Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại gia bất động sản và vụ lừa đảo lớn nhất Việt Nam

Anh Khoa dịch

 

(VNTB) – Rất nhiều ngân hàng khác có thể cũng đang làm tương tự như bà Trương Mỹ Lan nhưng ở mức độ thấp hơn

 

Bà y tá về hưu tên Nga đã dùng tiền tiết kiệm cả đời để mua trái phiếu tại ngân hàng SCB, nhưng giờ đây bà không thể lấy tiền của mình sau khi bị vướng vào một vụ lừa đảo trị giá hàng tỷ đô la gây chấn động cả nước.

Giờ đây, bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, với cáo buộc biển thủ 12,5 tỷ USD sau khi bà Lan bị bắt trong chiến dịch trấn áp tham nhũng mà các nhà phân tích cho rằng đã gây ra tổn hại cho nền kinh tế và tình trạng bất ổn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, được cho là đã lừa đảo tiền mặt từ Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) trong nhiều năm, khiến các nhà đầu tư bị mất tiền và hàng trăm người biểu tình phản đối ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Nga – không phải tên thật – nằm trong số 42.000 nạn nhân của vụ bê bối Vạn Thịnh Phát được công an xác định danh tính.

“Các con giục tôi tiêu tiền, đi du lịch nhưng tôi không làm. Tôi đã gửi toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời của mình vào đó”, người phụ nữ Hà Nội 67 tuổi cho biết và cho AFP xem chứng chỉ trái phiếu trị giá khoảng 120.000 USD do SCB phát hành.

“Tôi dự định dùng số tiền này để sửa nhà… để giúp đỡ các con tôi.”

Công an cho biết những người bị vướng vào vụ lừa đảo đều là trái chủ của SCB, giờ họ không thể rút tiền và chưa nhận được tiền lãi hoặc gốc kể từ khi bà Lan bị bắt vào tháng 10 năm 2022.

Bà Lan, kết hôn với một doanh nhân giàu có ở Hong Kong, bị cáo buộc lập hồ sơ vay giả để rút tiền từ SCB, nơi bà sở hữu 90% cổ phần. Trong khoảng thời gian từ tháng 2 năm 2019 đến tháng 9 năm 2022, tài xế của bà đã vận chuyển số tiền mặt tương đương hơn 4,4 tỷ USD từ trụ sở chính của SCB tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nhà bà gần đó và trụ sở chính của Vạn Thịnh Phát.

Bà bị cáo buộc chiếm đoạt tài sản tương đương với khoảng 3% GDP của Việt Nam năm 2022.

‘Phần nổi của tảng băng chìm’

Linh Nguyễn, nhân viên phân tích hàng đầu của công ty tư vấn Việt Nam tại Control Risks, cho biết bất chấp làn sóng bắt giữ các quan chức cấp cao trong công cuộc chống tham nhũng, quy mô của vụ bê bối đã gây chấn động cả nước.

“Bây giờ người ta đặt ra câu hỏi: có trường hợp nào khác có quy mô tương tự ngoài kia không?” bà Linh nói với AFP.

“Nếu một nữ doanh nhân sở hữu một công ty và một ngân hàng có thể tận dụng nguồn vốn khổng lồ như vậy từ nền kinh tế, thì ở các ngân hàng khác và các công ty khác thì sao?”

Chuyên gia ngân hàng Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo vụ bê bối có thể “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.

Ông nói: “Theo quan điểm của tôi… rất nhiều ngân hàng khác cũng đang làm tương tự vậy, mặc dù có thể ở mức độ thấp hơn”.

85 người khác cũng sẽ phải ra tòa cùng với bà Trương Mỹ Lan, như các cựu lãnh đạo ngân hàng trung ương, cựu giám đốc điều hành SCB và cựu quan chức chính phủ.

Trong số đó có một cựu nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – ngân hàng trung ương – bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD để che giấu những vi phạm và tình hình tài chính tồi tệ của SCB.

Các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu khác bị nhắm tới trong cuộc chiến tham nhũng – và bị cáo buộc gian lận lớn – có cả Trương Quý Thanh, chủ tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát.

Ông Thanh sẽ bị truy tố cùng với hai con gái vì bị cáo buộc chiếm đoạt 31,5 triệu USD.

Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng sẽ phải hầu tòa vì mua trái phép 355 triệu USD trong đợt bán trái phiếu cho hơn 6.500 nhà đầu tư.

Ảnh hưởng kinh tế

Trong một cuộc thảo luận gần đây, ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, cho biết chiến dịch chống tham nhũng thậm chí còn giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Việt Nam.

Ông cho biết, năm ngoái, chính phủ chỉ giải ngân được 65% mục tiêu hàng năm cho vốn đầu tư công.

Nhiều người do lo sợ bị cuốn vào cuộc đàn áp tham nhũng, nên các giao dịch hàng ngày trong doanh nghiệp và bộ máy nhà nước đã chậm lại.

Nền kinh tế chỉ tăng trưởng hơn 5% vào năm 2023, không đạt mục tiêu 6,5% của chính phủ.

Trong khi đó, giá vàng ở Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước, vượt 1/3 so với giá toàn cầu.

Bà Linh, của Control Risks, cho biết xu hướng này cho thấy người Việt Nam bình thường cảm thấy “an toàn hơn khi giữ tiền hoặc vàng trong nhà”.

Bà Linh nói thêm rằng một số nhà đầu tư nước ngoài cũng cảm thấy lo sợ, ngay cả khi họ đã ca ngợi rất nhiều những gì được  coi là mục đích của chiến dịch nhằm cải thiện nhà nước pháp quyền.

“Điều đó không có nghĩa là (các nhà đầu tư nước ngoài) sẽ bỏ chạy hoặc chuyển lợi ích của họ sang nước khác,” bà Linh nói.

“Có thể là họ sẽ trì hoãn… cho đến khi mọi chuyện lắng xuống.”

Với bà Nga, dù bà đã trình báo vụ việc với công an nhưng công lý không thể đến sớm hơn được.

Bà Nga nói: “Những người phạm tội ác này phải bị trừng phạt thích đáng. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng tôi có thể lấy lại được số tiền của mình vì tôi không làm hại gì ai”.

____________

Nguồn: AFP


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

Báo nhà nước ‘vuốt’ bà Trương Mỹ Lan: Đảng muốn ‘ngắm’ ông Lê Thanh Hải? *

Phan Thanh Hung

VNTB – Ráo riết mua lại trái phiếu trước hạn để tránh bị đe dọa bắt bớ?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo