VNTB – Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?

VNTB – Người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin của Trung Quốc?

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Dường như người dân không được quyền từ chối khi nhà chức trách yêu cầu chích ngừa với vắc xin Vero Cell của Trung Quốc.

 

Tập đoàn bất động sản Vạn Thịnh Phát đã ‘bảo trợ’ việc nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Vero Cell, tổng giá trị hợp đồng là 45 triệu Mỹ kim. 1 triệu liều đầu tiên đã về tới Tân Sơn Nhất. Người dân có được quyền từ chối tiêm vắc xin Vero Cell?

Rất có thể người dân không được quyền từ chối tiêm vắc xin Vero Cell của Trung Quốc.

Điều 29 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những trường hợp bắt buộc phải sử dụng vắc xin phòng bệnh: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch; trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây là những đối tượng buộc phải chấp nhận tiêm chủng, không thể từ chối hoặc né tránh.

Những người được miễn phí sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong các trường hợp sau: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đến vùng có dịch; trẻ em, phụ nữ có thai, thầy thuốc, nhân viên y tế trực tiếp tham gia chăm sóc, điều trị cho người mắc bệnh truyền nhiễm, người làm việc trong phòng xét nghiệm tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được sử dụng miễn phí vắc xin, sinh phẩm y tế.

Theo điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ một triệu đồng đến 3 triệu đồng với hành vi không sử dụng, hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Do đó, trường hợp từ chối tiêm vắc xin Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền (trừ trường hợp có lý do chính đáng như: phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vaccine Covid-19…) sẽ bị xử phạt như quy định nêu trên.

Căn cứ khoản 4 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức tiền phạt với vi phạm nêu trên là mức trung bình của khung tiền phạt (là 2 triệu đồng). Nếu có tình tiết giảm nhẹ, mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn một triệu đồng. Nếu có tình tiết tăng nặng, mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá 3 triệu đồng.

Đồng thời, trường hợp không chịu tiêm vắc xin Covid-19 dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với tội danh này, khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ một năm đến 5 năm.

Những viện dẫn kể trên cho thấy dường như người dân không được quyền từ chối khi nhà chức trách yêu cầu chích ngừa với vắc xin Vero Cell của Trung Quốc.

Tuy nhiên thời điểm hiện tại, chưa có quy định nào bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19 và thực tế tại các điểm tiêm phòng, người dân sẽ được phát phiếu khảo sát nguyện vọng, nếu người đó đồng ý thì mới tiêm.

Số tiền bỏ ra để nhập khẩu vắc xin từ Trung Quốc, theo thông báo là 45 triệu Mỹ kim cho 5 triệu liều Vero Cell. Tổng số tiền này nếu quy đổi ra đồng Việt Nam, là khoảng 1.032.975.000.000,00 đồng, tức khoảng 206.595 đồng/ liều Vero Cell, tức chừng hơn 9 Mỹ kim/ liều.

Một đơn vị nghiên cứu vắc xin tiêm phòng Covid-19 tại Việt Nam, hiện trong giai đoạn thử nghiệm, tiết lộ giá sản xuất là khoảng 120.000 đồng/ 1 liều. Còn theo theo hãng tin Reuters hồi đầu quý 1 năm nay, EU nói sẽ trả 15,50 euro (18,53 USD)/ liều vắc xin của Pfizer-BioNTech. Còn với vắc xin của AstraZeneca, khối này đồng ý trả 2,15 USD/liều.

Nếu nói tiền nào của đó, thì chích Vero Cell sẽ ngon lành hơn AstraZeneca là cái chắc rồi.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)