Dân Trần
(VNTB) – Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cho đổi quy chế thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới
Đến hẹn lại lên, đến mùa thi bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lại ban hành thông tư thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT. Quy chế thi năm nay làm rõ hơn về thời gian làm bài, các dụng cụ được mang vào phòng thi và các loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được công nhận.
Năm ngoái, quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng được sửa đổi 6 điểm so với kỳ thi năm 2022. Được biết, năm 2024 sẽ là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình cũ. Vậy năm 2025, chắc chắn sẽ có quy chế thi mới với chương trình mới.
Có thể thấy trong nhiều năm qua, bộ GD&ĐT thay đổi liên tục quy chế thi tốt nghiệp THPT, tạo ra sự bất ổn và không đồng nhất trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi. Học sinh, giáo viên phải liên tục điều chỉnh phương pháp học tập và giảng dạy để phù hợp với các quy định mới, điều này gây ra sự căng thẳng, cũng như áp lực không cần thiết cho cả hai bên.
Đối với giáo viên, việc thay đổi quy chế thi liên tục cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc lập kế hoạch giảng dạy và chuẩn bị học liệu. Họ phải liên tục cập nhật và thích nghi với các thay đổi, điều này đôi khi gây ra sự bất ổn trong quá trình giảng dạy.
Chị N.T., một giáo viên ở Sài Gòn kể về những áp lực mà chị gặp phải: “Mỗi năm chúng tôi đều phải đợi tới tháng 3 để xem quy chế thi sẽ thay đổi những gì, giáo viên phải cập nhật kiến thức và nắm vững yêu cầu mới để chuẩn bị bài giảng. Thay đổi gần sát kỳ thi như vậy giống như Bộ Giáo dục muốn đánh đố giáo viên và học sinh vậy. Ngoài ra đổi quy chế thi thì giáo viên cũng phải tham gia các khóa đào tạo mới để hiểu, nắm vững và thích nghi với quy chế mới. Dạy học mà không biết học sinh sẽ thi theo kiểu gì, thì tâm lý giáo viên đôi lúc sẽ bất ổn, mất tự tin, ảnh hưởng chất lượng, nhất là việc phải chạy theo chỉ tiêu mỗi kỳ thi”.
Dĩ nhiên, học sinh là nạn nhân chính của việc thay đổi quy chế thi bất ngờ và liên tục này. Học sinh chính là tương lai của dân tộc, nên những quy định bất ổn của bộ GD&ĐT sẽ dẫn tới hậu quả lâu dài.
“Mỗi khi quy chế thi thay đổi, học sinh phải dành thời gian để hiểu và thích nghi với các yêu cầu mới. Việc này tạo ra áp lực lớn cho học sinh, đặc biệt là trong những kỳ thi quan trọng như THPT. Cần nhớ rằng, học sinh là những thiếu niên có tâm lý chưa ổn định, chưa thể chịu được áp lực. Chỉ có cái chế thi mà năm nào cũng đổi thì sẽ khiến học sinh lo lắng, hồi hộp, không biết chính xác các quy định và yêu cầu của kỳ thi, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất và tự tin trong kỳ thi”. Cô B.L., một phụ huynh có con đang học THPT nêu bức xúc với phóng viên VNTB.
Một bất cập của việc việc thay đổi quy chế thi tốt nghiệp THPT là làm mất đi tính công bằng và minh bạch trong quá trình thi cử. Các thí sinh không có đủ thời gian để làm quen với quy chế mới hoặc không nhận được đủ thông tin về các thay đổi, điều này tạo ra sự bất lợi cho một số học sinh, đặc biệt là những người đến từ các vùng miền, trường học có điều kiện kém.
Cuối cùng, sự thay đổi liên tục của quy chế thi tốt nghiệp cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về năng lực của những người làm giáo dục. Gần nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, nhưng giáo dục thì lúc nào cũng bất cập. Khi mới khai giảng thì là chuyện học phí; giữa năm học thì xuất hiện các tin đồn sẽ bỏ thi môn này chọn môn kia; gần tới kỳ thi thì đổi quy chế.
“Thật ra Việt Nam không thiếu nhân tài để đưa ra những chiến lược bền vững và hiệu quả cho nền giáo dục nước nhà, nhưng hệ thống chính trị hiện nay không cho phép người tài được phát huy năng lực, cống hiến cho đất nước”. Chị N.T. nói.
___________________
Tham khảo:
Bộ GD&ĐT lại đổi quy chế thi: đánh đố học sinh và giáo viên
https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=9195