Việt Nam Thời Báo

VNTB – Tiểu thương chợ Thủ Đức lo lắng về ‘đồn đoán’ tăng giá thuê sạp

Hùng – Sơn

 

(VNTB) – Chính quyền cho rằng quyết định tăng giá thuê sạp chợ Thủ Đức chỉ mang tính… thăm dò cho công việc tiến hành mời đấu thầu.

 

Theo quyết định 14664/QĐ-UBND của UBND TP Thủ Đức (được ký duyệt ngày 8-11-2023), tùy vào vị trí, giá thuê ki-ốt, sạp tại chợ (gồm khu trung tâm thương mại, khu chợ A, B) tăng phổ biến từ 2-4 lần, thậm chí có vị trí tăng gấp gần 8 lần so với trước đó. Nếu quyết định này được áp dụng, tùy vị trí sạp và ki-ốt, tiểu thương sẽ trả 83.000 – 367.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Với tình hình kinh doanh nói chung ở chợ truyền thống tiếp tục ế ẩm kéo dài, nhiều tiểu thương ở chợ Thủ Đức cho rằng mức phí trên là tăng quá nhiều.

Phản ánh đến cơ quan truyền thông, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Thủ Đức cho biết họ rất hoang mang sau khi nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (giá thuê sạp) theo văn bản nói trên. Với nội dung của văn bản này, ba vị trí là trung tâm thương mại, chợ Thủ Đức A, chợ Thủ Đức B đều tăng giá thuê sạp. Giá mới chưa bao gồm tiền thuê đất và chi phí tiêu thụ điện, sử dụng nước, dịch vụ vệ sinh dọn rác và các chi phí phát sinh khác. Cụ thể, đối với khu chợ Thủ Đức B, các ki-ốt đầu hồi, lối đi lớn, giá thuê sạp dao động từ 29.000 – 38.000 đồng/m2/tháng tăng lên đồng 111.000 đồng/m2/tháng; ki-ốt không đầu hồi, lối đi lớn từ 30.000 – 34.000 đồng/m2/tháng tăng lên 103.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng)… tức tăng gấp 3 lần mức ban đầu.

Có một thực tế là nếu như trước đây mỗi người một sạp, nhưng giờ nhiều người nghỉ nên nhượng lại, “thậm chí cho bán không nên chúng tôi ráng thử ôm 5-6 sạp. Nhưng với tình hình hiện nay chắc phải trả lại sạp, chứ theo là đuối”, một tiểu thương ở khu A chợ Thủ Đức làm phép tính: với ‘bao sân’ 5 ki-ốt, mỗi tháng phải trả khoảng 8 triệu đồng cho các loại như tiền thuế, phí thuê quầy sạp, vệ sinh, điện, nước…, giờ nếu phải đóng phí thuê quầy sạp theo quy định mới thì sẽ thêm một khoản không nhỏ. Trong khi đó, nhìn vào đống quần áo, hàng thời trang đang tồn, một tiểu thương khu chợ A, thở dài cho biết kỳ vọng mùa Tết ăn nên làm ra nhưng phải thất vọng. Giờ khó khăn chồng chất nên chưa trả hết nợ cho mối lái, thậm chí thiếu tiền thuế nhiều tháng nay.

“Chợ mỗi năm càng ế, tôi lớn tuổi nên cố bám trụ để kiếm tiền dưỡng già. Tiền thuê quầy hàng tháng của tôi khoảng 135.000 đồng, nếu tăng tiền thuê lên 336.000 đồng/tháng, cộng thêm khoảng 75.000 đồng/tháng phí vệ sinh, bảo vệ nữa thì hơn 400.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước… Trong khi doanh thu hằng tháng chỉ có 4-5 triệu đồng, lợi nhuận có được bao nhiêu đâu” – bà Đoàn Thị Thu Thủy (69 tuổi), một tiểu thương kinh doanh giày dép (hộ tên Phan Thị Thu Vân) ở khu trung tâm thương mại, than thở từ đợt dịch Covid-19 (năm 2020) đến nay việc kinh doanh vô cùng ế ẩm.

Theo đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, theo thiết kế, chợ có 936 ki-ốt, quầy sạp, nhưng chính thức hoạt động hiện chỉ có 634, còn lại tạm ngưng hoặc bỏ hẳn. Trong đó có 232 ki-ốt, quầy sạp bỏ hẳn nên chợ gặp khó trong việc truy thu các khoản phí liên quan.

“Là đơn vị quản lý, chúng tôi sẽ tuân theo các quy định của UBND thành phố, đồng thời giải thích, vận động tiểu thương. Tuy nhiên với tình hình khó khăn tại chợ hiện nay, thiết nghĩ cần tính toán để có mức phí hài hòa”, đại diện Ban quản lý chợ Thủ Đức ý kiến.

Theo các tiểu thương khác, sau khi có thông báo tăng giá dịch vụ, một số tiểu thương đề nghị tăng theo lộ trình, hoặc đợi chợ phục hồi trở lại rồi mới tăng giá. Một số tiểu thương khác còn đồng loạt ký Đơn xin kiến nghị và đơn xin cứu xét gửi đến UBND TP Thủ Đức với mong muốn hoãn tăng giá dịch vụ.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Khách du lịch lớn tuổi Trung Quốc… ồ ạt du lịch sang Móng Cái

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Chợ truyền thống ở Sài Gòn vẫn… ế ẩm

Do Van Tien

VNTB – Người lao động ‘tụ tập’ để đòi trả nợ lương

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo