Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bảo hiểm tâm linh, hối lộ thánh thần

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Lãnh đạo cộng sản dù luôn coi tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại nhưng thực tế lại rất mê tín.

 

“Thành tâm khấn bái” trong bóng tối vô thần

Những năm gần đây, song song với hình ảnh người dân chen chân trong các lễ hội, chùa chiền, người ta dễ dàng tìm thấy hình ảnh những lãnh đạo cao cấp như ông Nguyễn Xuân Phúc, Tô Lâm đi “dâng hương”, hay ông Trần Đại Quang, Nguyễn Đức Chung đang thành tâm cầu khấn với những cây nhang đèn và lễ vật to lớn khác thường.

Hiện tượng này có vẻ như là biểu hiện của tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Thế nhưng đằng sau sự hoành tráng của những công trình tâm linh và sự thành tâm cúng bái là sự lệch lạc tín ngưỡng, mà chính những lãnh đạo cộng sản vô thần là những người “đi đầu” và “nêu gương” bởi sự u mê và vô thần của họ.

Một trong những khởi đầu cho “cuộc đua tâm linh” là hiện tượng xây dựng những “siêu chùa” và đằng sau những dự án tâm linh lớn này thường có sự tham gia của các đại gia và quan chức lớn. Họ đứng sau cả về mặt tài chính lẫn quyết định. Một số công trình như chùa Từ Quang ở TP.HCM được “đồn thổi” là do ông cựu chủ tịch nước Trần Đại Quang đứng sau, chùa Tam Chúc với một gian thờ riêng cho vợ đại gia Xuân Trường là chùa mới xây dựng nhưng đã được công nhận là di tích quốc gia, hay ngôi chùa ở Trà Vinh có hình của gia đình đại gia Trầm Bê. Không ít chùa chiền đã đưa ông Hồ Chí Minh lên ngồi ngang hàng với Phật để cho người dân cúng bái, quỳ lạy và khấn cầu.

Từ hành tâm cúng bái, tới việc xây chùa chiền hay làm công đức với số tiền lớn, có thể được hiểu một cách đơn giản là  “hối lộ” tâm linh.  “Hối lộ thánh thần” để mua phước đức cho chính mình và được “phù hộ” hạnh thông trong công việc, nếu có “biến” gì thì sẽ “tai qua nạn khỏi”. Các đại gia, đứng sau đó là các chính trị gia có máu mặt, mạnh tay xuống tiền nhưng không biết có thần thánh nào nơi nào bảo vệ được họ.

Nhưng đâu phải cứ cầu thì sẽ được. Đã có bao nhiêu đại gia, lãnh đạo đảng dù đã siêng năng cúng kiếng, chùa chiền, bỏ biết bao nhiêu tiền vào hòm công đức, nhưng vẫn cứ nối đuôi nhau vào tù, số người bị mất chức ngày một tăng cao. Thậm chí, cả chưa kịp vào tù đã bị tử vong do ngã từ trên cao xuống hoặc “bệnh lạ”. Việc hối lộ tâm linh có vẻ không đem lại kết quả như ý muốn.

 

Đám đông “u mê” giúp “nhà chùa” trục lợi

Hậu quả của sự lệch lạc và u mê về tôn giáo của các nhà lãnh đạo cộng sản đã dẫn tới việc tôn giáo dần trở nên lệch lạc và tự do phát triển theo hướng buôn thần bán thánh. Các hoạt động tôn giáo thay vì trở thành một điểm tựa tinh thần, dần trở thành một cách để trục lợi người dân, thông qua việc kêu gọi quyên góp, mua bán phước đức. Thậm chí là việc sử dụng tôn giáo để lừa đảo và kiếm lợi ích một cách công khai như phát ấn “thăng quan tiến chức”.

Từ nhu cầu tín ngưỡng và hiểu biết lệch lạc của số đông, các loại cúng tế và lễ nghĩ mọc lên như nấm và ngang nhiên được truyền thông tâng bốc, nâng lên tầm “văn hoá truyền thống”. Lễ cướp ấn ở Đền Trần hàng năm luôn có hàng ngàn người chen chúc tranh nhau cướp vài tờ giấy được vẽ vời lăng nhăng. Học sinh, sinh viên trước kỳ thi quan trọng lại kéo nhau đến Quốc Tử Giám xì sụp cúi lạy cầu thi đậu.

Người dân chen chân ở những u mê như đến chùa Ba Vàng để chiêm ngưỡng “quốc bảo của Myanmar”.  Sự u mê tập thể này đã được báo chí nhà nước tung hô trước khi việc “cung thỉnh” cọng cỏ biết ngọ ngoạy để người dân chiêm ngưỡng bị bại lộ là lừa bịp cùng với việc sư trụ trì bị phạt hành chính và phải “sám hối”.

Mất niềm tin vào chính mình, không còn tin tưởng vào hiện tại lẫn tương lai, tín đồ tranh nhau đi dâng sao, giải hạn tạo cơ hội cho nhà chùa kiếm ăn. Nhà chùa ra sức vơ vét tiền công đức, mở ví momo để thu tiền cúng dường, thậm chí còn hội họp để chỉ nhau sử dụng truyền thông ra sao để có thể kiếm tiền từ đại chúng. Những “siêu chùa” trở thành những cỗ máy in tiền dựa vào sự u mê của số đông.

Nhà nước lại làm ngơ vì nhà chùa lại sẽ lại đóng góp cho Mặt trận Tổ quốc để ủng hộ các chương trình gây quỹ chống thiên tai, trợ giúp người nghèo.  Chỉ nội trong năm 2023, giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cúng dường cho nhà nước số tiền tới 2.100 tỷ đồng ( khoảng 84 triệu đô la). Số tiền công đức thực thu được sẽ còn lớn hơn con số này biết bao nhiêu lần.

Đứng ở vai trò lãnh đạo quốc gia, việc tạo ra phước đức lớn nhất nằm ở việc sống thiện lành, chăm sóc và cải thiện cuộc sống của người dân chứ không phải cúng bái cầu danh lợi cá nhân. Quốc thái dân an, tự nhiên phước đức lại đến.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Báo chí Việt Nam đưa độc giả vào mê tín

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cứ mưa là sạt là chết

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tại sao tình trạng bỏ Đảng gia tăng?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo