện tượng khá thú vị về đời sống tôn giáo vùng miền núi phía Bắc thời sau Đổi mới, là khởi đầu cho sự tiếp biến và cải biên các ý tưởng tôn giáo phương Tây. Đây là trường hợp tiêu biểu của việc tiếp nhận một ý tưởng tôn giáo từ bên ngoài cộng đồng, cố gắng dân tộc hóa và bản địa hóa ý tưởng ấy cho phù hợp với thế giới quan và truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của tộc người.
Bắt đầu từ việc người Mông từ những năm 1985 trở đi nghe đài phát thanh FEBC (The Far East Broadcasting Company) từ Philippines bằng tiếng Mông nói về một vị thần chủ sẽ xuất hiện với cứu rỗi người tin theo. Thực chất, đó là việc truyền giáo của Tin Lành – một tôn giáo độc thần mà tín đồ chỉ tin và thờ phượng vị thần chủ duy nhất là Chúa Trời.
Nhưng người Mông tiếp nhận vị Chúa Trời ấy như là một vị “Vương chủ” (Vàng Chứ) và tin vị vương chủ ấy sẽ xuất thế, đưa người Mông đến cuộc sống mãi mãi ấm no, hạnh phúc. Về sau, khi người Dao tiếp nhận ý tưởng tôn giáo này, họ gọi vị Vương chủ đó là Thìn Hùng.
Nhìn chung, hiện tượng Vàng Chứ nảy sinh và lan rộng chủ yếu trong cộng đồng người Mông và người Dao. Sau này khi có sự tiếp xúc với các Hội thánh Tin Lành từ vùng đồng bằng lên, thì hoặc là các cộng đồng này chuyển hẳn sang Tin Lành, hoặc là dứt bỏ và trở lại tín ngưỡng truyền thống của mình.
Hiện tượng Vàng Chứ nơi người Mông và Thìn Hùng trong người Dao do đó nhìn ở một phương diện là một bước đệm để người của các dân tộc chuyển sang theo Tin Lành. Nó mới dừng ở những biểu hiện còn mờ nhạt của Tin Lành, nhưng đã định hình được niềm tin vào một vị thần duy nhất và toàn năng, khác hẳn với tâm thức tin và thờ cúng đa thần nơi các dân tộc sống ở miền núi phía Bắc.
Nhìn ở phương diện khác, hiện tượng Vàng Chứ là một nỗ lực “tái sáng tạo” hay “phát minh lại” các ý tưởng tôn giáo có sẵn để hình thành một ý tưởng tôn giáo mới. Mô thức này không hề xa lạ với nhân loại nói chung và với người Việt Nam nói riêng, đặc biệt từ giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX trở đi.
Riêng với người dân tộc thiểu số sống ở vùng miền núi phía Bắc, nó phản ánh một sự chuyển đổi rất lớn, một bước ngoặt về thế giới quan tôn giáo, mà ở đó người dân vừa muốn có một sự “thoát ly” khỏi thế giới quan đa thần truyền thống và bản địa đồng thời để vươn tới một sự “nâng cấp” mạnh mẽ về đấng thiêng họ tôn thờ, theo nghĩa là một vị thần duy nhất nhưng toàn năng, gắn với tư duy và văn hóa phương Tây, và cũng khác biệt với tâm thức tôn giáo của đa số người Kinh mà họ biết.
“Hiện tượng Vàng Chứ nay đã suy yếu rất nhiều, nhưng vẫn tồn tại” – tài liệu của Viện Nghiên cứu Tôn giáo biện giải và cho rằng không nên nhìn qua lăng kính tiêu cực của “thế lực chống phá” mà cơ quan đảng luôn bị ám ảnh.
Đạo Dương Văn Mình
Hiện tượng Dương Văn Mình xuất hiện vào nửa sau thập niên 80 của thế kỷ XX, đến nay đã có 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn thứ nhất, từ năm 1987 đến tháng 8/1989 – Dương Văn Mình tuyên truyền về đạo Vàng Chứ; Giai đoạn thứ hai, từ ngày 01/8/1989 đến ngày 30/9/1990 – tuyên truyền về Đấng Cứu thế Dương Văn Mình; Giai đoạn thứ ba, Dương Văn Mình mãn hạn tù (năm 1995) tiếp tục thực hiện ý định lập tôn giáo mới có tên là “Tín ngưỡng Dương Văn Mình là duy nhất và mãi mãi về sau”.
Dương Văn Mình có nguồn gốc từ hiện tượng Vàng Chứ hình thành ở tỉnh Tuyên Quang trong cộng đồng người Mông, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai.
Năm 2020, Dương Văn Mình gửi đơn xin thành lập tổ chức “Tín ngưỡng Dương Văn Mình là duy nhất và mãi mãi về sau”. Giai đoạn 2007 – 2008, là giai đoạn phát triển mạnh, những người đi theo hiện tượng Dương Văn Mình đã dựng được 9 nhà đòn – nơi tổ chức tang lễ cho những người Mông đi theo hiện tượng tôn giáo mới này.
Nghi lễ của hiện tượng Dương Văn Mình theo lối tiết giản về thời gian và tiền bạc nhưng vẫn giữ được một số yếu tố tín ngưỡng truyền thống do đó nó ứng nhu cầu thực hành cưới xin, tang ma của một bộ phần người Mông di cư có những đứt gãy về truyền thống.
Đáng chú ý, quy định mỗi thôn có 01 nhà đòn để tổ chức tang lễ. Bên trong nhà đòn sử dụng các biểu tượng con én thay cho cái cáng; con cóc thay cho cái trống; con ve thay cho cây khèn và cây thập giá thay cho mũi tên, các biểu tượng này vừa tạo ra tính đặc sắc của dạng thức thờ cúng này vừa giữ được bản sắc văn hóa của người Mông.
Ngoài ra, một số lời chỉ huấn của Dương Văn Mình trở thành phương châm, đường hướng thực hành của đạo. Trong Bản quy ước, điều lệ tổ chức đời sống người Mông đổi mới từ năm 1989, có 12 điều răn khá phù hợp với quy ước xây dựng nông thôn mới… Đây là những lý do khiến cho hiện tượng Dương Văn Mình ngày càng thu hút được nhiều người tham gia, đặc biệt là cộng đồng người Mông di cư.
Cuối năm 2021, sau khi Dương Văn Mình qua đời vì sức khỏe suy yếu, một số thành phần cốt cán của tổ chức này có xu hướng rời, trong đó có cả những trưởng nhóm phụ trách hàng chục tín đồ…